Tổng Bí thư: Xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết và đúng đắn
(Dân trí) - “Trung ương tiếp tục khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không trung chuyển quốc tế Long Thành; coi đây là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Đó là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, hôm qua (7/5). Trong bài phát biểu này, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một trong bốn vấn đề quan trọng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc, công phu của Ban Cán sự đảng Chính phủ, sự tham gia có trách nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội và các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan; đồng thời ghi nhận, cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học.
“Sau khi thảo luận, xem xét các vấn đề nêu trong Tờ trình và Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ, Trung ương tiếp tục khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không trung chuyển quốc tế Long Thành đã được Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (tháng 12-2011) đề ra, coi đây là Dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trung ương yêu cầu trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện Dự án, cần lưu ý xác định rõ những tiêu chí, điều kiện tiền đề để trở thành một cảng trung chuyển hàng không quốc tế trong điều kiện cạnh tranh gay gắt giữa các sân bay trung chuyển quốc tế trong khu vực Đông Nam Á. Tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, lộ trình, phân kỳ đầu tư sao cho khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của ngành hàng không Việt Nam và khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Tổng Bí thư lưu ý, ngay trong giai đoạn xây dựng Báo cáo đầu tư trình Quốc hội đã phải cố gắng cung cấp một cách tương đối chuẩn xác tình hình, số liệu để chứng minh có sức thuyết phục về các phương án, đề xuất nêu trong Tờ trình như: Sự cần thiết phải lựa chọn địa điểm Long Thành; sự phù hợp của Dự án với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; vấn đề sử dụng đất, phương án giải phóng mặt bằng và tái định cư; việc lựa chọn công nghệ, kỹ thuật và mô hình quản lý, vận hành, khai thác sau khi Dự án hoàn thành; hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả đầu tư của Dự án; tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vấn đề huy động các nguồn vốn đầu tư của xã hội, khả năng hoàn vốn; biện pháp khắc phục tình trạng lâu nay các dự án đầu tư thường vượt quá cao so với dự toán ban đầu…
“Nghiêm túc lắng nghe và tiếp thu các ý kiến góp ý xác đáng và giải trình rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, nhất là ý kiến phản biện của các tổ chức, cá nhân có trình độ chuyên môn về các lĩnh vực có liên quan đến Dự án. Bảo đảm tính công khai, minh bạch; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao trong xã hội” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Ban cán sự đảng Bộ GTVT thừa ủy quyền Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ, thay mặt Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị xem xét quyết định về việc đầu tư Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thừa ủy quyền của Chính phủ báo cáo bổ sung với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 35, ngày 26/2. Theo đó, tổng đầu tư dự kiến cho dự án này là 15,8 tỷ USD, giảm hơn 2,9 tỷ USD so với phương án đầu tư ban đầu.
Việc giảm tổng mức đầu tư Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành được đưa ra sau khi rà soát và tính toán chi tiết hơn trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự đã và đang triển khai trên thế giới cũng như trong khu vực, giá trị khái toán rà soát của Dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành chỉ còn 15,8 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 5,2 tỷ USD (tương đương khoảng 109.970 tỷ đồng).
Trước đó, con số tương ứng đưa ra là 18,7 tỷ USD cho cả 3 giai đoạn và 7,8 tỷ USD (tương đương khoảng 164.589 tỷ đồng) cho riêng giai đoạn 1.
Châu Như Quỳnh