1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

Tôn tạo thành cổ Sơn Tây: Cần nghe ý kiến nhân dân

Trước dư <a href=" http://www.dantri.com.vn/Sukien/2005/11/86172.vip"> luận thành cổ Sơn Tây đang bị “bức tử”</a>, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin đã khẳng định, để triển khai dự án, các cơ quan hữu trách đã cân nhắc rất thận trọng, tổ chức nhiều hội thảo để lấy ý kiến các nhà khoa học, các cơ quan liên quan ở Trung ương và địa phương.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Phạm Quang Nghị đã có cuộc trao đổi thẳng thắn về dự án “Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích thành cổ Sơn Tây”.

 

Thưa Bộ trưởng nhiều ý kiến cho rằng dự án đã phá bỏ, xây dựng mới một số hạng mục không theo hiện trạng ban đầu?

 

Thành cổ Sơn Tây được Bộ VH-TT ra quyết định xếp hạng di tích năm 1994. Đến năm 2001, dự án bảo tồn di tích này được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt.

 

Theo như tôi được báo cáo, không có hạng mục nào thuộc về dấu vết kiến trúc trước đây của thành cổ bị phá bỏ, kể cả những đoạn tường thành đã bị hư hại, xuống cấp. Bộ VH-TT đã thỏa thuận để địa phương phục hồi một số hạng mục như: một cổng thành, một đoạn tường thành, cột cờ và vọng cung để cho nhân dân có thể hình dung được hình ảnh thật của ngôi thành xưa.

 

Các nhà bảo tồn đều thấy rằng chúng ta hiện còn một số tư liệu như ảnh chụp từ đầu thế kỷ 20 có thể giúp cho việc phục hồi. Dĩ nhiên, các hạng mục mới được phục hồi, tu bổ tuy về kiểu dáng kiến trúc hoàn toàn bảo đảm tính trung thực, nhưng vẫn gây nên cảm nhận mới mẻ do chúng ta phải sử dụng các vật liệu mới. Cần có thời gian để các hạng mục mới “khoác lên mình màu áo rêu phong” và trở nên hài hòa với tổng thể di tích.

 

Theo chúng tôi được biết, hầu hết người dân ở khu vực thành cổ đều không được tham gia ý kiến vào việc thực hiện dự án. Như vậy đơn vị thực hiện dự án có làm đúng không, nhất là đối với một di tích rất có giá trị như thành cổ Sơn Tây?

 

Việc xin ý kiến nhân dân trước khi triển khai dự án và tuyên truyền kêu gọi nhân dân địa phương tham gia vào việc thực hiện dự án là yêu cầu bắt buộc. Tôi sẽ đề nghị UBND tỉnh Hà Tây và UBND thị xã Sơn Tây xem xét, đánh giá lại công tác triển khai. Việc nào đã làm tốt, làm đúng thì cần phát huy. Việc nào chưa làm, nhất là việc lắng nghe ý kiến nhân dân, góp ý của nhân dân nhằm làm tốt hơn nếu chưa làm thì phải sửa chữa. Việc gì không thể lựa chọn phương án nào khác tốt hơn, thì cũng phải giải thích thấu tình đạt lý với dân.

 

Điều người dân lo lắng nhất là nếu phục hồi lại cổng thành phía Tây và phía Nam sẽ phải chặt bỏ những cây cổ thụ ở cổng thành hiện nay. Theo người dân, cây đa chính là một phần lịch sử của thành cổ?

 

Tôi được báo cáo rằng không hề có việc chặt cây ở cổng phía Tây và cổng phía Nam, nhưng trong tương lai khi tu bổ, vẫn cần cân nhắc việc này bởi vì sự phát triển của các cây cổ thụ mọc ngay trên cổng cũng là nguyên nhân chính gây ra sự xuống cấp, ảnh hưởng xấu tới việc bảo quản lâu dài các cổng thành.

