Tổng kết cơ cấu Chính phủ qua 4 nhiệm kỳ để đề xuất bộ máy cho khóa mới

Hoài Thu

(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu tổng kết, đánh giá cơ cấu tổ chức của Chính phủ và các bộ, ngành qua 4 nhiệm kỳ (từ nhiệm kỳ XII đến nhiệm kỳ XV), để trên cơ sở đó đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Kế hoạch tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương và xây dựng Đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Việc tổng kết Nghị quyết số 18 nhằm đánh giá một cách có hệ thống, toàn diện về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ, các bộ, ngành trong tổng thể yêu cầu đổi mới của hệ thống chính trị.

Theo Thủ tướng, trên cơ sở này sẽ xác định các phương hướng, giải pháp để tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy thực sự "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả" theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Còn việc xây dựng Đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức của Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh nhằm nghiên cứu, đánh giá có hệ thống, toàn diện về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV.

Tổng kết cơ cấu Chính phủ qua 4 nhiệm kỳ để đề xuất bộ máy cho khóa mới - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì một phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật (Ảnh: Đoàn Bắc).

Trên cơ sở đó, các cơ quan sẽ đề xuất quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong giai đoạn mới.

Khẳng định việc tổng kết Nghị quyết 18 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị chỉ ra được vướng mắc, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tinh gọn; đề xuất đổi mới, sắp xếp hệ thống tổ chức cơ quan hành chính Nhà nước.

Cụ thể, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và vận hành của Chính phủ; mối quan hệ với các cơ quan trong hệ thống chính trị; giữa Chính phủ với các bộ, ngành và đối tượng quản lý trong 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ (từ khóa XII đến khóa XV).

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị rà soát, đánh giá về phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực cũng như công tác thanh tra, kiểm tra nhằm giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và giảm môi trường phát sinh tiêu cực.

Thực trạng quản lý Nhà nước của từng bộ, ngành, cơ quan về vấn đề chồng chéo, giao thoa cũng là nội dung Thủ tướng yêu cầu rà soát, đi kèm với việc đề xuất phương án giải quyết theo nguyên tắc "một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính".

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đề xuất chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công thuộc ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

Theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan cũng cần đề xuất giải pháp hoàn thiện tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XVI bảo đảm tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, giảm đầu mối bên trong, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

"Chính phủ, các bộ, ngành tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, luật pháp, cơ chế chính sách, nâng cao năng lực, điều hành và hiệu quả tổ chức thực hiện, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân", quyết định của Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chủ trì xây dựng Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình và hoàn thành trước 15/12.

30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao chủ trì thực hiện xây dựng Báo cáo đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, ngành, cơ quan mình trong 4 nhiệm kỳ Chính phủ và hoàn thành trước 20/12, theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ.

.