1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Cà Mau:

"Tôi không sợ xấu mặt"

"Không trung thực trong thi cử để chạy theo thành tích là con đường ngắn nhất đưa ngành giáo dục đến ngõ cụt. Nghĩa là chúng ta đã nhét vào học sinh ý thức ỷ lại có sự bao che của thầy cô, của nhà trường mà lơ là việc học..." - TS Thái Văn Long - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Cà Mau khẳng định.

Thưa ông, dư luận cho rằng vì chạy theo thành tích nên Cà Mau đã từng tổ chức gian dối trong thi cử, cụ thể là các kỳ thi phổ cập giáo dục THCS các năm 2003-2004?

 

Quả là có chuyện vì muốn đạt được thành tích cao, một số nơi trong tỉnh Cà Mau đã không nghiêm túc trong thi cử ở các kỳ thi phổ cập giáo dục THCS các năm 2003 - 2004.

 

Nhưng tôi khẳng định đó không phải là chỉ đạo của Sở Giáo dục - đào tạo nói riêng và của ngành giáo dục Cà Mau nói chung. Nó chỉ là những sai phạm mang tính cục bộ ở một vài trường xã và sự thiếu trách nhiệm ở một số cán bộ ở phòng giáo dục huyện.

 

Cơ sở nào ông khẳng định như vậy?

 

Sau khi báo chí phản ảnh tình hình gian dối trong thi cử, tôi nhớ là đầu năm 2005, sở đã lập tức chỉ đạo thanh tra và xử lý nghiêm. Dính vào những vụ bê bối đó có một vài hiệu trưởng các trường THCS Tân Hưng (huyện Cái Nước), Khánh Hòa (huyện U Minh) và một số cán bộ phòng giáo dục của hai huyện này.

 

Tôi đã cách chức cả hai hiệu trưởng trên, sa thải một cán bộ phổ cập, đồng thời có hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với lãnh đạo hai phòng giáo dục hai huyện nói trên. Chủ trương của Sở Giáo dục - đào tạo Cà Mau là không chạy theo thành tích dưới bất kỳ hình thức nào. Trong đó, đặc biệt là gian dối trong thi cử.

 

Vì theo tôi, không trung thực trong thi cử để chạy theo thành tích là con đường ngắn nhất đưa ngành giáo dục đến ngõ cụt. Bởi vì tổ chức gian dối trong thi cử, nghĩa là chúng ta đã nhét vào học sinh ý thức ỷ lại có sự bao che của thầy cô, của nhà trường mà lơ là việc học. Đó là điều tệ hại nhất cho việc nâng cao chất lượng giáo dục trong tương lai.

 

Ông chủ trương thế nào về việc tổ chức các kỳ thi?

 

Tuyệt đối phải nghiêm túc, không gian dối bất kỳ hình thức nào. Mọi tiêu cực trong thi cử đều phải bị xử lý nghiêm khắc. Quan điểm của tôi, thi cử là một sân chơi công bằng cho mọi học sinh, là cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục thật sự của ngành. Việc đánh giá đó càng chính xác thì những kế hoạch, chiến lược phát triển giáo dục mới khả thi, hiệu quả. Mà muốn có những đánh giá chính xác thì tất yếu chúng ta phải có những kỳ thi nghiêm túc nhất.

 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT hệ bổ túc văn hóa năm 2004 - 2005 tỉ lệ tốt nghiệp chỉ đạt hơn 17%. Con số này thể hiện một kỳ thi nghiêm túc hay là phản ánh chất lượng giáo dục hệ bổ túc năm đó thấp, thưa ông?

 

Cả hai. Đó là một kỳ thi mà chúng tôi chủ trương tổ chức thi nghiêm túc ở mức độ cao nhất so với tất cả các kỳ thi trước đó. Chúng tôi đã nói không với “phao”, nói không với mọi hình thức tiêu cực. Kết quả khiến chúng tôi chới với: gần 18%. Cũng kỳ thi này, ở bậc THPT hệ chính qui cũng đạt tỉ lệ thấp, chỉ hơn 68%, thấp nhất trong vòng năm năm trước đó. Và năm 2003-2004 là gần 72%.

 

Một số thầy cô đã lo lắng cho tôi, sợ xấu mặt ngành. Nhưng tôi bảo không sợ gì cả, cũng không xin Bộ Giáo dục - đào tạo cho hạ điểm gì cả. Chất lượng giáo dục như thế nào thì phải dũng cảm nhìn nhận như thế đó, không thoái thác, không chạy trốn. Phương châm của chúng tôi là nhìn nhận đúng để có hướng cải tạo đúng.

 

Và chúng tôi đã không sai. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi khẳng định được chất lượng giáo dục của ngành giáo dục Cà Mau đã được nâng lên. Hệ chính qui đã đạt tỉ lệ tốt nghiệp gần 80%. Hệ bổ túc văn hóa đạt tỉ lệ tốt nghiệp hơn 40%.

 

Và tôi tin rằng, tiếp tục nói không với tiêu cực trong thi cử sẽ tiếp tục được phụ huynh ủng hộ, chất lượng giáo dục của ngành giáo dục Cà Mau sẽ tiếp tục được nâng cao hơn trong tương lai.

 

Ông nghĩ gì về sự nghiêm túc trong thi cử hiện nay?

 

Tiêu cực trong thi cử đang là một vấn đề mà cả xã hội quan tâm, đang rất “nóng” trong ngành giáo dục nước ta. Nói không với tiêu cực trong thi cử là việc làm tất yếu của ngành giáo dục nước ta hiện nay. Tôi ủng hộ hết mình chủ trương này.

 

Theo Như Ý

Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm