“Tôi làm hàng “độc” để kiếm cơm”
(Dân trí) - “Tôi muốn kiếm tiền, muốn gia đình thoát nghèo. Mà kinh doanh bình thường thì tôi không đọ nổi với người ta. Cho nên tôi chọn hàng “độc” để kinh doanh” - Nhà thạch ảnh Lê Đức Vĩ lý giải đơn giản cho loại hình nghệ thuật độc đáo (phóng ảnh lên đá bằng công nghệ kỹ thuật số) của mình.
Nhờ ý tưởng lạ của Lê Đức Vĩ, những bức ảnh nghệ thuật, danh nhân, danh lam thắng cảnh... trở nên lung linh, huyền bí, tĩnh lặng trên mặt đá gồ ghề những thớ gân, càng làm tôn lên cái thần, sắc của từng tác phẩm. Để có được những tác phẩm đẹp như ngày hôm nay, Lê Đức Vĩ đã phải trải qua bao thăng trầm, đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt, bỏ bao nhiêu công sức và tiền bạc. Lòng kiên tâm sắt đá và tình yêu nghệ thuật của anh khiến người ta đặt cho anh cái tên “dị nhân bán đảo Sơn Trà”.
Năm 1975, giã từ nghề giáo, anh theo nghề trang trí nội thất rồi duyên số đẩy đưa đến với nghề làm ảnh, học được từ một người bạn. Từ đây, anh nung nấu ý tưởng phải làm ra một dạng ảnh của riêng mình, “chơi “độc” thì mới là Vĩ” - anh tự tin.
Bắt đầu từ những tấm ảnh đen trắng được phóng lên đá, cũng mất gần hai năm mới có được bức thạch ảnh đầu tiên. Nhưng “kiếm cơm” chưa được bao lâu thì khách “chán”. Bao nhiêu đá anh dày công thu nhặt, làm nhẵn; bao nhiêu bức ảnh dở dang khách không màng đến lấy; bao nhiêu tiền đổ ra mua hoá chất làm men bảo vệ ảnh; bao nhiêu vốn liếng đội nón ra đi.
| |
|
Phiến thạch ảnh đầu tiên thử nghiệm từ tấm ảnh gia đình, phải mất 4 năm mới rõ từng nhân dạng nhưng nước ảnh vẫn xỉn màu, không bóng, sắc. Anh lại lao vào nghiên cứu, mày mò. Đằng đẵng hơn 10 năm, từ lúc “nghề chơi” chỉ mới là ý tưởng, giờ anh đã có một xưởng thạch ảnh nho nhỏ và một gian hàng trưng bày ngay trong Cổ viện Chàm thành phố Đà Nẵng với vài trăm sản phẩm.
Giờ thì ai nhìn thấy tác phẩm của anh cũng phải trầm trồ mê mẩn bởi cái đẹp hoà cùng cái lạ. Không chỉ dừng lại ở việc phóng ảnh trên đá, anh còn thử nghiệm và phóng ảnh thành công lên vỏ sò, vỏ ốc…; từ đó biến tấu thành nhiều mặt hàng mỹ nghệ như mặt dây chuyền phóng ảnh, ảnh in trong lòng vỏ ốc,... Mỗi sản phẩm như thế được bán với giá không dưới 100 ngàn đồng.
| |
|
Hiện nay, nhà thạch ảnh Lê Đức Vĩ đang nuôi hi vọng mở các gian trưng bày của mình ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,... thậm chí sang cả nước ngoài. Và chúng tôi tin anh sẽ thành công.
Khánh Hiền