1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thuyền trưởng tàu cá bị Trung Quốc bắn đuổi:

“Tôi không sợ vì đang ở trên biển của mình!”

Anh em chúng tôi đã thống nhất, ăn mùng 5 tháng 5 xong là tiếp tục ra khơi. Trong đời đi biển, chúng tôi chưa bao giờ bị tàu vũ trang Trung Quốc đe dọa nguy hiểm ngay trên vùng biển của mình như lần này.

Sáng 4/6, tàu đánh cá PY-92305TS, chiếc tàu cá bị ba tàu hải quân Trung Quốc bắn đuổi mấy hôm trước, đã cập cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa (Phú Yên) sau một tháng lênh đênh trên biển. Với vóc dáng vạm vỡ, thuyền trưởng Lê Văn Giúp đứng ở mũi tàu nói to để mọi người yên tâm: “Anh em đều bình an”. Khác với thường lệ, làng chài Phú Câu, phường 6 nhộn nhịp hẳn lên, bà con kéo nhau đến hỏi thăm, chia sẻ với những ngư dân trở về từ chuyến biển đầy bất trắc.
 
“Tôi không sợ vì đang ở trên biển của mình!” - 1
Thuyền trưởng Lê Văn Giúp cho biết sẽ tiếp tục ra khơi bởi nơi ấy là vùng biển của mình.

Sau khi cùng anh em bạn tất bật đưa cá lên bờ để cân bán, thuyền trưởng Giúp kể: “Bình thường chiếc tàu 165 CV của tôi câu được 1,5-2 tấn cá ngừ đại dương. Lần này, cả tháng trời bị tàu hải quân Trung Quốc rượt đuổi ra khỏi ngư trường có cá nên chỉ câu được hơn bảy tạ. Chi phí cho chuyến biển này hơn 120 triệu đồng, chưa tính tiền công trả cho anh em đi bạn, gia đình tôi đã lỗ hơn 30 triệu đồng”.

Bắt đầu đi biển từ năm 14 tuổi, đến nay Lê Văn Giúp đã có 30 năm sống với nghề. Ông thuộc nằm lòng từng hòn đảo, từng luồng cá... ở Trường Sa vì đó là ngư trường mà đại gia đình ông đã gắn bó bao đời nay và quan trọng đó là vùng biển của tổ quốc. “Trong đời đi biển, chúng tôi chưa bao giờ bị tàu vũ trang Trung Quốc đe dọa nguy hiểm ngay trên vùng biển của mình như lần này” - ông Giúp nói đầy phẫn nộ. “Nó không chỉ xua đuổi như trước đây mà đã đe dọa trực tiếp chúng tôi” - ông Phan Văn Vân, phụ lái tàu PY-92305TS, tiếp lời.
“Tôi không sợ vì đang ở trên biển của mình!” - 2
Những ngư dân trên tàu PY-92305TS đưa cá lên bờ sau chuyến đánh bắt đầy bất trắc.

Trước cán bộ biên phòng và đông đảo người dân địa phương, những ngư dân này bất bình kể lại việc ba tàu hải quân Trung Quốc đã chặn ngay trước mũi các tàu cá Việt Nam chỉ với khoảng cách dưới 10 m. Sau khi nổ súng uy hiếp, suốt đêm hôm đó và ngày hôm sau, ba tàu hải quân Trung Quốc tiếp tục áp sát, kìm kẹp sáu chiếc tàu cá trong nhóm của ông Giúp. Riêng chiếc tàu PY-90919TS của thuyền trưởng Võ Thanh Sơn bị các tàu hải quân Trung Quốc kẹp sát, trấn áp liên tục khiến các ngư dân trên tàu hoảng loạn. Mãi đến khi các tàu cá này chạy đến khu vực các đảo có hải quân Việt Nam canh giữ, ba tàu Trung Quốc mới thôi. Riêng tàu ông Giúp đã cập vào đảo Đá Đông A báo cáo với lực lượng hải quân Việt Nam.

Dẫu bị uy hiếp như vậy nhưng khi có người hỏi: “Lúc nó nổ súng ông có sợ không?”, thuyền trưởng Lê Văn Giúp khẳng khái: “Tôi không hề sợ vì đây là vùng biển của mình. Lúc đó tôi động viên anh em cứ bình tĩnh, nó chỉ dọa nạt chứ không dám bắt mình đâu. Anh em chúng tôi đã thống nhất, ăn mùng 5 tháng 5 xong là tiếp tục ra khơi”.

Ngày 31/5, tàu của thuyền trưởng Lê Văn Giúp bị tàu hải quân 998 của Trung Quốc nổ súng uy hiếp, rượt đuổi trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 2/6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội phản đối việc hải quân Trung Quốc dùng súng uy hiếp ngư dân Việt Nam, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, cản trở tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động tại khu vực này.

Theo Tấn Lộc
Pháp luật TPHCM