1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bà Lê Hiền Đức:

“Tôi không phải là quả bóng da để có thể... bẹp”

(Dân trí) - Vừa gặp phóng viên, bà Lê Hiền Đức "khoe" ngay, bà vừa chuyển cho Thanh tra Chính phủ mấy chồng hồ sơ cao quá đầu. Trong suốt câu chuyện, bà nói về chống tham nhũng với một tinh thần sắt đá, khác hẳn với vẻ bề ngoài "mong manh" của bà già ngót nghét 80.

Chúng tôi có cảm giác rằng, với bà, Giải thưởng Liêm chính vẫn là chưa đủ...

“Chĩa mũi vào đủ việc của thiên hạ”

Qua báo chí, có thể thấy những “chiêu” chống tiêu cực, tham nhũng của bà rất phong phú. Từ đâu bà có những “chiêu” như vậy?

Đúng là rất nhiều “chiêu” (cười). Hồi trẻ, tôi làm trong ngành công an, sau đó lại được điều lên làm tại Cục tình báo TW nên ít nhiều trong đầu cũng có chút nghiệp vụ, áp dụng vào việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của mình rất “đắc địa”.

Tôi đã từng “bắt” một cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ. Những vụ thế này, tôi thường vui gọi là “cò con”, có khi chỉ 50.000đ nhưng tôi nhảy vào cuộc luôn vì nó là cái biểu hiện sự không trong sạch của một chiến sĩ công an.

Và Lê Hiền Đức mang danh “Bà già lắm chuyện” từ thời ấy, khi chĩa mũi vào đủ việc của thiên hạ.

Ngoài tên gọi “Bà già lắm chuyện” bà còn có cái tên không ngọt ngào khác - “Bà già khó chịu”?

Người ta gọi tôi là Bà già khó chịu vì tính nóng, hay bức xúc, động tới là ăn không ngon, ngủ không yên. Đêm nghĩ ra phương án nào để đấu tranh với vụ việc này kia là bật dậy ghi ngay. Ghi lịch làm việc đã thành thói quen, mà còn là ghi ngay việc cho ngày mai, phải gọi điện cho ai, gặp cơ quan nào...

Người ta nói Bà già lắm chuyện thì cũng đúng vì tôi có nhiều chuyện thật. Nhìn quanh nhà tôi cũng thấy, một đống chuyện. Mỗi tập hồ sơ đó là một vụ. Có những vụ, số giấy tờ lên tới 17kg...

Vậy nay nếu có người lại đặt cho bà tên mới như “Bà già lắm chiêu” hay “Bà già quái chiêu”, bà thấy thế nào?

Đúng đấy. Đó cũng là cách đùa hóm.

Được biết bà đã không thành công trong việc tìm kiếm một người giống như mình để giới thiệu cho tổ chức Minh bạch thế giới trao giải thưởng Liêm chính năm nay?

Tổ chức Minh bạch thế giới email cho tôi, với nhã ý nhờ tìm một người để giới thiệu giải thưởng năm 2008. Nghĩ đây là quyền lợi, vinh dự cho nước mình, tôi đã bỏ rất nhiều công sức đi tìm. Khi tôi đặt vấn đề tìm giúp một người như tôi để giới thiệu, nhiều nhà báo, phóng viên cười ầm bảo: “Lấy đâu ra người như bác”. Vậy thì tìm một người tương tự. Tôi chú ý đến một vài nhân vật nhưng dư luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau... Còn các cộng sự của tôi thì cũng chỉ hoạt động trong phạm vi rất hẹp, và trước hết vì những việc liên quan đến quyền lợi của mình thì mới dấn thân vào con đường này. Các ứng viên đều chưa “nặng ký” và tôi đành hoàn toàn... bó tay.

Nếu Giải thưởng Liêm chính có thể trao 2 lần cho một người, bà có mong nhận được giải này, một lần nữa?

Không! Đối với tôi, ngay Giải thưởng năm 2007 đến với tôi cũng một cách rất bất ngờ. Tôi không hiểu sao những người ở cách mình hàng vạn kilômét, không cùng ngôn ngữ, lại có thể theo dõi việc làm của tôi một cách chi tiết đến vậy.

