Tổng Bí thư: Phải tỉnh táo, kiên trì với người láng giềng “ăn đời ở kiếp”
(Dân trí) - “Cuộc đấu tranh để lấy lại Hoàng Sa rất lâu dài, khó khăn, phức tạp, sai một ly có thể đi một dặm. Chúng ta phải hết sức tỉnh táo, kiên trì, không để sai lầm ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của đất nước” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Câu chuyện về Biển Đông tiếp tục “đốt nóng” buổi tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tại quận Tây Hồ sáng nay, 1/7.
Cử tri Phạm Văn Tá (phường Yên Phụ) ủng hộ chủ trương kiên quyết đấu tranh với hành vi hạ đặt giàn khoan, xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc. Ông Tá cũng nhất trí với tinh thần bình tĩnh, kiên trì trong mọi tình huống để đấu tranh làm thất bại âm mưu bá quyền của Trung Quốc. Nhận định cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền không chỉ là việc trước mắt mà sẽ còn rất lâu dài, ông Tá cho rằng, hướng xử lý hiện nay là đúng.
Cử tri Phạm Văn Tá đề nghị nói rõ hành vi xâm lược của Trung Quốc năm 1974, 1979, 1988 với toàn dân và thế giới.
Cử tri kiến nghị hướng ứng xử với Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới, tiềm lực kinh tế cũng đứng hàng thứ 2, 3 của thế giới - là phải bằng mọi cách đưa thông tin để quốc tế biết Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. 2 quần đảo này được người Việt xác lập chủ quyền, hoạt động, khai thác và sinh sống từ nhiều đời qua.
Ông Tá cũng khuyến cáo biện pháp khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường của người dân Việt Nam qua 4.000 năm lịch sử. Cần phải kể ra cho cả thế giới biết đến những chiến thắng Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa trước quân xâm lược các triều đại của Trung Quốc; biết đến cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 - Việt Nam đã đánh bại 60.000 quân xâm lược bành trướng Trung Quốc; biết sự kiện năm 1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa rồi năm 1988 đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam…
“Những hành động xâm phạm chủ quyền có truyền thống, được tính toán và trắng trợn như vậy phải được thống kê để mọi người dân, dư luận biết được” – vị cử tri phường Yên Phụ bức xúc.
Về lâu dài, ông Tá cho rằng, nhà nước phải củng cố, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân nhân, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng, đẩy mạnh hoạt động hướng về biển đảo, ủng hộ mạnh mẽ đồng bào, chiến sĩ ở khu vực hải đảo, biên giới. Ông Tá kêu gọi cơ quan chức năng có các giải pháp tiết kiệm chi tiêu, hạn chế hội họp và các hoạt động chi nói chung để dành nguồn lực đầu tư, ủng hộ ngư dân, để đóng được những tàu cá lớn ra khơi bảo vệ chủ quyền đất nước.
Cử tri cũng hiến kế huy động cả nước ủng hộ để ngay thời gian tới đầu tư cho những đảo gần, đảo trung tâm trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh bảo vệ các đảo xa. Muốn làm được điều đó cần cách thức khơi dậy lòng yêu nước của người Việt Nam, làm tốt vấn đề an ninh cơ sở như trong thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Khi toàn dân, cả nước đồng lòng, đoàn kết thì “địch có vào cũng không có đất sống”.
Tán thành nội dung phát biểu này, cử tri Bùi Đức Thập (Xuân La) hoan nghênh Quốc hội đã đưa ra những quyết sách, thể hiện thái độ cương quyết, rõ ràng với âm mưu bá quyền của Trung Quốc. Ông Thập ủng hộ quan điểm ứng xử đường hoàng của lãnh đạo Đảng, nhà nước khi mới đây Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì sang thăm Việt Nam, cả Tổng Bí thư, Thủ tướng, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao đều tiếp và nói rõ quan điểm về vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, trái với những phát ngôn của lãnh đạo cấp cao, Trung Quốc vẫn hành động kiểu “biến bạn thành thù”, ông Thập cho rằng, phía Việt Nam nên có động thái mạnh mẽ hơn. Cử tri đề nghị cần có thông tin mổ xẻ, phân tích thấu đáo hơn từ cơ quan chức năng để dư luận cả nước và quốc tế biết dã tâm của Trung Quốc, đi ngược với những cam kết “không có tư tưởng bá quyền nước lớn” của quốc gia này.
Bày tỏ sự cảm động trước tấm lòng, tâm huyết của các cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Biển Đông là vấn đề rất lớn, rất quan trọng, hệ trọng và nhạy cảm, được toàn dân và cả thế giới quan tâm. Những diễn biến trên biển liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như vấn đề xử lý quan hệ với người láng giềng rất lớn, “ăn đời ở kiếp”, không thể lựa chọn, thay đổi được.
“Trong lịch sử, va chạm với người láng giềng này xảy ra nhiều lần lắm rồi nhưng chúng ta vẫn phải làm sao tìm cách để sinh sống hoà bình, hữu nghị với nhau, dĩ nhiên, hoà bình, hữu nghị vẫn phải giữ được độc lập chủ quyền” - Tổng Bí thư nhắc lại việc Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 từ tay chính quyền Sài Gòn, khi đất nước còn chưa được giải phóng hoàn toàn.
Nhận định việc đấu tranh để lấy lại Hoàng Sa là cuộc chiến rất lâu dài, khó khăn, phức tạp, sai một ly có thể đi một dặm, Tổng Bí thư nhấn mạnh, toàn dân tộc phải hết sức tỉnh táo, kiên trì, không để sai lầm ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của đất nước.
Khẳng định Quốc hội đã dành thời lượng không nhỏ, đã thẳng thắn nêu quan điểm đã thống nhất chủ trương đấu tranh quyết liệt, toàn diện trên cả thực địa, ngoại giao, tuyên truyền… Tổng Bí thư nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng, nhà nước không e ngại, sợ hãi bất cứ điều gì. Tuy nhiên, người đứng đầu Đảng cũng nhắc đi nhắc lại tinh thần bình tĩnh, tỉnh táo, kiềm chế để nhất quyết không cho phép xảy ra xung đột, chiến tranh, vì để xảy ra chiến tranh là đi ngược lại tuyên bố về hòa bình, ổn định để cùng phát triển của Việt Nam.
“Có ý kiến lo ngại, lỡ xảy ra chiến tranh thì sao? Rõ ràng chúng ta mong điều đó không xảy ra và sẽ làm mọi cách để nó không xảy ra nhưng cũng phải chuẩn bị mọi tình huống. Phải tính toán cân nhắc từng lời nói, phối hợp đấu tranh rất nhịp nhàng giữa các cơ quan vì câu chuyện chủ quyền trên biển rất phức tạp” - Tổng Bí thư hoan nghênh sự tin tưởng của người dân, ghi nhận tinh thần trên dưới nhất trí, đoàn kết một lòng của toàn dân tộc.
P.Thảo