Tổng Thanh tra Chính phủ nói về giải pháp "trị" tham nhũng vặt
(Dân trí) - Sẽ thanh tra những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín như đất đai, tài nguyên, khoáng sản (cát, vonfram, đất hiếm…).
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa có văn bản trả lời các kiến nghị của cử tri nhiều địa phương liên quan đến xử lý tình trạng tham nhũng vặt.
Một bộ phận cố tình gây khó khăn nhằm "vòi vĩnh"
Cử tri Đà Nẵng và tỉnh Phú Yên kiến nghị quan tâm, xử lý nghiêm tình trạng tham nhũng vặt. Thực tế vừa qua xảy ra nhiều vụ việc gây hậu quả lớn, mất lòng tin trong nhân dân.
"Tham nhũng vặt xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ở cơ sở. Một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp", cử tri phản ánh.
Chung sự quan tâm, cử tri tỉnh Quảng Trị khẳng định những dịch vụ công đều có quy định, quy trình và biểu giá rõ ràng nhưng một bộ phận công chức, viên chức cố tình gây khó khăn nhằm "vòi vĩnh".
Hành vi "tham nhũng vặt" của một số công chức, viên chức đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người nghèo, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, khiến các nhà đầu tư "nản lòng" và người dân mất niềm tin vào chính quyền cơ sở.
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống hành vi tham nhũng vặt, ưu tiên thực hiện ở một số lĩnh vực có nhiều ảnh hưởng đối với người dân và doanh nghiệp nhằm hạn chế vấn nạn trên.
Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp
Trong văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, Phú Yên và Quảng Trị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả.
Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét.
Theo ông Phong, tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện phòng chống tham nhũng.
"Có thể khẳng định nạn tham nhũng vặt đã làm cho nhiều doanh nghiệp và người dân phải chi trả những khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính", người đứng đầu Thanh tra Chính phủ nhận định.
Tổng Thanh tra thông tin, sau khi Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành.
Thủ tướng đã chỉ đạo ngành thanh tra tổ chức thanh tra chuyên đề trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành thanh tra đang thực hiện cuộc thanh tra này.
Trong nhiều giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ. Thực hiện phòng, chống tham nhũng trong nội bộ các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng. Không để cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực làm nhiệm vụ phòng chống tham nhũng.
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ khẳng định sẽ tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Cơ quan này sẽ thanh tra những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín như đất đai, tài nguyên, khoáng sản - nhất là công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác, tiêu thụ khoáng sản cát, vonfram, đất hiếm; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công tác cán bộ….
Các vụ việc có dấu hiệu rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ, kim khí quý, đá quý qua biên giới,… cũng sẽ được thanh tra đột xuất, kịp thời khi phát hiện dấu hiệu vi phạm.
Bên cạnh đó, các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện cũng sẽ được đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử.
"Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
MTTQ Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp và nhân dân tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên", ông Đoàn Hồng Phong trả lời cử tri về giải pháp sắp tới.