"Tôi là người Mỹ nhưng cũng là 100% nước mắm"
(Dân trí) - Đó là câu nói dí dỏm nhưng chân thành, đầy xúc cảm về giống nòi của bà Caroline Kiều Linh Valverde, kiều bào Mỹ, Giáo sư Đại học UC Davis, California tại hội nghị "Kiều bào chung sức xây dựng TPHCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế".
Với chủ đề "Kiều bào chung sức xây dựng TPHCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế", hội nghị kiều bào 2016 do Bộ Ngoại giao và UBND TPHCM tổ chức đã thu hút sự đóng góp ý kiến, tham luận của rất nhiều đại biểu, trong đó có 500 kiều bào từ 35 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Lắng nghe chia sẻ của bà Caroline Kiều Linh Valverde, kiều bào Mỹ, Giáo sư Đại học UC Davis, California, nhiều người không khỏi xúc động. Bà Kiều Linh được giới thiệu là giáo sư nghiên cứu, giảng dạy về văn hoá Việt Nam, Châu Á ở Mỹ. Bà có tình yêu vô bờ bến với nền văn hoá Việt Nam dù sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Đi đâu, thậm chí trong từng bài giảng của mình, bà Linh luôn khẳng định mình là... "made in Vietnam".
25 năm trước, khi còn là thiếu niên, bà Kiều Linh không biết gì về đất nước Việt Nam, nơi cha mẹ của bà đã sinh ra. "Khi vào đại học, tôi thấy mình khác biệt với những bạn học xung quanh. Lúc đó, tôi nghĩ mình cần xác định mình là người nước nào", Kiều Linh nói. Để tìm nguồn cội, bà Linh đã tìm lại những bức ảnh cũ và biết rằng, nguồn cội, máu mủ của mình là Việt Nam.
Sau khi nói về "lý lịch trích ngang", nữ Việt kiều này đã trải lòng về công việc cũng như những mong mỏi được cống hiến cho đất nước.
Bà Linh đã dạy, dẫn dắt nhiều sinh viên có quá khứ giống bà và nhất là sinh viên Việt Nam tại Mỹ. Là nhà nghiên cứu về văn hoá học, bà Linh luôn băn khoăn tìm về nghiên cứu ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ. Năm 1993, bà Linh về Việt Nam. "Dù xa lạ, nhưng tôi cảm giác như thân thiết với những người chưa quen biết. Góc phố, ngõ hẻm như thầm gọi đứa con xa xứ trở về", bà Linh diễn tả lại ngày đầu trở về đất mẹ.
Trong nhiều năm đi đi về về giữa Mỹ - Việt Nam, từ những trải nghiệm của mình, ngoài các hoạt động quảng bá văn hoá Việt Nam, bà Linh còn viết cuốn sách "Transnationalizing Vietnam" nghiên cứu về cộng đồng người Việt tại Mỹ được nhiều người đón nhận.
"Nếu chọn con đường năng động, cấp tiến, Việt Nam cần đầu tư vào thế hệ trẻ. Khuyến khích nhân tài, giúp họ biết phát huy cội nguồn là người Việt để đóng góp cho nước nhà có ngày mai tươi sáng hơn. Đây là nguyện ước mà tôi sẽ làm hết cuộc đời. Mình cũng là một dân tộc không thua một dân tộc nào khác, một dân tộc có ngàn năm văn hiến. Hãy giữ lấy quê hương xứ sở như mảnh đất mà mình đang bám lấy dưới lòng bàn chân", bà Kiều Linh nói.
Cũng tại lễ khai mạc, ngoài ý kiến của bà Kiều Linh, hội nghị đã nghe tham luận của các đại biểu kiều bào như ông Hoàng Tuấn, GS Đại học công nghệ Sydney; ông Nguyễn Đức Khương, GS TS Trưởng khoa kinh tế tài chính Học viện Quản lý và Quản trị kinh doanh Paris, Chủ tịch Hội khoa học và chuyên gia tại Pháp; ông Nguyễn Đỗ Dũng, chuyên gia về quy hoạch đô thị, Singapore.
GS TS Hoàng Tuấn chia sẻ bên lề hội nghị "Kiều bào chung sức xây dựng TPHCM"
Các tham luận tập trung nêu lên những giải pháp phát triển TPHCM một cách bền vững, bước đầu là các giải pháp xây dựng thành phố thông minh bằng các ứng dụng thông minh, giải pháp huy động nguồn lực của kiều bào trong đó có nguồn lực tri thức và chất xám.
"Hãy nhìn Israel, họ thành công khi sử dụng chuyên gia của họ ở khắp các nơi trên thế giới. Tôi tin, Việt Nam, TPHCM hoàn toàn có thể làm được trong tương lai gần như quốc gia Trung Đông này. Việt kiều chúng tôi luôn sẵn sàng dấn thân, song hành và đồng hành cùng đất nước", GS, TS Nguyễn Đức Khương nói.
Bài: Công Quang
Clip: Phạm Nguyễn - Quốc Anh
Ảnh: Nguyễn Quang