1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Top 8 phóng sự video ấn tượng nhất Dân trí năm 2013

(Dân trí) - Vạch mặt thủ đoạn bơm xăng móc túi người tiêu dùng, đường dây "đẻ thuê" giá 350 triệu đồng, lật tẩy "mánh khóe" gian lận trong phòng thi tốt nghiệp tại Hà Nội... là những phóng sự video thu hút nhất Dân trí năm 2013.

1. Trọn gói đẻ thuê giá 350 triệu đồng tại Hà Nội

Lợi dụng tình trạng nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn không có khả năng sinh con, những kẻ cò mồi đã xây dựng cả một đường dây sẵn sàng cung ứng “máy đẻ” nếu khách có nhu cầu ở Hà Thành.

Phóng viên đã tiếp cận được với những đối tượng dắt mối, cò mồi để gặp được “má mì” của đường dây chuyên “đẻ thuê” trước cổng bệnh viện Phụ sản Trung ương. Đường dây này lo trọn gói mỗi ca đẻ thuê với giá 350 triệu đồng.


2. Tận mắt nhìn công nghệ chế biến chim sẻ từ vịt chết

Sau nhiều ngày điều tra, nhóm PVDân tríđã được mục sở thị kỹ nghệ hô biến những con vịt chết thành đặc sản chim sẻ của tiểu thương tại Phú Xuyên – Hà Nội. Theo đó, những con vịt con chết ngạt, vịt thải loại hoặc bị bệnh sẽ được gom lại, cắt mỏ, bỏ chân sau đó tẩm ướp gia vị để trở nên bắt mắt. Chứng kiến công nghệ làm giả siêu bẩn và độc hại này, nhiều người không khỏi rùng mình, khiếp sợ.


3. Lật tẩy những “mánh khóe” gian lận trong phòng thi tốt nghiệp

Những video được phóng viên Dân trí dày công ghi lại tại một Hội đồng thi tốt nghiệp THPT Quang Trung – Hà Nội ở môn Toán và Ngoại Ngữ.

Khác với việc gian lân ở trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) năm 2012 là giám thị giải bài rồi đưa đến tận tay cho học sinh thì ở hội đồng thi này, các thí sinh phải tự “phối hợp” với nhau. Giám thị chỉ giúp thí sinh bằng cách “phớt lờ” các vi phạm. Để cho thí sinh an tâm, thậm chí có giám thị còn bỏ vị trí ra ngoài cửa đứng, mặc nhiên để học sinh hoạt động.

Từ nguồn tin cung cấp bằng hình ảnh của báo Dân trí về tình trạng “lộn xộn” ở hội coi thi trường THPT Quang Trung, Sở GD-ĐT Hà Nội đã lập đoàn thanh tra nhanh chóng xác minh và tiến hành xử lý kỷ luật cán bộ theo quy chế thi tốt nghiệp THPT và Nghị định 27 về xử lý kỷ luật viên chức.


4. Chuyện lạ: Tập đọc ê a... tại lò luyện thi ở Hà Nội

Trong vai những học sinh có nhu cầu ôn thi đại học, nhóm phóng viên Dân trí đã có nhiều ngày xâm nhập vào lò luyện thi “có một không hai này”. Theo đó, trong các buổi học tổng ôn môn Văn, hàng nghìn học sinh phải “ê a”, học thuộc lòng theo những gì có sẵn trong đề cương không khác gì học sinh tiểu học. Chuyện thật tưởng như đùa nhưng lại diễn ra ngay tại một lò luyện thi đại học giữa thủ đô Hà Nội. Nghịch lý là để vào được lớp học đặc biệt này các em học sinh phải chấp nhận cảnh chen chúc, ngồi tràn cả ra hành lang hay nhịn ăn, xếp hàng từ sáng sớm tinh mơ.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho biết, họ cảm thấy “sốc” và “choáng váng” trước phương pháp giáo dục “phản khoa học” này. Nhiều người cũng bày tỏ đây chính là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục nhồi nhét, rập khuôn và thiếu tính sáng tạo.


5. Hướng dẫn quay cóp ngay... chợ “phao thi”

Cận ngày thi tốt nghiệp, thay vì ôn thi, nhiều thí sinh lại rủ nhau đến chợ phao thi. Tại chợ phao thi, thí sinh còn được các chủ cửa hàng photo hướng dẫn dùng “phao” khá chi tiết.


