1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tội phạm quốc tế Nguyễn Đức Chi bị bắt

Đến thời điểm này, nhà “đầu tư nước ngoài” Nguyễn Đức Chi đã lừa đảo, chiếm đoạt ít nhất 165 tỷ đồng của các doanh nghiệp trong nước, trong đó có 24 tỷ đồng tiền thuê mặt bằng lập Trung tâm Thể thao giải trí Cosmos.

Sáng 25/6, Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và phát triển du lịch Rus- Invest - Tur (Rusalka) Nha Trang (Khánh Hòa); Giám đốc Công ty TNHH LCM chuyên doanh khu giải trí Cosmos ở 168 Ngọc Khánh (Hà Nội) và là chủ đầu tư một số dự án khác đã bị bắt tại Nha Trang. Chiều cùng ngày, tên tội phạm quốc tế này đã được dẫn giải ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra.

Lừa 24 tỷ đồng tiền thuê nhà...

Hành vi lừa đảo của Nguyễn Đức Chi (SN 1969 tại Diễn Châu, Nghệ An), một Việt kiều định cư ở Liên bang Nga về Việt Nam làm ăn đã bị phát giác sau khi thực hiện thành công cú lừa đảo, chiếm đoạt 31.000 tấn gạo (trị giá 5,9 triệu USD) của Công ty Lương thực Trà Vinh.

Tuy nhiên, trước đó, Chi đã thực hiện trót lọt nhiều phi vụ lừa đảo ở Nga và Hà Nội. Chi nguyên là sinh viên Trường Đại học An ninh, được sang Nga học năm 1988 nhưng không về nước công tác.

Năm 1998 Chi về nước lập Công ty TNHH LCM 100% vốn nước ngoài, thuê nhà 168 Ngọc Khánh của Công ty Điện tử Giảng Võ (giá 18.000 USD/tháng) để làm trung tâm thể thao giải trí Cosmos (một vũ trường, khu bowling nổi tiếng của Hà Nội).

Tuy nhiên, Chi không trả tiền thuê nhà theo hợp đồng cam kết và đến năm 2003, số tiền nợ thuê nhà đã lên tới 24 tỷ đồng. Cũng trong năm đó, Chi đã bán toàn bộ hạng mục, thiết bị khu vui chơi giải trí này cho Công ty Lâm Viên, lấy 19 tỷ đồng nhưng cũng không trả tiền cho Công ty Điện tử Giảng Võ.

Công ty này kiện và tòa dân sự đã buộc Chi phải trả 24 tỷ đồng. Sau đó, Chi đã làm biên bản bàn giao, chuyển nhượng lại các hạng mục, thiết bị của Cosmos cho Công ty Điện tử Giảng Võ. Công ty Lâm Viên kiện Chi nhưng cũng không thu được tiền vì khi bán Cosmos cho Lâm Viên, Chi không bàn giao giấy tờ!

... Làm khu du lịch Rusalka để tiếp tục lừa Lâm Viên

Ngoài các phi vụ trên, Chi còn tham gia nhiều dự án đầu tư xây dựng ở các tỉnh khác. Chẳng hạn, Chi là sáng lập viên thành lập Công ty phát triển nhà đô thị Thăng Long để đầu tư xây dựng dự án Trung tâm hội nghị quốc tế và khu nghỉ mát cao cấp hồ Tuyền Lâm tại Đà Lạt, Lâm Đồng.

Chi là sáng lập viên Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghiệp và du lịch Ninh Thuận, có vốn điều lệ 45 tỷ đồng. Ngày 12/11/2004, Sở KH-ĐT Ninh Thuận đã cấp giấy phép đầu tư cho công ty này. Nhưng qua điều tra, công ty không có vốn. 

Năm 2000, khi còn quản lý Cosmos, Chi đã được Bộ KH-ĐT cấp phép dự án khu nghỉ mát Rusalka Nha Trang có diện tích 45 ha. Theo dự án của Chi, đây lại là dự án 100% vốn nước ngoài do 3 công ty TNHH của Nga đầu tư, có vốn pháp định 4,5 triệu USD, vốn điều lệ 15 triệu USD.

Dĩ nhiên, cả 3 công ty trên đều là Công ty “ma” do Chi lập hồ sơ giấy tờ, làm con dấu để phù phép.

Chi cũng ngụy tạo giấy ủy quyền của 3 công ty này cử Chi làm Chủ tịch HĐQT. Do không có vốn, Chi lại tiếp tục “sáng tạo”, đề nghị những người giúp việc cho công ty đóng góp vốn để gọi là có đủ vốn pháp định nhằm thực hiện dự án. Bản thân Chi cũng làm thủ tục giấy tờ chứng tỏ mình góp 1,2 triệu USD.

Hoàn tất thủ tục, vốn pháp định Chi đã thế chấp giấy tờ cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội bảo lãnh xây dựng các hạng mục của dự án. Được bảo lãnh, các nhà thầu trong nước đã tham gia xây dựng các căn nhà rông cho Chi với tổng số tiền nhà thầu chi vào công trình lên tới 3 triệu USD. Song, đến nay, Chi vẫn chưa trả tiền xây dựng cho các đơn vị xây dựng.

Theo Điều 7, giấy phép đầu tư do Bộ KH-ĐT cấp cho Rusalka thì “trong thời gian triển khai dự án, chủ đầu tư không được chuyển nhượng vốn cho các đối tác khác”. Tuy nhiên, do phải trả số nợ cho Công ty Lương thực Trà Vinh, ngày 20/11/2003, Chi đã ký hợp đồng liên doanh đầu tư xây dựng dự án này với Công ty Lâm Viên.

Theo đó, Chi bán 55% vốn pháp định cho Lâm Viên bằng cách hai bên đã tự thống nhất trái pháp luật rằng sẽ tăng vốn pháp định từ 4,5 triệu USD lên 10 triệu USD, vốn đầu tư tăng từ 15 triệu USD lên 27 triệu USD. Công ty Lâm Viên đã góp 5,5 triệu USD cho dự án và trở thành Chủ tịch HĐQT của công ty liên doanh này.

Ngay sau đó, Chi đã trả 43,5 tỷ đồng nợ cho Công ty Lương thực Trà Vinh. Như vậy, Lâm Viên đã một lần nữa bị lừa thêm 43,5 tỷ đồng. Khi công ty này phát đơn kiện thì đã muộn!

Và chiếm đoạt 2,4 triệu USD ngoạn mục của Trà Vinh

Chi còn thực hiện trót lọt pha lừa ngoạn mục 31.488 tấn gạo của Công ty Lương thực Trà Vinh. Cuối năm 2002, đầu năm 2003, với tư cách là giám đốc kinh doanh, đại diện cho Công ty Arabella (Hoa Kỳ) Chi đã ký 2 hợp đồng với Nguyễn Thọ Trí, Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh mua số gạo trên theo hình thức: Chi được mua toàn bộ số gạo trên trong một tháng theo hình thức trả chậm. Để được lấy gạo ồ ạt, trong lô hàng đầu tiên, Chi đã thanh toán rất đầy đủ.

Các chuyến sau, Chi không trả tiền. Trên 5 triệu USD có được do lừa đảo số gạo, Chi nói đã mua cổ phiếu ở Nga; do công ty cổ phiếu đã phá sản nên Chi bị mất trắng. Tuy nhiên, Chi không có giấy tờ chứng minh đã mua cổ phiếu tại Nga.

Cũng trong thời gian nói trên, Chính phủ VN đã nhận được văn bản của Đại sứ quán Nga đề nghị thu hồi số nợ 1,1 triệu USD Chi đã chiếm đoạt thông qua mua bán gạo của Công ty Prodgamma (Nga).

Đến nay, Chi đã lừa đảo, chiếm đoạt thành công 165 tỷ đồng của các đối tác Việt Nam. Ngày hôm qua, khi khám xét nơi ở và làm việc của Chi, cơ quan điều tra đã thu được rất nhiều tài liệu liên quan đến hành vi lừa đảo của tên tội phạm quốc tế này. Trong đó có những tài liệu thể hiện sự dính líu của các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam và một số cơ quan quản lý.

Theo Sài Gòn Giải phóng

Dòng sự kiện: Nguyễn Đức Chi