Tổng Thanh tra: Có sai sót trong việc "bổ nhiệm 60 cán bộ"
(Dân trí) - Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) nêu đích danh, dư luận vừa qua bức xúc về khối tài sản của cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền - người tiền nhiệm của ông Huỳnh Phong Tranh. Đại biểu đề nghị ông Tranh nêu quan điểm, nhận định về việc này.
Chiều nay 12/6, phiên chất vấn tại Quốc hội dành 30 phút để Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời những thắc mắc, băn khoăn của đại biểu.
Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) nói lại câu chuyện về một cựu cán bộ lãnh đạo của Thanh tra Chính phủ vừa về hưu thì bị dư luận phản ánh về khối lượng tài sản lớn, gây nghi ngờ, băn khoăn. Ông Lâm đặt câu hỏi, Thanh tra Chính phủ có biện pháp gì để kiểm soát nguồn gốc phát sinh tài sản trong trường hợp cán bộ về hưu mới “phát lộ” như thế này?
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh trả lời về khối tài sản của người tiền nhiệm Trần Văn Truyền (Ảnh: Việt Hưng)
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh xác nhận chuyện một số cán bộ về hưu xong mới có nhiều tài sản thể hiện, phát sinh, nhưng quy định về kê khai tài sản thu nhập vừa qua không có quy định buộc các cán bộ về hưu phải thực hiện. Còn việc kê khai với cán bộ khi đang tại chức thì không phát hiện dấu hiệu gì tiêu cực. Quy định về kê khai và công khai vừa qua, ông Tranh cũng nhận định là chưa chặt chẽ.
Đối với việc phát sinh khối tài sản lớn sau về hưu của cán bộ cụ thể mà dư luận đã đề cập, ông Tranh cho biết, Thanh tra Chính phủ đang nghiên cứu để đề xuất hướng xử lý, điều chỉnh nội dung này trong quy định hiện nay.
Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) tiếp ngay ý này. Bà Dung nêu đích danh, dư luận vừa qua bức xúc về khối tài sản của cựu Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền - người tiền nhiệm của ông Huỳnh Phong Tranh. Đại biểu đề nghị ông Tranh nêu quan điểm, nhận định về việc này.
Đáp lời đại biểu, nói về tài sản của cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền (nhiệm kỳ 2006 - 2011), ông Tranh cho biết, ông Truyền hiện là cán bộ do Ban Bí thư quản lý, sinh hoạt Đảng tại Bến Tre. Khi có thông tin báo chí phản ánh về tài sản của ông Truyền, Thanh tra Chính phủ đã chủ động làm việc với Ban Cán sự Đảng ủy tỉnh Bến Tre để xem xét việc này. Ban Kiểm tra TƯ cũng đã vào cuộc xem xét thực hư, đúng sai trong vấn đề nguồn gốc tài sản của ông Truyền, đang chờ kết luận của Ban Kiểm tra TƯ.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) “bồi” tiếp: “Quan điểm của Tổng Thanh tra thế nào về chuyện các đồng chí cựu lãnh đạo thanh tra cũng như những cán bộ đương chức tại Thanh tra Chính phủ có khối tài sản lớn như vậy? Ngoài ra còn việc bổ nhiệm một lúc 60 cán bộ trước khi nghỉ hưu của ông Trần Văn Truyền. Thanh tra là tai là mắt của dân, tai phải rõ, mắt phải sáng mà sao chọn cán bộ như vậy?”.
Trả lời về vấn đề bổ nhiệm cán bộ, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh xác nhận, thông tin nêu ra là chính xác. Từ đầu năm 2011 đến tháng 8 năm này, Thanh tra Chính phủ có nhiều thay đổi về công tác nhân sự, xuất phát từ yêu cầu công tác cán bộ của đơn vị.
Khoảng thời gian này cũng là thời điểm Thanh tra Chính phủ chuẩn bị tách các đơn vị mới theo ý kiến chấp thuận của Thủ tướng (3 đơn vị) nên phải chuẩn bị về cán bộ. Tuy nhiên, ông Tranh cũng xác định công tác bổ nhiệm có một số sai sót như cán bộ chưa đủ điều kiện bổ nhiệm, có đơn vị, số cấp phó vượt quá số lượng quy định, có người sau bổ nhiệm không đáp ứng yêu cầu công việc…
Để khắc phục tình trạng, Thanh tra Chính phủ đã quyết định không bổ nhiệm thêm cán bộ cấp Vụ tại đơn vị, cũng như không tái bổ nhiệm. Những vị trí không đảm bảo yêu cầu công việc cũng đã được thay đổi, điều chỉnh.
“Tóm lại đúng là có việc như thông tin nhưng cũng là do có lý do riêng trong tình hình đó” - ông Tranh chốt lại.
15h, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng quyết định dừng nội dung trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh dù vẫn còn các đại biểu đăng ký.
P.Thảo