TPHCM chưa vội chọn công nghệ xử lý nước như ở sông Tô Lịch
(Dân trí) - Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho rằng đề xuất thay thế các trạm xử lý nước thải bằng thiết bị nano-bioreactor là chưa có cơ sở vì ngay cả các nước tiên tiến (kể cả Nhật Bản là nơi xuất xứ công nghệ) cũng đang sử dụng các trạm xử lý nước thải. TPHCM cũng sẽ chờ kết quả thử nghiệm công nghệ này đang áp dụng tại sông Tô Lịch (Hà Nội).
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (công ty JVE) từng đề xuất với UBND TPHCM xử lý nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, rạch Xuyên Tâm và kênh 19/5 bằng công nghệ nano-bioreactor.
Công nghệ chủ yếu nằm ở hai phần chính: thiết bị tạo bọt khí mịn (theo giới thiệu là có kích thước nano) và tấm phân phối - giữ bọt khí trong nước để duy trì lượng oxi hòa tan. Thiết bị này có khả năng phân giải các chất gây ô nhiễm, bùn ở tầng đáy với hiệu quả lên đến 25 năm.
Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM, về khả năng cung cấp oxi “vô tận” thì thật sự là không thể có vì các thiết bị hoạt động (máy tạo bọt khí) cần cung cấp năng lượng cho nó – điện năng. Như vậy, nếu ngưng cung cấp điện năng cho thiết bị cũng đồng nghĩa là khả năng cấp bọt khí – oxi chấm dứt.
Về khả năng phân hủy bùn và các chất ô nhiễm, Sở Tài nguyên – Môi trường TP cho rằng phải dựa vào quần thể vi sinh vật có trong nguồn nước. Vì ở đây là quá trình phân hủy khí, do vậy hàm lượng oxi hòa tan đóng vai trò quan trọng. Việc sục khí và duy trì mức oxi hòa tan cao có thể giúp cho tốc độ phân hủy các ô nhiễm được tối ưu.
Tuy nhiên, công nghệ này hoàn toàn không có cơ chế để tạo ra các gốc tự do (ví dụ như HO*) vì muốn tạo ra các gốc tự do này phải có các tác nhân oxi hóa rất mạnh như O3 (ozone), H2O2… là những tác nhân có thể tạo ra nguyên tử oxi. Vì đây chỉ là máy tạo bọt khí mịn nên hoàn toàn không có việc cắt đứt mạch liên kết H-O-H trong phân tử nước. Nếu cắt được mạch liên kết này thì phải là máy sục Ozone và khi đó sẽ tốn nhiều năng lượng.
Ngoài ra, việc phân hủy nhanh các chất ô nhiễm còn phụ thuộc lớn vào quần thể vi sinh vật có trong nước. Nếu quần thể vi sinh vật này không đủ lượng thì khả năng phân hủy cũng sẽ giảm.
Đối với kênh, rạch là dòng nước luân chuyển, vì vậy rất khó đánh giá hiệu quả xử lý của thiết bị nano-bioreactor. Chưa kể nếu không kiểm soát tốt nguồn thải vào kênh thì khả năng tái ô nhiễm sau khu vực đặt thiết bị rất cao.
Từ đó, Sở Tài nguyên – Môi trường TP nhận định: việc đề xuất thay thế các trạm xử lý nước thải bằng thiết bị nano-bioreactor là chưa đủ cơ sở vì ngay cả các nước tiên tiến (kể cả Nhật Bản là nơi xuất xứ công nghệ) vẫn đang sử dụng các trạm xử lý nước thải. Một yếu tố nữa mà công nghệ chưa đáp ứng là thời gian xử lý, phục hồi cần 2-3 tháng trong khi nước thải ra hàng ngày.
Hiện tượng cá chết trắng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè diễn ra trong vài năm trở lại đây sau những cơn mưa đầu mùa
Sở Tài nguyên – Môi trường TP cho rằng lớp bùn lắng tại khu vực đặt thiết bị và lân cận có thể được cải tạo và giảm nhiều nhưng bùn này có khả năng trôi và lắng đọng (tái trở thành bùn kị khí có màu đen) những khu vực cuối nguồn. Muốn cải tạo lớp bùn này phải đặt nhiều thiết bị dọc theo kênh cho đến cuối nguồn.
Theo Sở Tài nguyên – Môi trường TP, hiện nay Hà Nội đang tiến hành thử nghiệm công nghệ này trên một đoạn sông Tô Lịch (với thời gian thử nghiệm là 2 tháng) và được theo dõi, lấy mẫu giám sát để đánh giá hiệu quả. Vì vậy, cần chờ đợi kết quả thử nghiệm với các số liệu cụ thể. Bên cạnh đó, tổ chức tham quan thực tế và tiếp cận các số liệu quan trắc để có thể đánh giá một cách khách quan hơn.
Từ đó, Sở kiến nghị UBND TP giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thẩm định công nghệ khi có yêu cầu từ công ty JVE.
Quốc Anh