1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Tôi trúng cử vì tôi tự tin”

“Tôi đã tự ứng cử và lúc đấy rất tự tin mình thắng cử. Xã hội phát triển theo xu hướng dân chủ hóa hơn thì không nên phân biệt ngoài hay trong Đảng. Bản thân cũng là người ngoài Đảng nhưng tôi không thấy có sự khác biệt nào”, đại biểu QH Nguyễn Ngọc Đào tâm sự về con đường tự ứng cử và trở thành đại biểu Quốc hội khóa 11.

Thưa ông, lý do nào khiến ông tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 11 (2002 -2007)?

 

Nhìn lại năm 2002, tôi thấy tham gia Quốc hội với tư cách tự ứng cử cũng không có gì đặc biệt. Giảng dạy trong lĩnh vực liên quan đến nhà nước và pháp luật, địa bàn rất rộng từ Nam chí Bắc, thậm chí nước ngoài, cho nên vốn hiểu biết về nhà nước pháp luật của tôi khá đầy đủ. Mặt khác, xu thế dân chủ hóa xã hội ngày càng rõ nét trong xã hội Việt Nam. Do vậy cơ may tham gia Quốc hội từ phía các tầng lớp nhân dân ngày càng rộng hơn.

 

Vì thế, tôi đã tự ứng cử và lúc đấy rất tự tin mình thắng cử, mặc dù biết phải qua một quy trình dân bầu. Tôi tin mình có đủ tiêu chuẩn đại biểu do Quốc hội đề ra và tin dân sẽ bầu.

 

Trong quá trình bầu cử, ông có thiệt thòi gì so với người được giới thiệu?

 

Trong các vòng hiệp thương, với tư cách người tự ứng cử, tôi thấy mình không có sự khác biệt rõ nét nào so với người được giới thiệu, được cơ cấu. Bởi cuối cùng là dân chọn, không thể biết chỉ tiêu bao nhiêu tự ứng cử, vấn đề là mình được đưa vào danh sách bầu.

 

Danh sách đưa ra niêm yết để bầu thì không ghi ai tự ứng cử, dân chỉ có thể đọc lý lịch trích ngang và so sánh các chức danh. Đến khi tiếp xúc cử tri thì cũng rất bình đẳng giữa người tự ứng cử và người được giới thiệu. Đợt đó, đơn vị bầu cử của tôi (Đông Anh) có 3 người, tôi, một Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và một giáo viên ĐH sinh năm 1973. Cuối cùng tôi và vị Chánh án trúng cử.

 

Ông nói không có sự khác biệt giữa người ứng cử tự do và người được đoàn thể giới thiệu. Vậy tại sao số người ứng cử tự do lại ít và số trúng cử càng ít nữa?

 

Quốc hội khóa 11, vòng cuối cùng khi niêm yết để bầu, cả nước có 13 người tự ứng cử. Số trúng cử là 2, đều ở Hà Nội. Anh Phương Hữu Việt là đại biểu khóa 10 và tự ứng cử để tái cử ở khóa 11. Đó là con số không nhiều, nhưng cũng không phải ít.

 

Tôi biết nhiều người tự ứng cử, nhưng thực ra thiếu kiến thức về Quốc hội. Vì một động cơ nào đấy, họ tham gia và chắc chắn không trúng cử. Một thực tế khác là nhiều trí thức có đầy đủ đạo đức, tài năng, nhưng vì công việc chuyên môn, họ không muốn ứng cử, nên nhường vị trí đó cho người khác có điều kiện hơn.

 

Từ kinh nghiệm cá nhân, ông thấy để trúng cử đại biểu Quốc hội, điều gì là cần nhất đối với người tự ứng cử?

 

Muốn ứng cử thì chí ít người ấy phải đại diện cho một bộ phận dân cư, chứ không cho cá nhân. Một doanh nhân thì phải đại diện cho hiệp hội doanh nhân, hay như tôi đại diện cho trí thức sinh viên, giáo viên. Quốc hội loại bỏ bất cứ ai đại diện cho cá nhân.

 

Đây cũng là lý do khiến số người tự ứng cử trúng cử thấp. Có rất nhiều trí thức, những người làm luật giỏi, nhưng không đủ khả năng đại diện. Vấn đề là một tri thức Hà Nội liệu có đủ khả năng đại diện cho một bộ phận dân chúng nghèo đói ở miền núi, cho cư dân vùng duyên hải? Phải ở những nơi đấy, họ mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân cần gì, thiếu gì về chính sách, pháp luật. Từ đó mới lên tiếng, tác động với Chính phủ và cơ quan nhà nước để cải thiện cuộc sống của người dân khu vực mà họ là đại diện.

 

Quốc hội không bao giờ mất đi tính đại diện, kể cả ở phương Tây dù nó là tam quyền phân lập. Thế nên, người nào tự ứng cử cũng phải xem xét có đại diện cho một bộ phận cư dân nào đó chưa, và khi vào Quốc hội, họ có đủ sức để đại diện nữa không?

 

Ngoài tính đại diện cho một bộ phận dân cư, để trúng cử, ứng cử viên cần thêm yếu tố nào?

 

Phải phân biệt công lợi và tư lợi. Vào Quốc hội là công lợi, phấn đấu và đấu tranh vì công lợi. Trước khi vào Quốc hội, mình có thể đại diện cho một bộ phận, nhưng khi vào thì không chỉ là đại biểu của nơi mình được bầu, mà còn là đại biểu của toàn quốc, đại diện cho lợi ích quốc gia.

 

Nói tóm lại, hành trang của người tự ứng cử là cái tâm và tri thức. Nếu đủ hai yếu tố này và thêm yếu tố thứ ba là nhân dân bầu chọn thì sẽ thắng. Cái tâm ấy là tâm của người làm Quốc hội vì Đảng, vì dân, vì nước, chứ không vì mình. Cái tri thức là sự am hiểu, ít nhất cũng phải hiểu Quốc hội là cơ quan quyền lực, ở đấy có chức năng nhiệm vụ ra sao và nếu vào thì phải làm gì. Hai hành trang này cực kỳ quan trọng, nếu không có thì cơ may không thể đến.

 

Theo quy định, ứng cử viên phải tiếp xúc cử tri nơi công tác và nơi cư trú. Ông có lời khuyên gì đối với những ứng cử viên tự do, vốn không được cơ quan, đoàn thể nào hậu thuẫn?

 

Theo quy trình của Luật bầu cử, bất cứ ai, kể cả đại biểu tái cử đều phải thể hiện cương lĩnh hành động khi tiếp xúc cử tri. Tôi cho rằng trong bài phát biểu về cương lĩnh hành động, ứng cử viên phải thể hiện tính đại diện cho một bộ phận dân cư nhất định, mục đích cuối cùng tham gia Quốc hội là gì.

 

Khi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến phản ánh với tôi là trước khi tranh cử, ứng viên nói sẽ giúp đỡ nhân dân làm cái này, cái kia, nhưng khi trúng cử không thấy làm gì. Tôi chắc đại biểu ấy không hứa thế đâu, không ai khi tranh cử lại hứa nếu trúng cử sẽ làm cái trường này, cải thiện môi trường ở khu vực kia, mà chỉ nói góp sức để làm. Mình phải hứa trước dân là làm tròn nhiệm vụ của đại biểu, chứ không thể hứa làm một việc cụ thể. Bởi muốn làm một việc cụ thể phải chung sức rất nhiều, có những điều kiện chủ quan và khách quan.

 

Cũng khi tiếp xúc cử tri, người dân nói nhiều ứng cử viên nói rất hay, nhưng khi vào Quốc hội không thấy làm như vậy, thậm chí không phát biểu gì trên diễn đàn. Tôi trả lời, thực tế mỗi đại biểu Quốc hội dù trực tiếp hay gián tiếp đều có đóng góp nhất định vào cả 3 hoạt động của Quốc hội từ lập pháp, giám sát tối cao và cho ý kiến về những vấn đề hệ trọng quốc gia. Dù không phát biểu, nhưng chắc chắn lá phiếu của họ có ý nghĩa quan trọng.

 

Nhiều ý kiến cho rằng nên dành tỷ lệ thích hợp cho đại biểu ứng cử tự do, đại biểu người ngoài Đảng. Quan điểm của ông như thế nào?

 

Tôi rất ủng hộ nên mở rộng thành phần tham gia tự ứng cử. Muốn cho Quốc hội ngày càng có vai trò mạnh hơn, đổi mới hơn, xã hội phát triển theo xu hướng dân chủ hóa hơn thì không nên phân biệt ngoài hay trong Đảng, chỉ nên phân biệt vị thế và vai trò của người ấy như thế nào. Bản thân tôi cũng là người ngoài Đảng.

 

Theo ông, giữa ứng viên và đại biểu được bầu, số dư bao nhiêu là thích hợp?

 

Số dư nhiều thì không tập trung. Về hình thức có thể là dân chủ, nhưng chỉ là dân chủ tự nhiên. Là ứng cử viên, nhưng người dân chẳng biết ông là ai, vai trò thế nào. Nếu có thêm 10 người nữa cũng như thế thì người dân chẳng biết chọn ai, kết quả là dân càng rối, càng khó bầu, và sẽ có trường hợp bầu một người không xứng đáng. Vì thế, phải phân biệt dân chủ tri thức và dân chủ tự nhiên. Mình kêu gọi dân chủ, nhưng không định hướng, tri thức hóa nó, không dựa trên nền tảng tri thức thì sẽ là dân chủ hết sức phù phiếm.

 

Với quan điểm ấy, theo tôi tỷ lệ giữa ứng viên và đại biểu nên là 50-50. Bầu 500 đại biểu thì phải có 1.000 ứng cử viên.

 

Gần kết thúc một nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội khóa 11, cá nhân ông đã thấy mình làm tròn nhiệm vụ?

 

Thực ra những gì tôi nói trong cương lĩnh tranh cử thì đã làm hết và thậm chí còn hơn như thế. Thứ nhất, tôi tham gia tích cực vào các hoạt động của đại biểu, mặc dù đang kiêm nhiệm (trước ông Đào giảng dạy tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, nay là Phó trưởng khoa Đào tạo công chức, Học viện hành chính công - PV). Đối với cử tri, tôi thường xuyên tiếp cận, những vụ tranh chấp của dân, tôi đã góp phần tìm ra nguyên nhân và đề xuất hướng giải quyết. Trên diễn đàn Quốc hội, tôi cũng tích cực phát biểu. Những gì mình làm đều vì lợi ích quốc gia, chứ không phải riêng ai, không vì cá nhân nào.

 

Vậy ông có có tiếp tục tự ứng cử trong khóa 12?

 

Nếu được giới thiệu tôi sẽ lại ứng cử, dù biết rằng năm 2002 khác với năm 2007, vị thế của đất nước thay đổi thì tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khóa này phải cao hơn, tầm thế giới chứ không phải khu vực. Mỗi một vấn đề Quốc hội khóa 12 bàn phải nhìn trong tổng thể mối quan hệ quốc gia - quốc tế.

 

Hơn nữa, nhu cầu của xã hội hôm nay khác với 5 năm trước, xã hội đòi hỏi phải nhanh chóng hội nhập và đổi mới. Vì thế, Quốc hội cần tiếp tục đổi mới, xây dựng luật pháp cho hiệu quả hơn, luật nhanh chóng đi vào cuộc sống. Giám sát dù là tối cao, nhưng phải đi vào từng vụ việc điển hình trong quan hệ xã hội. Tôi hy vọng mình được góp phần vào quá trình đổi mới đó.

 

Theo Hồng Khánh

VnExpress