Tổng Bí thư nói về tinh thần phụng sự với các đại biểu Quốc hội khóa mới
(Dân trí) - Tổng Bí thư nhắn nhủ tất cả các đại biểu Quốc hội khóa XV cần nêu cao trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành trách nhiệm cử tri và nhân dân giao phó.
Sáng 20/7/2021, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng các đại biểu mới được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV.
Tổng Bí thư nhắc lại bối cảnh 75 năm trước, chỉ ít tháng sau khi giành được độc lập, trong bối cảnh cả nước còn muôn vàn khó khăn, theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cử tri cả nước vẫn tham gia cuộc tổng tuyển cử, bầu ra Quốc hội đầu tiên của một nhà nước dân chủ tại Việt Nam. Trải qua hơn 75 năm, trải qua 14 khóa, Quốc hội đã đồng hành cùng dân tộc, là cơ quan đại biểu quyền lực cao nhất của nhà nước, của nhân dân, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Điểm lại những giai đoạn hoạt động lớn của Quốc hội, qua thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ tới thời thống nhất toàn quốc, lập lại hòa bình, xây dựng đất nước đi lên CNXH, Tổng Bí thư khái quát, nhìn một cách tổng thể, mỗi khóa Quốc hội đều để lại dấu ấn riêng về lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Về hoạt động lập hiến, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp (Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013). Đây là những đạo luật cơ bản của nhà nước, tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý cho sự phát triển của đất nước, quy định những vấn đề quan trọng nhất về chính trị, kinh tế, an ninh, đối ngoại.
Hoạt động lập pháp của Quốc hội, theo Tổng Bí thư, ngày càng được đẩy mạnh, có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Hoạt động giám sát của Quốc hội cũng không ngừng được tăng cường và đổi mới. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề lớn quan trọng của đất nước, những bất cập, bức xúc của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; quy trình, thủ tục, cách thức giám sát có nhiều cải tiến, nhất là hoạt động chất vấn, giám sát theo chuyên đề.
Việc quyết định các vấn đề quan trọng đã đạt được nhiều kết quả tích cực và ngày càng thực chất hơn. Các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chính sách tài chính - tiền tệ, dự toán và phân bổ ngân sách nhà nước; quyết định chủ trương đầu tư xây dựng các công trình quan trọng quốc gia; chính sách dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phê chuẩn điều ước quốc tế,... phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung, và Quốc hội Việt Nam nói riêng, trên trường quốc tế.
Ngoài ra, Tổng Bí thư đề cập Cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội cũng không ngừng được đổi mới. UB Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và bộ máy tham mưu, giúp việc từng bước được tăng cường. Quốc hội hoạt động thường xuyên hơn, tranh luận, thảo luận một cách dân chủ, thẳng thắn, thiết thực và trách nhiệm.
"Quốc hội đã luôn thể hiện ý thức tự đổi mới, tự hoàn thiện mình" - Tổng Bí thư khái quát.
Theo Tổng Bí thư, những thành tựu đạt được của Quốc hội là kết quả của sự gắn bó mật thiết giữa Quốc hội với nhân dân, nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, làm cho Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần của cương lĩnh chính trị và các văn bản khác mà Đại hội Đảng XIII đã quyết định đề ra những thách thức lớn, nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Đất nước cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do những tác động không thuận từ bên ngoài và những hạn chế, yếu kém từ trong nước, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, đoàn kết thống nhất chặt chẽ hơn.
Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, Quốc hội cần phát huy truyền thống 75 năm, tiếp tục đổi mới, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí của Quốc hội trong hệ thống chính trị của nhà nước, thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và đòi hỏi của nhân dân.
Tổng Bí thư cho rằng, trước mắt, Quốc hội cần thể chế hóa cụ thể các quyết sách của Đảng, tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đảm bảo cho hoạt động của khóa XV đạt kết quả thực chất, chất lượng hoạt động ngày càng cao.
Tổng Bí thư yêu cầu: "Tất cả các đại biểu Quốc hội khóa này cần nêu cao hết mức trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, gần gũi cử tri để hoàn thành trách nhiệm cử tri và nhân dân giao phó".
Bày tỏ niềm tin vào nhiệm kỳ khóa XV của Quốc hội với những đổi mới mạnh mẽ, Tổng Bí thư gửi lời chúc tới từng đại biểu Quốc hội, chúc kỳ họp đầu tiên của khóa XV thành công tốt đẹp.