Giải thưởng này đã động viên tôi rất nhiều, thúc đẩy tôi làm việc tốt hơn nữa nhưng tôi làm việc không phải vì mục đích lấy giải thưởng. Tôi làm để đi tìm công lý, tìm lẽ phải. Không vì quyền lợi của cá nhân, gia đình tôi dù chỉ một chút. Mà tôi nghĩ, chính vì không dây dưa quyền lợi của chính mình, tôi mới được mọi người quý trọng, tôn vinh như vậy.

“Tôi không phải là quả bóng da để có thể... bẹp” - 1
 

Có đủ “ngón” để làm đến cùng

Trong những cuộc đấu trí để chống tham nhũng, tiêu cực, vụ nào bà cảm thấy cam go nhất, căng thẳng nhất?

Có, một vụ không lớn lắm nhưng với tôi, đó không chỉ là tham nhũng, tiêu cực mà còn là “một tội ác”. 5h sáng, một nhóm người bán rau, bán cá gõ cửa nhà tôi xin cứu con cái họ. Họ giải thích phải đến sớm thế vì nếu họ đi muộn, rau héo và cá ươn, không bán được, cả nhà sẽ đói. Hôm đó là 26/11/2006, tôi nhận được lá đơn tố cáo từ họ và bắt đầu vào cuộc. Đây là chuyện quyền lợi của hơn 500 cháu học sinh trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc, quận Cầu Giấy.

Người bị tố cáo trong vụ này là Hiệu trưởng, kiêm Bí thư Chi bộ nhà trường. Ông ta đã chỉ đạo, tổ chức việc bớt xén tiền ăn của các cháu. Vụ này làm tôi hao tâm tổn lực, tôi tốn rất nhiều thời gian, công sức. Tôi già đi, mất ăn mất ngủ vì nó. Số tiền chỉ hơn 40 triệu đồng thôi nhưng làm tôi suy nghĩ và đau đớn nhiều. Khoản tiền ấy là để mấy ông đi biếu xén. Tôi nắm được danh sách ấy. “Độc chiêu” của bà già đấy.

Tôi đã dùng rất nhiều chiêu và tuyên bố sẽ đi đến cùng vụ này. Tôi sẽ làm rõ “nghi vấn” bằng cấp của viên Hiệu trưởng này, nhất định phải loại bỏ những người tham nhũng ra khỏi ngành giáo dục, khai trừ Đảng. Sắp tới cũng sẽ còn tốn nhiều cuộc điện thoại nữa để kiểm tra việc các cháu đã nhận lại được “tiền bị ăn bớt” chưa.

Tôi có 10 ngón tay, sẽ đủ chiêu, đủ “ngón” để làm đến cùng.

Khi lần theo hồ sơ để giải quyết các vụ việc nói chung, bà hay bị “mắc” ở đâu nhất?

Tôi vẫn nói cấp TW của chúng ta làm rất tốt, rất triệt để. Nhưng đến thành phố, tôi đã bị đá như một quả bóng. Tuy nhiên, tôi tuyên bố, rất tiếc, Lê Hiền Đức không phải là quả bóng da để có thể bẹp, rách, xịt mà là quả bóng thép, đá cẩn thận không thì gãy chân.

Bà từng nói chỉ làm được những vụ cụ thể, nhỏ lẻ. Bà có mong lúc nào đó sẽ phanh phui được một vụ lớn, đình đám?

Nếu có vụ đình đám nào vào tay tôi, tôi cũng sẽ kiên trì, không ngại.

“Tôi không phải là quả bóng da để có thể... bẹp” - 2
 

“Họ dè bỉu khiến tôi đau lòng...”

Bà nghĩ gì khi thầy giáo tố cáo tiêu cực Đỗ Việt Khoa lại không được nhiều đồng nghiệp yêu thích?

Tôi cũng bị nhiều người ghét lắm chứ. Nhiều người nói tôi là hâm, là khùng. Người ta còn nói tôi là hoang tưởng. Tôi còn khổ hơn thầy Khoa nhiều. Tôi không bị đánh nhưng đã bị khủng bố tinh thần rất nhiều. Cái ấy còn đau hơn cái đấm, cái đá. Tôi chia sẻ với ai được, làm gì được?

Tôi cũng ức, khi người ta đồn rằng làm thế này chắc tôi giàu lắm. Tức là người ta nghĩ người này đem đơn, người kia đem đơn đến đều có gì biếu tôi. Tôi giải quyết được gì cho họ mà họ biếu. Hơn nữa, chống tham nhũng, tiêu cực như vậy thì còn gì là nhân phẩm nữa.

Có khi nào bà phải đối mặt với những việc như bạn bè xa lánh, những người xung quanh đề phòng...?

Có không ít bạn bè tỏ ý thắc mắc về những việc tôi làm. Nhưng chỉ nói thôi, không đến mức xa lánh. Người ta đều nói biết việc mình làm là tốt nhưng cho rằng sẽ chẳng thu được gì.

Những người cùng quan điểm thì rất yêu quý tôi. Những kẻ bị phanh phui thì tất nhiên là họ ghét. Tôi chỉ buồn với những người không ủng hộ việc làm của tôi. Họ dè bỉu, cho tôi là hâm. Điều đó làm tôi đau lòng.

Và con cháu, gia đình, dù rất thương tôi, chăm lo đầy đủ, chiều hết sức nhưng không mấy khi dám đến chơi. Các con vẫn qua đón bà đến chơi với cháu nhưng không muốn cho con ở nhà tôi, cũng vì sợ những việc trả thù. Đôi khi cũng thấy buồn nhưng lại nghĩ cái buồn đó không đau bởi vì con cháu thương mình mới thế chứ không phải bất hiếu.

“Tôi không phải là quả bóng da để có thể... bẹp” - 3

“Đến khi nhắm mắt phải thành thạo vi tính, tiếng Anh”

Mỗi tháng bà “xài” hết bao nhiêu tiền điện thoại, phí chuyển đơn thư...?

Có thể nói là lương tôi không đủ. Lương hưu của tôi 1,7 triệu đồng/tháng nhưng đừng có nghĩ dùng khoản tiền ấy để “ăn”. Ăn uống, sinh hoạt các con tôi lo cả. Vậy nên thích ăn thứ gì đều được cung cấp đầy đủ, là mua đến tận nhà. Nhưng riêng tiền thì... “cấm vận” vì như chúng vẫn đùa, bao nhiêu tôi cũng “nướng” hết cả vào điện thoại, internet, báo chí, tem thư để gửi đơn từ.

Nhà có 3 đầu số thuê bao và thế này... (Bà mang ra một hộp tới cả trăm tấm thẻ điện thoại 1719 đã dùng hết, từ mấy tháng trước).

Chẳng nhẽ bà cứ “ phung phí” mãi tiền của nhà mình?

Dĩ nhiên, tôi cũng có cách. Nhiều vị cán bộ từng nói ấn tượng nhất với tôi về chuyện cứ bấm nghe là: “Tôi đặt máy, anh gọi lại ngay nhé”. Như vậy có nghĩa là mình chỉ mất 500-700đ thôi. Tôi cũng thường nhắn tin: “Họp xong nhớ gọi điện cho Lê Hiền Đức nhé”. Đấy là những cách hết sức tiết kiệm.

Nhưng cũng có những lần tôi tốn mấy chục nghìn đồng chỉ để tìm hỏi một số điện thoại, gọi đến để báo tôi đã nhận được đơn. Lá đơn ấy chỉ có địa chỉ người gửi, với dòng nhắn nhủ: “Thư này gửi đi, chúng tôi đếm thời gian cho sự hy vọng...”. Làm sao có thể nỡ tâm bỏ qua, người ta đã tin tưởng mình đến thế. Tổng đài 116, 1080 cũng nhẵn giọng tôi.

Ngoài việc chống tiêu cực, tham nhũng, bà quan tâm đến điều gì nhất?

Tôi có ghi ở một cuốn sổ những mơ ước cuối cuộc đời. Với công việc, chỉ mong từ giờ đến lúc nằm xuống, làm sao sức khoẻ tốt để góp phần giảm nạn tham nhũng đi. Cho dù chỉ có những vụ rất “cò con” nhưng tôi nghĩ rằng, phải từ những chiến thắng nhỏ mới tới được chiến thắng lớn.

Với cá nhân, tôi mơ ước là đến khi nhắm mắt, phải thành thạo vi tính, thành thạo tiếng Anh. Đến giờ, viết cho người nước ngoài một cái thư, từ 11h đêm đến 1h sáng mới xong. Có thể chào hỏi, giao tiếp thông thường nhưng đến lĩnh vực chuyên sâu, ngoài từ: Anti-corupption (chống tham nhũng), my way is very hard (con đường của tôi đầy chông gai)... thì “bó tay”.

Xin cảm ơn bà!

Phương Thảo - Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm