1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đại biểu Trần Du Lịch:

“Tôi nói những điều tâm huyết vì hết khoá này sẽ nghỉ”

(Dân trí) - Đây là chia sẻ của ông Trần Du Lịch khi nêu quan điểm “can gián” trong phiên thảo luận về Dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật trong khuôn khổ chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (từ 15 -17/4).

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy một số góp ý của các vị đại biểu tại kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2014) đã được tiếp thu.

Cụ thể, dự thảo luật đã bổ sung quy định tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu Quốc hội trong quá trình lập hồ sơ kiến nghị về luật, pháp lệnh. Theo đó, đại biểu Quốc hội tự mình hoặc đề nghị Văn phòng Quốc hội, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

Các vị có sáng kiến lập pháp cũng có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc lập hồ sơ kiến nghị về luật, pháp lệnh. Cơ quan, tổ chức được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội.

Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện cần thiết để đại biểu Quốc hội thực hiện quyền kiến nghị, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, dự thảo luật nêu rõ.

Theo quy định của dự thảo luật thì kiến nghị về luật, pháp lệnh phải được thể hiện bằng văn bản. Trong đó, nêu rõ sự cần thiết ban hành văn bản, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản, mục đích, yêu cầu của văn bản. Kiến nghị về luật, pháp lệnh được gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội để xem xét, quyết định.

Chưa đi vào nội dung cụ thể của dự luật, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) đặt vấn đề, tại sao một luật như một công cụ để làm các luật khác mà 5 kỳ họp Quốc hội từ khoá IX đến giờ (khoá XIII) đã 4 lần phải sửa. Đây là vấn đề ông Lịch khẳng định cá nhân ông đã nêu ra 5-7 năm trước, đến nay các tồn tại, vướng mắc vẫn hiển hiện.

Đại biểu Trần Du Lịch nêu nhiều băn khoăn về Dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật.

Đại biểu Trần Du Lịch nêu nhiều băn khoăn về Dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật.

Theo ông Lịch, hướng tiếp cận khi xây dựng luật này đã không chuẩn, điều đó dẫn đến “lỗi hệ thống” trong việc làm luật, quy phạm pháp luật nói chung.

Đại biểu chỉ rõ, nguyên tắc xác định rõ thẩm quyền ban hành văn bản lập pháp với văn bản lập quy. Cụ thể, thẩm quyền lập quy thuộc cơ quan nào dưới Quốc hội phải được quy định chi tiết trong chính luật Ban hành văn phản quy phạm pháp luật.

Dự thảo luật sửa đổi lần này, theo nhận xét của đại biểu Lịch, vẫn chưa giải quyết được những mâu thuẫn, bất cập đặt ra về thẩm quyền và quá trình lập quy của các cơ quan dưới Quốc hội mà mới chỉ đi vào những phần thủ tục “râu ria” chi tiết. Nguyên tắc cơ bản cần xác định thì lại vẫn… mù mờ.

“Không cần vội gì với luật này, chưa chuẩn bị kỹ thì cứ dùng luật hiện hành, nếu không việc ban hành văn bản pháp luật vẫn còn rối loạn. Tôi nói điều này với đầy tâm huyết vì hết nhiệm kỳ này tôi nghỉ rồi” – ông Lịch day dứt.

Đáp lại tâm tư này của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định UB Thường vụ bàn vấn đề này một cách chân thành và mong các đại biểu thảo luận thật thẳng thắn.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đến nay, cũng có một số vị đại biểu có kiến nghị về luật với hướng phân tích, ngoài nguyên nhân chưa đủ sức thuyết phục về sự cần thiết còn có cả khó khăn về điều kiện thực hiện.

Về một số vấn đề cụ thể trong luật, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, không nên giao cho Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao ban hành thông tư. Nhưng việc giao thẩm quyền cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành thông tư lại là cần thiết.

UB Thường vụ cũng đề nghị không quy định về thông tư liên tịch của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Còn hình thức nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục duy trì.

P.Thảo