1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tổng Bí thư công bố 5 Phó Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng

(Dân trí) - Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng sáng nay (4/2), Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã chính thức công bố nhân sự Ban Chỉ đạo, gồm 5 Phó Trưởng Ban, 10 ủy viên.

Sáng 4/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên thứ nhất. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chính thức công bố nhân sự Ban Chỉ đạo, gồm 5 Phó Trưởng Ban, 10 ủy viên.

Tại phiên họp, đồng chí Tô Huy Rứa đã công bố Quyết định số 162-QĐ/TW ngày 1/2/2013 của Bộ Chính trị về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. 
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, gồm 16 thành viên. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. 5 Phó Trưởng ban gồm các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Các ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng gồm các đồng chí: Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ; Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Văn Hiện, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chính thức ra mắt.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Bộ Chính trị thành lập, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có 9 nhiệm vụ: Tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp phòng, chống tham nhũng.

Thảo luận, quyết định các nội dung công tác trọng tâm, chương trình làm việc hàng năm và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.

Chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa phối hợp các cấp ủy, tổ chức đảng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai các nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

Chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương thông qua hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm của mình làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng; những sơ hở, bất hợp lý về cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền đưa ra biện pháp ngăn ngừa, khắc phục.

Chỉ đạo các cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương phối hợp kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra trong phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo đôn đốc điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và cấp ủy viên, đảng viên có thẩm quyền trong xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng và xử lý các thông tin về vụ, việc tham nhũng do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp.

Chỉ đạo định hướng thông tin tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo xử lý vi phạm quy định về quản lý, cung cấp thông tin và những hành vi lợi dụng việc tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ.

Chỉ đạo Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Quân ủy Trung ương và các cơ quan có liên quan báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng; việc xử lý những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Tổ chức sơ kết, tổng kết và định kỳ hoặc đột xuất báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trình bày dự kiến phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; dự kiến Chương trình công tác năm 2013 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp cần quan tâm chỉ đạo, đốc đốc giải quyết.

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo; dự kiến phân công nhiệm vụ các thành viên; Chương trình công tác năm 2013 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp cần quan tâm chỉ đạo, đốc đốc giải quyết; báo cáo tình hình công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa XI) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống tham nhũng (có hiệu lực ngày 1/2/2013), với tinh thần tích cực, khẩn trương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chính thức ra mắt và họp phiên đầu tiên, bàn một số công việc cụ thể. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Việc Trung ương quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị là xuất phát từ yêu cầu khách quan, với mong muốn, quyết tâm cao hơn, tạo bước chuyển mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Phòng, chống tham nhũng là công việc vô cùng hệ trọng, liên quan đến sự bền vững của chế độ, nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp vì liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, liên quan đến chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, động chạm đến những người có chức, có quyền. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đã làm nhiều lần, làm quyết liệt nhiều việc, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và phải làm lâu dài, làm quyết liệt hơn nữa, kiên trì, bền bỉ, không thể nóng vội. Việc thành lập Ban chỉ đạo lần này với mong muốn đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng , vừa kế thừa những cái đã có trước, vừa có những điểm mới bổ sung, phát triển.

Tổng Bí thư đã phân tích những điều kiện thuận lợi như: Toàn Đảng, toàn dân ta quyết tâm rất cao; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, có nghĩa là Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực, các cấp, các ngành, trong cả hệ thống chính trị. Thành phần Ban Chỉ đạo lần này gồm đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, trong số này nhiều đồng chí đã tham gia Ban Chỉ đạo trước đây, có kinh nghiệm công tác; đồng thời bổ sung thêm một số đồng chí mới. Cơ quan Thường trực là Ban Nội chính Trung ương, do Bộ Chính trị thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, có vị thế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rất quan trọng, không chỉ có chống mà cả phòng. Tuy nhiên, chúng ta cũng đứng trước khó khăn, sức ép rất lớn, phải tạo chuyển biến rõ nét, phải làm tốt hơn trước đây, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Tổng Bí thư yêu cầu trước hết phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo cần phải kế thừa và phát huy kết quả, kinh nghiệm Ban Chỉ đạo trước đây đã làm được; rút kinh nghiệm những gì chưa làm được, nhận rõ yêu cầu mới đặt ra.

Ban Chỉ đạo cần tổ chức công việc chặt chẽ, làm việc nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm, xây dựng tập thể đoàn kết, phối hợp công tác với nhau nhịp nhàng, phải có chương trình, kế hoạch, quy chế công tác cụ thể, không thể làm tùy tiện; phải nắm vững luật pháp, chính sách, cơ chế hiện hành, tham khảo kinh nghiệm các nước, làm đúng nguyên tắc, quy chế, quy định, phối hợp giữa các thành viên trong Ban Chỉ đạo và giữa Ban Chỉ đạo với các ban, ngành.

Mỗi thành viên, mỗi cán bộ làm việc trong lĩnh vực này phải hết sức gương mẫu, liêm, dũng, chính, trực, tức là phải trong sạch, dũng cảm, ngay thẳng, công tâm, trung thực. Bản thân mỗi đồng chí và cả gia đình, vợ, con, phải giữ gìn sự trong sạch, rồi mới chống tham nhũng được, nếu không nói chẳng ai nghe, tay đã nhúng chàm thì không thể làm gì khác được. Tất cả 16 đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phải là 16 tấm gương về giữ gìn đạo đức lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào, không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào. Chúng ta phải cam kết với nhau, mỗi thành viên Ban Chỉ đạo phải là một tấm gương về liêm sáng, trung thực, công tâm, khách quan, nếu không dân không tin, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư yêu cầu Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cần gương mẫu, đi đầu, sớm kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ theo hướng chất lượng, hiệu quả; xây dựng nội quy, quy chế làm việc rõ ràng.

Trước mắt, Ban Chỉ đạo cần phải thực hiện ngay một số công việc: Xây dựng quy chế làm việc, hoàn thiện việc phân công các thành viên Ban Chỉ đạo; xây dựng chương trình công tác toàn khóa, chương trình công tác và xác định những nhiệm vụ trọng tâm năm 2013.

Đối với những vụ án lớn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng không sa vào xử lý từng vụ án cụ thể, không làm thay chức năng của cơ quan nhà nước; chỉ giám sát việc xử lý các vụ việc; phối hợp với các ngành, các cấp, đôn đốc làm đúng chức năng nhiệm vụ, theo quy định của pháp luật; cho định hướng chỉ đạo đối với một số vụ trọng điểm, phức tạp, để kéo dài, hoặc có ý kiến khác nhau...

(TTXVN)