1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Tổng tiêu diệt rùa tai đỏ càng sớm càng tốt”

(Dân trí) - Trước tình trạng rùa tai đỏ đã và đang tràn ra môi trường tự nhiên, ở mức độ có thể trở thành thảm họa cho ngành nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp đã chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn, tiêu diệt rùa tai đỏ.

TS Nguyễn Đình Hòe - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - cho biết, rùa tai đỏ gây hại cả về mặt thuỷ sản và trồng trọt bởi nó ăn cả động vật và thực vật nước. Xét về mức độ tàn phá thì rùa tai đỏ còn kinh khủng hơn ốc bươu vàng rất nhiều vì rùa to hơn khoẻ hơn, sống lâu hơn và ăn tạp. Thậm chí, rùa tai đỏ còn ăn thịt cả loài rùa khác. Vì thế, TS Hòe cho rằng: “Phải có phương án tổng tiêu diệt rùa tai đỏ, càng sớm càng tốt”.


“Tổng tiêu diệt rùa tai đỏ càng sớm càng tốt” - 1
Rùa tai đỏ được bày bán ở Lào Cai. (Ảnh: Ngọc Triển)

Ông Lê Thiết Bình - Trưởng Phòng Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản) - cho biết: Sắp tới, Bộ NN-PTNT sẽ ban hành thêm các thông tư quy định về việc quản lý các loài thuỷ sinh vật ngoại lai tại Việt Nam. Trong đó, một trong những nội dung mới là tăng cường xử phạt hành chính với các trường hợp vi phạm, chỉ cần người dân thả một loài xâm hại đến môi trường ra bên ngoài là có thể phạt 20 triệu đồng.

Theo TS Hòe, giải pháp khả thi hiện nay để ngăn chặn rùa tràn ra môi trường tự nhiên là phải huy động người dân bắt rùa tai đỏ để giết thịt và có thể tận dụng ngay rùa tai đỏ làm thực phẩm (thịt rùa có thể ăn được, không độc hại). Song khó khăn hiện nay là việc thu gom các lô rùa tai đỏ tại các chùa ở cả trong Nam ngoài Bắc do người dân cúng, phóng sinh vào vì các sư trụ trì chùa đang lo ngại việc thu gom rùa để tiêu hủy là sát sinh, trái với đạo lý nhà Phật.

Trong khi nhiều chùa, lượng rùa tai đỏ đã quá tải, nguồn thức ăn không có đủ, các chùa phải thuê người tới chở ra sông, hồ phóng sinh. “Để vận động các nhà chùa đồng tình việc bàn giao rùa tai đỏ, cơ quan kiểm lâm có thể mua lại, rồi nhà chùa dùng tiền đó làm công đức, cũng là một cách hợp đạo lý”, ông Hòe đề nghị.

Cũng theo ông Hòe, sở dĩ người dân mua bán, kinh doanh rùa tai đỏ trên thị trường, nhiều người mua rùa để cúng, phóng sinh vào ngày rằm, lễ là do bà con chưa hiểu đây là “rùa độc”. Do đó, cần phải nỗ lực thông tin để người dân hiểu, chung tay tẩy trừ rùa tai đỏ.  

Tuy nhiên, để ngăn chặn rùa một cách hiệu quả thì phải triển khai từ gốc, đó là siết chặt các con đường nhập khẩu rùa tai đỏ vào Việt Nam. Theo TS Hòe, sau khi để Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ nhập hàng chục ngàn con rùa tai đỏ về Việt Nam mới cảnh báo đây là “rùa độc” là quá muộn, vì từ nhiều năm qua, rùa tai đỏ đã vào Việt Nam bằng nhiều con đường, trong đó có cả thông qua các khách du lịch, cũng giống như là người ta đã đưa cá hoàng đế vào Việt Nam.

Điều bất hợp lý ở chỗ, mặc dù chúng ta đã có pháp lệnh về quản lý và kiểm soát việc nhập các giống cây trồng, vật nuôi - trong đó đã quy định rõ là cấm toàn bộ các vật nuôi lạ. Thế nhưng, các doanh nghiệp, người dân vẫn nhập các con vật lạ vào nước ta một cách tự nhiên mà không gặp sự phản kháng nào.

“Tổng tiêu diệt rùa tai đỏ càng sớm càng tốt” - 2
Rùa tai đỏ được cơ quan chức năng phát hiện nuôi tự do ở Sóc Trăng. (Ảnh: B.D) 

“Nếu kiểm soát chặt, chúng tôi tin các sinh vật lạ nguy hại như rùa tai đỏ, cây mai dương, cá hoàng đế, ốc bươu vàng, chuột hải ly, bọ dừa… không thể vào được nước ta” - TS Hòe khẳng định.

Mới đây, khi trao đổi với phóng viên về quan điểm xử lý của Bộ NN-PTNN, Thứ trưởng Vũ Văn Tám (phụ trách lĩnh vực thủy sản)đã khẳng định, quan điểm của Bộ NN-PTNT là nghiêm cấm hoàn toàn việc nuôi thả rùa tai đỏ ở Việt Nam vì các nhà khoa học lẫn các cơ quan chức năng của bộ đã nghiên cứu và khẳng định đây là loài rùa nguy hại cho môi trường tự nhiên nói chung, đặc biệt là môi trường nông nghiệp, làm mất cân bằng sinh thái.

Trước mắt, Bộ NN-PTNT đã giao cho Tổng cục Thủy sản có trách nhiệm yêu cầu Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ phải sớm tái xuất lô rùa tai đỏ đã nhập về Vĩnh Long. Tuy nhiên hiện nay, rùa tai đỏ đã lây lan ra môi trường tự nhiên và việc nhập rùa tai đỏ ở nước ngoài về cũng bằng nhiều con đường khác nhau, nên việc quản lý, kiểm soát có phần khó khăn.

Bộ NN-PTNT đã có chủ trương cũng như có chỉ đạo việc ngăn chặn, tiêu diệt rùa tai đỏ. Việc này, Bộ NN-PTNT cũng vừa giao cho Tổng cục Thủy sản hướng dẫn và yêu cầu các địa phương điều tra, khảo sát tình hình rùa tai đỏ ở trên ao hồ, đồng ruộng để có báo cáo về bộ. Sau khi nắm bắt, tổng hợp, Bộ sẽ chỉ đạo quyết liệt việc ngăn chặn rùa tai đỏ. 
 

Huế: Rùa tai đỏ được bày bán tràn lan trên phố

 

Cùng với “cơn lốc” rùa tai đỏ trên hầu khắp các tỉnh thành, tại Huế, loài “rùa độc” này cũng được bày bán tràn lan trên phố.
 
“Tổng tiêu diệt rùa tai đỏ càng sớm càng tốt” - 3
 
Rùa tai đỏ được bày bán trên đường phố ở Huế

 

Tại quầy số 3 đường Trần Hưng Đạo (TP Huế), một chậu rùa tai đỏ khoảng 10 con bơi lúc nhúc được chào giá 40 ngàn đồng/con. Ông chủ quầy này cho biết rùa được nhập từ TPHCM về cách đây 2-3 tháng. Ông cũng không biết đó là giống rùa gì, chỉ biết chúng là loại rùa nhỏ, lớn chậm nên thường được nuôi làm cảnh.

 

Một quầy không có bảng hiệu sát đó đang bày rùa ra chậu kính sát vỉa hè, to nhỏ đều có với giá  từ 35-150 ngàn đồng/con. Theo chúng tôi quan sát, chỉ có 2 con rùa mu vàng, còn lại đều là rùa tai đỏ với đặc tính hung hăng, bò nhanh khắp chậu, đôi lúc cắn nhau.

 

Khảo sát qua nhiều quầy ở các con đường có bán chim cá cây cảnh tại đường Đinh Tiên Hoàng, Đoàn Thị Điểm… rùa tai đỏ đã được bày bán chung với các vật nuôi. Phần lớn các chủ hàng cho biết rùa được nhập về từ TPHCM.
 
“Tổng tiêu diệt rùa tai đỏ càng sớm càng tốt” - 4

 

Cách đây 2 tuần, nhiều người đi đò trên sông Hương đoạn ở Điện Hòn Chén, cầu phà Tuần cũng đã vớt lên từ mẻ lưới nhiều con rùa, có con tai đỏ. Theo nguồn tin chúng tôi được biết, trong những nhà hàng hải sản tại Huế cũng có nuôi rùa tai đỏ lẫn với ba ba, rùa vàng trong các bể chứa.

Trao đổi với Phòng cảnh sát môi trường, CA tỉnh TT-Huế được biết hiện tại chưa nghe thông tin về rùa tai đỏ và chưa có đợt kiểm tra nào về loại rùa này trên địa bàn tỉnh, thành phố. (Đại Dương)

Anh Đô