 

Chúng ta phải lựa chọn giữa việc giữ nguyên trạng, chấp nhận tình trạng để cho cây cối tiếp tục tồn tại, gây hại cho cổng thành hay phải tìm giải pháp khác, ưu tiên cho việc bảo tồn lâu dài các cổng thành này? Biện pháp nào cũng có mặt ưu, mặt nhược. Tất nhiên, chúng tôi đang chỉ đạo cố gắng tìm mọi cách để vừa gia cố được kiến trúc cổng thành, vừa tôn tạo được cảnh quan.

 

 Xin cảm ơn Bộ trưởng.

 

Tôn tạo thành cổ Sơn Tây: Cần nghe ý kiến nhân dân - 1

Cổng thành phía Tây vẫn còn nguyên trạng.

 

Ông Nguyễn Thế Hùng - Trưởng phòng Quản lý di tích, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT):

 

Không có chuyện phục hồi toàn bộ tường thành của thành cổ Sơn Tây. Chỉ phục hồi khoảng 100m tường thành cũ để khách tham quan có thể hình dung được quy mô, hình dáng, chất liệu của tường thành ngày xưa. Và chúng tôi cũng không có ý định loại bỏ những cây cổ thụ ở khu vực này đặc biệt là cây đa, cây si đang bám, bao chặt len lỏi vào từng khuôn mạch của cổng thành vì đây cũng được coi là một phần, một cấu tạo hữu cơ của di sản.

 

Trong quá trình làm, do kết cấu đã bị mủn và rất yếu nên chúng tôi chuyển sang phục dựng theo cách xây dựng kết cấu theo hướng bền vững bên trong (đổ bê tông, cốt thép) nhưng phía bên ngoài, phía trên mặt đất, trong tầm quan sát phải tuân thủ theo đúng kích thước, hình dáng, chất liệu và màu sắc cũ. Cách làm này có thể kéo dài thời gian xuống cấp và giúp công trình có tuổi thọ bền vững hơn rất nhiều so với việc sử dụng 100% nguyên liệu và cách xây dựng thành ban đầu.

 

Một vấn đề rất khó mà chúng tôi chưa tìm ra cách giải quyết là việc chiếu sáng di tích mà không làm ảnh hưởng tới khung cảnh chung. Có nhiều phương án đã đưa ra như dựng đèn đá giống của Nhật nhưng cái đó không phù hợp với truyền thống. Một cái khó nữa là thành cổ Sơn Tây nằm giữa một khu đô thị nên việc chiếu sáng di tích cũng phải hài hòa với phương án chiếu sáng của khu vực xung quanh…

 

Nhà sử học Ông Dương Trung Quốc:

 

Tôi chưa lên đó từ khi công trình bắt đầu tiến hành, nhưng trước đó tôi có tham gia vào những cuộc hội thảo và tham gia đóng góp ý kiến nhằm đưa ra những giải pháp tối ưu nhất. Theo tôi đây là một dự án được chuẩn bị hồ sơ và dựng thiết kế tốt. Mọi ý kiến đưa ra cần phải xem xét dựa trên thực trạng và so sánh với hồ sơ dự án rồi từ đó mới tìm ra cái gì làm đúng, cái gì sai chứ không nên nhận xét một cách chủ quan và thiếu tính chất xây dựng được.

 

Hơn nữa, lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo này có nhiều quan điểm khác nhau, nhiều trường phái khác nhau nên cần phải có cách nhìn khoa học. Song bảo tồn phải phù hợp với tình hình thực tại thì mới có thể chấp nhận được. Ví dụ như thành Hoàng Diệu (Hà Nội) trước không có đèn (các cụ ngày xưa không có điện) nhưng muốn để nhân dân có thể chiêm ngưỡng được cần phải bổ sung hệ thống chiếu sáng và điều này là một trong những việc làm mới phù hợp với thực tế.

 

Theo Hàm Yên
Sài Gòn Giải Phóng