1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM chi 1.600 tỷ đồng lắp đặt 10.000 camera giám sát thông minh

(Dân trí) - Theo đề án Xây dựng hệ thống camera giám sát hình ảnh tập trung của TPHCM giai đoạn 2019-2025, thành phố sẽ lắp đặt khoảng 10.000 camera giám sát thông minh với kinh phí hơn 1.600 tỷ đồng.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP, tính đến tháng 6/2019, hệ thống camera giám sát giao thông được kết nối tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (trực thuộc Sở Giao thông vận tải) là 713 camera. Ngoài ra, Sở GTVT cũng đang quản lý 100 camera phục vụ đo đếm lưu lượng, vận tốc lưu thông trên địa bàn thành phố.

TPHCM chi 1.600 tỷ đồng lắp đặt 10.000 camera giám sát thông minh - 1

Trung tâm điều hành chỉ huy đô thị thông minh của TPHCM hiện đã tích hợp hơn 1.000 camera của Sở GTVT TP và một số quận

Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang tiếp tục triển khai các dự án lắp đặt bổ sung camera tại các giao lộ và tuyến đường trên địa bàn thành phố, với số lượng dự kiến khoảng 100 camera.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải, trung bình số lượng camera giao thông của TPHCM hiện nay là gần 7 km/camera, thấp hơn nhiều so với các thành phố lớn khác trên thế giới như Moscow (Liên bang Nga) - gần 0,9 km/camera, Seoul (Hàn Quốc) - hơn 1 km/camera…

Mặt khác, hệ thống camera giám sát giao thông thường được lắp ở độ cao khoảng 8m-10m, do đó, chỉ phù hợp cho mục đích giám sát toàn cảnh và phân tích tình hình giao thông, mật độ người và vật thể, khó ứng dụng cho việc phân tích gương mặt hay theo dõi đối tượng cụ thể.

Ngoài ra, theo thống kê của Công an TP, tính đến tháng 8/2018, toàn thành phố hiện có hơn 37.000 camera giám sát thuộc sự quản lý của UBND và Công an cấp huyện, cấp xã. Các hệ thống này đa số được giám sát, quản lý, vận hành bởi lực lượng công an, giúp tăng cường, hỗ trợ công tác giám sát địa bàn, quản lý trật tự đô thị, phòng chống tệ nạn xã hội, trộm cắp…

Theo đánh giá của Công an TP, việc triển khai Trung tâm giám sát hình ảnh bước đầu đã giúp cho lực lượng chức năng tăng cường năng lực giám sát an ninh công cộng, giám sát chuyên sâu các mục tiêu trọng điểm, lưu trữ thông tin làm nguồn dữ liệu tham khảo phục vụ công tác điều tra, phòng chống tội phạm.

Việc triển khai kết nối tập trung đối với các hệ thống camera tại quận, huyện vẫn đang tiếp tục triển khai, tuy nhiên cũng chỉ mới đáp ứng nhu cầu quan sát hình ảnh, việc đầu tư xây dựng còn mang tính rời rạc, chưa có một mô hình cụ thể, thống nhất do còn hạn chế.

Và về tổng thể, hiện nay vẫn chưa có một quy hoạch về mạng lưới camera giám sát nhằm đảm bảo độ phủ, tầm quan sát và khai thác tốt nguồn dữ liệu hình ảnh camera giữa các ngành, các cấp.

Do đó, Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng cần thiết phải triển khai quy hoạch tổng thể về mạng lưới camera giám sát cho TPHCM. Theo đó, mạng lưới camera cần đảm bảo độ phủ, tầm quan sát, góc quan sát phù hợp với mục đích sử dụng và mục tiêu, đối tượng cần giám sát như: nhận diện biển số phương tiện giao thông, nhận diện khuôn mặt, theo dõi triều cường, tình trạng ngập úng…

TPHCM chi 1.600 tỷ đồng lắp đặt 10.000 camera giám sát thông minh - 2

Theo đề án, Công an TP quản lý từ 1.000-3.000 camera tại những vị trí trọng điểm

Theo đề án Xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung của TPHCM giai đoạn 2019-2025 mà Sở Thông tin và Truyền thông TP vừa trình UBND TPHCM, đến năm 2025, khoảng 10.000 camera được lắp đặt khắp các tuyến đường và được đưa vào sử dụng thống nhất một hệ thống quản lý và giám sát tập trung của thành phố. Trong đó, Công an TP quản lý từ 1.000-3.000 camera tại những vị trí trọng điểm.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, hệ thống camera được tích hợp và quản lý trên nền tảng bản đồ số, với tọa độ và địa chỉ lắp đặt chính xác, cho phép truy xuất hình ảnh camera theo khu vực và địa chỉ cụ thể.

Hệ thống quản lý camera phải được trang bị các công cụ phân tích, nhận diện hình ảnh nâng cao như phân tích hình ảnh, nhận diện và tìm kiếm đối tượng theo yêu cầu… Đồng thời, triển khai nền tảng thu nhận, tích hợp, phân tích dữ liệu lớn về các sự kiện để chia sẻ cho các mục đích chuyên ngành trên toàn thành phố.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, khái toán kinh phí thực hiện đề án khoảng hơn 1.600 tỷ đồng.

Sở Thông tin và Truyền thông TP cho rằng, trang bị và quản lý các camera không chỉ là xu hướng mà còn là một nhu cầu cấp bách của nhà nước và xã hội. Trong đó, mô hình của Singapore và của Nga được xem là hai mô hình đặc trưng tiêu biểu.

Tại Singapore, tất cả dữ liệu được tích hợp và khai thác tập trung cũng như quản lý vận hành bởi các cơ quan chính phủ. Đến hết năm 2016, Singapore đã có hơn 52.000 camera của cơ quan cảnh sát được lắp ở hơn 8.600 khu chung cư, cung cấp khả năng giám sát công cộng mạnh mẽ.

Ngoài ra, cơ quan môi trường Singapore có gần 3.000 camera lắp đặt tại các khu chung cư để giám sát các vi phạm về môi trường.

Năm 2018, Chính phủ Singapore có kế hoạch lắp đặt thử nghiệm 110.000 camera trên đường giao thông tích hợp nhiều công nghệ hiện đại như nhận diện khuôn mặt để tăng cường khả năng giám sát an ninh.

Trong khi đó tại Nga, các hệ thống camera giám sát được xây dựng bởi nhiều hình thức khác nhau như của doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp công ích, các cơ quan chức năng và được tích hợp phân tán tại các Trung tâm nhỏ theo địa phương hoặc theo chuyên ngành trước khi được tích hợp tại Trung tâm thành phố.

Các dữ liệu video và hình ảnh thu thập được đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, điều hành và thậm chí dự báo phát triển các vấn đề của đô thị hiện đại. Công nghệ camera kết hợp với công nghệ AI sẽ trở nên vô cùng hữu ích trong hiện tại và giai đoạn sắp tới. Một đô thị được xem là hiện đại và thông minh không thể thiếu việc quy hoạch và xây dựng các hệ thống camera giám sát.

Quốc Anh