Tổng kiểm tra chất lượng chung cư cũ ở TPHCM
Ngày mai, 10/8, thành phố sẽ tiến hành tổng kiểm tra, kiểm định lại các chung cư cũ, sắp sập trên địa bàn để đánh giá chất lượng kháng chấn của các chung cư này. Quyết định này vừa được đưa ra sau sự kiện động đất xảy ra ngày 5-6/8 vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết: "Việc kiểm tra sẽ tiến hành ở tất cả các chung cư cũ, đặc biệt tập trung vào 30 chung cư sắp sập đã được lên danh sách giải tỏa của thành phố". Theo ông Hiệp, nếu xảy ra động đất nghiêm trọng hơn mấy ngày qua thì những chung cư này có nguy cơ sụp đổ cao nhất.
Trả lời câu hỏi về khả năng ảnh hưởng của các cơn dư chấn đối với các công trình nhà cao tầng, ông Hiệp cho rằng các công trình mới xây dựng về nguyên tắc có chất lượng "bền vững" hơn chung cư cũ nên trước mắt không đáng lo ngại. Đó cũng chính là lý do Sở Xây dựng không đưa cao ốc vào danh sách kiểm tra chất lượng trong đợt này.
Ngày 7/8, Sở Xây dựng cũng đã thành lập đoàn khảo sát, kiểm tra tình hình các chung cư tại quận 1 bị ảnh hưởng của dư chấn động đất "nặng" nhất như chung cư Cô Giang, Nguyễn Công Trứ... Kết luận sơ bộ của Sở cho thấy, chưa có những sự cố nghiêm trọng nào xảy ra đối với chất lượng chung cư do ảnh hưởng của địa chấn. Tuy nhiên, "sau đợt kiểm tra chung cư vào thứ 4 này, Sở sẽ tổng hợp số liệu để báo cáo với UBND thành phố", ông Hiệp nói.
Trong khi đó, người dân TPHCM vẫn đang hết sức lo lắng, liệu có còn tiếp tục xảy ra những dư chấn địa chất nữa hay không. Thậm chí tối qua, một số hộ dân ở các chung cư gần công viên 23/9, quận 1, đã mang chăn màn ra công viên ngủ cho... đỡ lo. Ông Nguyễn Đăng Khánh, chung cư 60 Nguyễn Trãi giải thích: "Rủi có động đất sập chung cư thì mình đã ra ngoài an toàn rồi". Đến khuya, không thấy có sự cố gì xảy ra, số hộ dân này lại lục đục kéo về nhà ngủ.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoằng thuộc Liên đoàn địa chất thủy văn 8 - địa chất công trình Miền Nam cho rằng, các tỉnh phía Nam vẫn nằm trong hệ số an toàn về dư chấn địa chất. "Mấy ngày qua, các đường đứt gãy địa chất đang hoạt động trong một chu kỳ có biến động theo quy luật, tuy nhiên chấn động gây ra nhẹ và không ảnh hưởng nhiều đến con người", ông Hoằng giải thích.
Song do đặc điểm tương đối ổn định về địa chất của các tỉnh phía Nam nên công tác dự báo địa chấn ở phía Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức so với các tỉnh phía Bắc. Phó giám đốc Liên đoàn bản đồ địa chất Việt Nam tại TPHCM, ông Nguyễn Hữu Trí cho biết, mặc dù hoạt động ngành địa chất nhưng cơ quan này không nghiên cứu nhiều về động đất. Tiến sĩ Hoằng cũng đồng tình với quan điểm này và khẳng định công tác nghiên cứu và dự báo động đất chính thuộc về Viện vật lý địa cầu.
Riêng TPHCM hiện nay chưa có một trạm dự báo địa chấn nào nên rất khó đưa ra những dự báo chính xác về khả năng có động đất và dư chấn địa chấn như đã xảy ra trong những ngày vừa qua.
Theo Phan Anh
VnExpress