6. Hà Nội: Vạch mặt thủ đoạn “móc túi” tinh vi của nhân viên bán xăng

Sau nhiều ngày dày công điều tra, theo dõi, nhóm phóng viên Dân trí đã vạch trần được thủ đoạn gian lận, móc túi khách hàng của một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP Hà Nội.

Tại trạm bơm xăng số 342 đường Phạm Văn Đồng, liên tục diễn ra những chiêu trò móc túi vô cùng tinh vi. Chỉ cần khách mua xăng không để ý đến đồng hồ bơm xăng, các nhân viên bán xăng tại đây thoắt trở thành các diễn viên thực thụ với màn ảo thuật bơm nối số và xóa số trên đồng hồ cột bơm xăng. Tại cây xăng này ngoài hai nhân viên một nam, một nữ đứng bên ngoài làm nhiệm vụ bơm xăng, còn có một "trợ thủ giấu mặt" nấp đằng sau cánh cửa sắt để thuận tiện cho việc bấm số ăn gian.


Thủ đoạn móc túi khách hàng tinh vi tiếp tục được phóng viên Dân Trí vạch trần tại cửa hàng xăng dầu trên đường Nghiêm Xuân Yêm (Nguyễn Xiển, Hà Nội). Trắng trợn đến mức, nữ nhân viên bán xăng tại đây liên tục bơm nối số xe máy để bẫy ô tô. Số tiền gian lận mỗi lần lên tới cả trăm nghìn đồng. Do lơ là mất tập trung, rất nhiều khách hàng đi xe ô tô đã trở thành "miếng mồi" béo bở để nhân viên bán xăng này ngang nhiên "móc túi".

Ngay sau khi báo Dân Trí phản ánh, lãnh đạo các cửa hàng xăng dầu trên đã tiến hành kỷ luật và sa thải đối với các nhân viên có hành vi gian lận, móc túi khách hàng. Lực lượng công an cũng nhanh chóng vào cuộc để điều tra làm rõ vụ việc.


7. Tức mắt với những kiểu phục vụ “lạ đời” chỉ có ở Hà Nội

Tại không ít cửa hàng nức tiếng ở Hà Nội, những người vốn được xem là "thượng đế" thì nay khách mua hàng còn bị khuyến mại thêm những lời cằn nhằn, gắt gỏng, thậm chí là mắng chửi. Có mặt tại một tiệm bánh trung thu cổ truyền nổi tiếng trên đường Thuỵ Khuê, nhóm phóng viên chứng kiến cảnh hàng trăm người trẻ có, già có chen chúc đứng ngồi giữa đường để chờ bằng được những chiếc bánh nóng hổi vừa mới ra lò… 

Nhiều người đã phải đến trước từ sáng sớm hay chấp nhận cắm chốt qua trưa để có được một chỗ xếp hàng mua bánh.


8. Hà Nội: “Người rừng” trở về sau 28 năm là liệt sỹ

28 năm sau chiến tranh, ông Lê Xuân Hào (Trầm Lộng - Ứng Hòa – Hà Tây) mới thất thểu tìm được đường về quê hương trong bộ dạng thân tàn ma dại. Hi sinh, cống hiến cho đất nước, nhưng nỗi trớ trêu kiệt cùng của số phận đã biến ông Hào thành người vô gia cư, đầy bệnh tật, quên quên nhớ nhớ và đằng đẵng những ký ức tang thương về đạn bom, chết chóc.

Trở về quê hương sau những năm tháng thất lạc, người cựu binh ấy phải ngày ngày đi buôn đồng nát, thu mua lông gà, lông vịt để đắp đổi cuộc sống qua ngày. Điều đáng nói, theo người nhà ông Hào, mặc dù đã về địa phương được gần 2 năm, chính quyền xã và các ban ngành địa phương chưa có một lời thăm hỏi, động viên hoặc xem xét chính sách cho ông Hào.

Ngay sau khi bài báo về cuộc đời của “liệt sỹ” người rừng được đăng tải đã khiến hàng trăm nghìn độc từ khắp mọi miền Tổ quốc xúc động, rơi lệ.

UBND huyện Ứng Hòa nhận sai sót trong việc chậm trễ thăm hỏi và giải quyết các chế độ chính sách cho “liệt sỹ” trở về Lê Xuân Hào đồng thời xem xét, giải quyết thủ tục, bảo đảm quyền lợi cho ông Hào.


Ban Video