Tổng Bí thư: Đừng học thuộc lòng, lý thuyết suông, nói một đằng làm một nẻo
(Dân trí) - Cảnh báo những biểu hiện nguy hiểm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu mỗi cán bộ, Đảng viên phải gương mẫu, để tránh cảnh "Người trên ở chẳng chính ngôi/ Khiến cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào".
Sáng 12/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có phần phát biểu quan trọng chỉ đạo Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Ban Bí thư về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cán bộ, Đảng viên phải rèn luyện thành người có văn hóa, có liêm sỉ
Khẳng định vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Việt Nam, người thầy vĩ đại của cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng ta và nhân dân ta, soi sáng sự nghiệp cách mạng, dẫn dắt mỗi bước đi lên và thắng lợi của cách mạng.
Tổng Bí thư lưu ý, việc học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được triển khai qua nhiều giai đoạn, thời kỳ nhưng cho đến khi có Chỉ thị 05 (5 năm trước), Đảng đã thống nhất nhận thức là phải học tập đầy đủ về tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác. Và không chỉ dừng ở việc học tập, mỗi cán bộ, Đảng viên còn phải làm theo và nêu gương.
Tư tưởng Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư khái quát, là một hệ thống các quan điểm, nhận thức, tư tưởng chỉ đạo rất cơ bản của Bác về cách mạng và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay, đó là con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, là con đường cách mạng vô sản.
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, những phẩm chất cao quý của một người cách mạng, là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Phong cách Hồ Chí Minh là lối sống, tác phong khiêm tốn, giản dị, cầu thị, gần dân, trọng dân, tin dân, học dân, làm việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân. Tổng Bí thư giảng giải, phong cách của Bác Hồ là đầy tớ của dân chứ không phải "làm quan nhân dân", không được lên mặt "làm quan cách mạng".
Dẫn nhiều câu nói, bài giảng của Bác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: "Cách nói của Bác dễ hiểu, nôm na, gần gũi nhưng rất mạnh, rất "thấm". Mỗi cán bộ, Đảng viên phải nghiêm túc học tập, không ngừng ra sức rèn luyện để trở thành những con người có văn hóa, có liêm sỉ".
Tổng Bí thư cho biết, gần đây nhất, việc học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác Hồ gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Việc này đã mang lại nhiều hiệu quả, kết quả quan trọng, toàn diện với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng và toàn xã hội, được Đại hội XII của Đảng đánh giá cao.
Người lãnh đạo đứng đầu Đảng đánh giá, việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, gắn với trách nhiệm nêu gương có chuyển biến tích cực. Các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đã thực hiện nêu gương bằng những việc làm, hành động cụ thể, với phương châm "trên trước, dưới sau", "trong trước, ngoài sau", "học tập đi đôi với làm theo".
Những kết quả tích cực đạt được, theo Tổng Bí thư, đã góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, Đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tạo ra những đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước.
"Nhiều vấn đề khó, hết sức phức tạp trong công tác xây dựng Đảng, nhất là gắn với việc chỉnh đốn Đảng tồn tại kéo dài đến nhiệm kỳ Đại hội XII đã được giải quyết có kết quả rõ rệt. Từ trong phong trào học tập và làm theo Bác, đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiên tiến, điển hình, thực sự có sức lan tỏa trong xã hội, khơi dậy tình cảm, động lực, tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc và mong muốn cống hiến, phụng sự đất nước trong mọi tầng lớp xã hội, cổ vũ toàn thể nhân dân ta kiên định, hăng hái, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội" - Tổng Bí thư phát biểu.
"Nhiều việc còn nặng về báo cáo thành tích, che giấu khuyết điểm cho nhau"
Tuy vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra không ít hạn chế cần được khắc phục trong quá trình thực hiện Chỉ thị 05. Đó là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa quyết liệt, chưa kịp thời, chưa sát thực tế, chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Việc cam kết tu dưỡng, rèn luyện, gắn với thực hiện trách nhiệm nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiệu quả chưa cao. Việc xác định khâu đột phá có nơi còn lúng túng. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc còn bị động.
Công tác đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ; việc tự phê bình và phê bình có nơi, có lúc còn làm qua loa, chiếu lệ, hình thức; tình trạng thiếu tự giác nhận khuyết điểm, đổ lỗi cho khách quan hoặc nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt; phạm vi, đối tượng còn hẹp, hiệu quả cảnh báo, phòng ngừa vi phạm chưa cao...
"Nhiều việc ta làm còn hình thức lắm, còn nặng về báo cáo thành tích, còn che giấu khuyến điểm, nể nang lẫn nhau. Như vậy thì chưa tiến bộ được. Phải nói thẳng, nhìn thẳng vào sự thật đó. Đó là vấn đề con người, mà đối tượng trước hết là cán bộ, Đảng viên. Nếu không gương mẫu, đi trước thì như dân gian vẫn nói "Người trên ở chẳng chính ngôi/ Khiến cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào" - Tổng Bí thư cảnh báo.
Chỉ rõ những nguy cơ, thách thức lớn với sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn tới, Tổng Bí thư nêu rõ, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu yêu cầu, trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đảng cũng xác định kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Tổng Bí thư quán triệt, học tập Bác là học tư tưởng, thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng, đạo đức cách mạng và phong cách của người chiến sĩ cộng sản chân chính. Thúc đẩy việc học tập Bác trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên và người dân. Làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, cội nguồn sức mạnh to lớn, để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thực sự thấm nhuần tư tưởng của Bác, thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa lời nói và việc làm.
Làm theo Bác, theo Tổng Bí thư, là thúc đẩy, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ "học tập" sang "làm theo", hiện thực hóa bằng những chương trình hành động cụ thể, việc làm cụ thể, thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với đề cao chức trách, đạo đức công vụ của mỗi cán bộ, đảng viên.
"Nói như thế nghĩa là đừng chỉ dừng ở lý thuyết suông, học thuộc lòng, đừng nói một đằng, làm một nẻo, nói trống rỗng. Giáo lý, nếu không thấm vào tim, vào gan, vào ruột để biến thành hành động thì chưa phải là học tập Bác đâu" - Tổng Bí thư căn dặn.
Yêu cầu cao hơn của Tổng Bí thư là việc "nêu gương" Bác, trước hết ở các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân. Tổng Bí thư nhấn mạnh, một tấm gương sống còn giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền.