1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Tôi quản lý rừng, không được hỏi ý kiến việc cho thuê đất!”

(Dân trí) - “Bộ NN&PTNT được giao trách nhiệm quản lý về rừng, Bộ TN-MT quản lý về đất. Các địa phương cho thuê đất chứ không cho thuê rừng nên không hỏi ý kiến chúng tôi” - Bộ trưởng Cao Đức Phát “thanh minh” khi bị truy việc cho nước ngoài thuê đất rừng.

“Ăn” cả vào rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn
 
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nêu vấn đề, trong khi người dân còn thiếu đất canh tác, đất rừng, việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng là lợi bất cập hại, không có tầm nhìn xa, chỉ thấy lợi trước mắt.
 
Ông Tiến yêu cầu Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát giải thích việc 10 tỉnh vừa qua đã cho đối tác nước ngoài thuê đất rừng dài hạn 50 năm với diện tích lên tới hơn 300.000 ha.
 
“Tôi quản lý rừng, không được hỏi ý kiến việc cho thuê đất!” - 1
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái).
 
Bộ trưởng Cao Đức Phát “thanh minh” diện tích này mới là trên văn bản thỏa thuận. Thực tế mới giao 15.600 ha và cam kết 18.000 ha, nhà đầu tư cũng mới triển khai trên diện tích 22.000 ha rừng trồng.
 
Đại biểu Tiến truy vấn tiếp, chủ trương cho thuê đất rừng là của Bộ NN&PTNT hay do các địa phương tự phát? Theo ông Tiến, các địa phương cho rằng đã thực hiện đúng theo Luật Đầu tư, nhưng vấn đề là việc cho thuê này có phù hợp so với pháp luật về biên giới, an ninh quốc gia, bảo vệ môi trường...
 
Bộ trưởng Phát thanh minh, theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai, việc xem xét cho thuê đất và chấp nhận đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc thẩm quyền UBND các tỉnh. Bộ chỉ có ý kiến khi được các địa phương có yêu cầu.
 
Ông Phát cũng xác nhận, các địa phương đã có báo cáo, Bộ cũng kiểm tra ở 2 địa phương và thấy việc cho thuê thực hiện nghiêm theo luật hiện hành, có xem xét cả khía cạnh kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.
 

“Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: “Từ khi phân cấp theo luật Đầu tư, các địa phương, bộ thu hút đầu tư rất nhiều. Tuy nhiên, việc phân cấp cũng nảy sinh một số vấn đề như sân golf, trồng rừng, khai thác khoáng sản… Dự án không hợp lý, có ý đồ chiếm dụng nhiều đất đai thì rút giấy phép”.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) lại tỏ ý băn khoăn với nội dung trong báo cáo mới nhất của Chính phủ về việc nhiều tỉnh đã cấp phép dự án với quy mô vượt quá năng lực rừng thực tế, chồng lên cả những diện tích rừng đã có chủ, rừng tự nhiên, khu vực nhạy cảm.
 
Bộ trưởng Phát quả quyết, các diện tích rừng cho thuê vừa qua đều được quy hoạch để làm rừng sản xuất, không phải rừng tự nhiên hoặc khu vực để trồng rừng đặc dụng, phòng hộ.
 
Trả lời này của ông Phát không “khớp” với những gì ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nêu ra sau đó. Ông Bình cho biết, sau khi có thông tin trên báo chí, Ủy ban đã đi khảo sát về việc cho người nước ngoài thuê rừng.
 
“Tôi quản lý rừng, không được hỏi ý kiến việc cho thuê đất!” - 2
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát.
 
Theo đó, hiện nay có 19 dự án được cấp phép trồng rừng tại 18 tỉnh (Bộ nói 10 tỉnh) với trên 398.000 ha (Bộ nói trên 305.000) và hiện các tỉnh đã giao hơn 33.000 ha, với thời gian cho thuê 50 năm.
 
“Về dặc điểm của đất giao, Ủy ban xác định, hầu hết nằm ở vị trí trọng yếu về quốc phòng an ninh, có khu vực là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn”, ông Bình nói.
 
Sẽ xử lý kiên quyết như xử lý sân golf
 
Đại biểu Lê Như Tiến thắc mắc, được cấp giấy chứng nhận đầu tư tức chủ đầu tư đã “nắm đằng chuôi”. Một công ty của Đài Loan thực tế đã được cấp dự án tới hơn 200.000 ha, không chỉ là thỏa thuận ban đầu như Bộ trưởng trình bày.
 
Ông Tiến không đồng ý với lý giải về việc địa phương có thẩm quyền cho thuê rừng và yêu cầu người đứng đầu ngành giải trình về trách nhiệm khi phát hiện có những sai phạm từ địa phương.
 
Bộ trưởng Phát thừa nhận địa phương có thiếu sót khi cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ dựa trên thông tin khảo sát sơ bộ nên có nơi ký hợp đồng cả những diện tích đã giao cho bà con nông dân hoặc dự án khác.
 
Tuy nhiên cấp giấy chứng nhận đầu tư không có nghĩa toàn bộ 305.000 ha ký kết đã được giao cho nhà đầu tư mà trên cơ sở giấy chứng nhận này, nhà đầu tư phải phối hợp với chính quyền khảo sát làm rõ từng khu đất cụ thể và chỉ giao khi đất đó đủ điều kiện. Quá trình khảo sát cụ thể diện tích nào vi phạm sẽ được loại ra.
 
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhận xét ông Phát chưa trả lời cụ thể vì sao đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mà vẫn nói nhà đầu tư chưa đủ tư cách pháp lý với dự án.
 
Bộ trưởng Phát phân trần, mọi trường hợp dù đã cấp chứng nhận hay chưa đều phải căn cứ quy định pháp luật trong từng trường hợp, cân nhắc cả lợi ích kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng trong nước cũng như khu vực biên giới.
 
“Tôi quản lý rừng, không được hỏi ý kiến việc cho thuê đất!” - 3
Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc.
 
“Tôi sợ có nói gì hơn nữa sẽ vượt thẩm quyền” - ông Phát cố gắng thanh minh “nỗi khó” của mình trong quản lý vì quy định phân cấp thẩm quyền. Địa phương có thể quyết cho thuê, đầu tư đến diện tích 100.000 ha rừng, thậm chí có tỉnh còn cấp diện tích lớn hơn.
 
Đến lượt Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc “trợ giúp” cho Bộ trưởng Phát. Ông Phúc cho biết, diện tích đất trồng rừng đã cho nước ngoài thuê khoảng trên 380.000 ha, trong đó tập trung chủ yếu vào một công ty Đài Loan, với gần 200.000 ha.
 
Theo ông Phúc, Chính phủ sẽ cương quyết xem lại việc giao đất cho nhà đầu tư trên cơ sở bảo vệ môi trường đầu tư, kết hợp xử lý đúng pháp luật. Cụ thể, cấp đất trồng rừng phải theo luật nông nghiệp, đất đai, quốc phòng - an ninh và Nghị quyết 66 của Quốc hội…
 
“Chúng tôi yêu cầu dừng tất các dự án và tới đây, những dự án hợp lý, quy mô vừa phải sẽ cho tiếp tục, còn dự án nào không hợp lý, không đúng, có liên quan đến quốc phòng an ninh thì rút giấy phép”, ông Phúc nhấn mạnh.
 
Về việc có rút phép đầu tư được không, ông Phúc cho rằng “có” do đất đã giao cho dân cho rồi không thể lấy lại giao cho doanh nghiệp đầu tư và thêm nữa, việc lấy 500 ha đất rừng tự nhiên phải xin phép ý kiến Quốc hội theo nghị quyết 66…
 
Cũng theo ông Phúc, việc xử lý vấn đề không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, bởi diện tích cho thuê tập trung vào một nhà đầu tư. Do tập trung quá nhiều vào một nhà đầu tư nên có khả năng để chứng minh không đủ điều kiện thực hiện và việc đầu tư là để giữ đất.
 
“Chúng tôi kiên quyết xử lý như việc xử lý sân golf, bởi sân golf cũng đã cấp phép rồi nhưng vi phạm các luật khác chúng tôi dứt khoát rút.  Vừa rồi chúng tôi đã thu hồi được 70 sân golf trong thời gian ngắn”, ông Phúc nhấn mạnh.
 
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nhận xét thẳng, qua phần trả lời thấy Bộ trưởng NN&PTNT không nắm được vấn đề nên khi dư luận phát hiện, lên tiếng thì việc cho nước ngoài thuê rừng mới được đình lại.
 
“Cho thuê đến gần 400 ha, tức là gần bằng diện tích tỉnh Tây Ninh mà vẫn chưa biết thì trách nhiệm của tư lệnh ngành thế nào? - đại biểu cho rằng Bộ trưởng không hoàn thành trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý rừng của mình và đề nghị QH xem xét chỉ số tín nhiệm với ông Phát.
 
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng “chơi bài ngửa”: “Bộ NN&PTNT được giao trách nhiệm quản lý về rừng, Bộ TN-MT quản lý về đất. Các địa phương cho thuê đất chứ không cho thuê rừng nên không hỏi ý kiến chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi cũng có trách nhiệm cùng các bộ khác xử lý giải quyết nhưng cũng không thể làm những việc không đúng thẩm quyền”.
 
Cấn Cường - Phương Thảo
(Ảnh: Việt Hưng)