DMagazine

Ông Bạch Ngọc Chiến: Tôi không giàu có khi từ chức, khởi nghiệp để mưu sinh

(Dân trí) - Ông Bạch Ngọc Chiến (nguyên Phó chủ tịch tỉnh Nam Định; nguyên Phó chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) chia sẻ về quyết định rời khỏi bộ máy nhà nước, khởi nghiệp ở tuổi 50.

Sau khi từ chức vào năm 2020, ông Bạch Ngọc Chiến đầu quân cho một tổ chức giáo dục tư nhân và hiện khởi nghiệp ở lĩnh vực đào tạo tiếng Anh và Vovinam (Võ Việt Nam).

Dân trí có cuộc trò chuyện cởi mở và thẳng thắn với ông Bạch Ngọc Chiến.

Ông Bạch Ngọc Chiến kể về việc từ chức "gây sốc" và khởi nghiệp ở tuổi 53 (Video: Phạm Tiến - Tiến Tuấn)

Ông Bạch Ngọc Chiến: Tôi không giàu có khi từ chức, khởi nghiệp để mưu sinh - 1

Sau 4 năm làm việc cho một tổ chức giáo dục tư nhân và khởi nghiệp, hiện nay thu nhập của ông như thế nào so với trước đây?

- Khi rời khỏi bộ máy nhà nước, tôi phải nghĩ đến việc tìm một công việc mới để trang trải cuộc sống và có chút dành dụm cho tuổi già. Quá trình công tác dù đã trải qua một số chức vụ, tôi chỉ là người làm công ăn lương nên hầu như không có tích lũy tài chính hay tài sản gì đáng kể.

Ông Bạch Ngọc Chiến: Tôi không giàu có khi từ chức, khởi nghiệp để mưu sinh - 3

Ban đầu tôi dự định làm cho công ty nước ngoài, nhất là của Mỹ. Tôi từng đảm nhiệm vị trí Tùy viên Báo chí tại Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ, quen biết khá nhiều bạn bè, đối tác trong lĩnh vực giáo dục và thương mại Việt - Mỹ. Giai đoạn tôi rời khỏi khu vực công cũng là thời điểm một số tập đoàn lớn của Mỹ bắt đầu tính chuyện mở văn phòng ở Việt Nam. Mức lương làm cho các hãng này chắc chắn rất hấp dẫn, có thể lên đến hàng chục nghìn đô la mỗi tháng. Lúc đó tôi đã nộp đơn vào vị trí đại diện cho một tập đoàn Mỹ.

Tuy nhiên, một người bạn là luật sư khuyên tôi rằng, nếu đi làm cho công ty nước ngoài, tôi chỉ phát huy được một sở trường. Trái lại, nếu tôi làm việc cho công ty trong nước, tôi có thể tận dụng nhiều thế mạnh khác nhau của mình. Lời khuyên đó khiến tôi cân nhắc, và cuối cùng quyết định chọn làm việc cho một tổ chức giáo dục của Việt Nam để vừa phát huy tối đa năng lực cá nhân, vừa có thể tạo ra những ảnh hưởng xã hội tích cực. Mức lương công ty này trả là 180 triệu đồng/tháng chưa kể các đãi ngộ khác. Hai năm qua, tôi chuyển sang khởi nghiệp với công ty Vovinam Digital, ở công ty khởi nghiệp vì chưa có doanh thu nên tôi chỉ nhận 30% lương.

Khi nhận lời khuyên của người bạn kể trên, ông đã quyết định rằng đâu là thế mạnh lớn nhất của ông?

- Tôi nghĩ lợi thế lớn nhất của mình chính là tiếng Anh, và tôi phải phát huy ngay. Suốt nhiều năm làm việc, tôi thường xuyên sử dụng tiếng Anh. Quan trọng hơn, tôi tâm niệm rằng nhờ có ngoại ngữ, tôi đã tiến bộ rất nhiều trong cuộc sống. Tôi muốn giúp trẻ em cũng có được công cụ hữu ích này.

Gia đình tôi ở một làng thuần nông gần trung tâm Hà Nội, hiện khu vực này đã đô thị hóa rất mạnh mẽ, tuy nhiên trước đây vì là làng quê nên thanh niên lớn lên đa phần loanh quanh với bờ ao, ruộng lúa.

Ông Bạch Ngọc Chiến: Tôi không giàu có khi từ chức, khởi nghiệp để mưu sinh - 5

Nhờ học hành và biết ngoại ngữ, tôi làm giàu tri thức và mở mang đầu óc, tầm nhìn của mình, đạt được một số thành tựu ban đầu, được công tác ở nhiều cơ quan trung ương và đi ra nước ngoài. Nhiều bạn bè của tôi vẫn gắn bó với làng quê, song có thu nhập cao hơn tôi nhờ đất đai trong làng tăng giá. Tuy nhiên, họ thường bảo: "Tiền ông có thể ít hơn, nhưng ông sang hơn chúng tôi vì ông có học". Câu nói đó thôi thúc tôi muốn tạo cơ hội cho trẻ em, để các cháu vừa giàu, vừa "sang" hơn nhờ kiến thức.

Đây là lý do khi nghỉ việc nhà nước, tôi chọn tham gia một tập đoàn giáo dục tư nhân và đóng góp một số sáng kiến, đặc biệt là mô hình dạy tiếng Anh kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.

Ông định nghĩa như thế nào là giàu và như thế nào là sang?

- Tôi quan niệm cái "sang" nằm ở sự giàu có về tri thức. Khi còn trẻ, tôi cũng khát khao được chú ý và công nhận, nhưng không muốn xây dựng sự tự tin chỉ bằng những vật bên ngoài như quần áo hàng hiệu, xe cộ đắt tiền. Theo tôi, giá trị bền vững xuất phát từ kiến thức và trí tuệ, bởi những món đồ xa xỉ cuối cùng cũng cũ đi, trong khi tri thức luôn có thể phát huy, thậm chí trở thành di sản khi ta không còn nữa.

Năm 1995, tôi làm hướng dẫn du lịch với thu nhập trung bình khoảng 1.000 USD/tháng — tương đương gần 4 cây vàng thời bấy giờ, trong khi lương công chức chỉ khoảng 25 USD. Có lúc tôi được mời vào một công ty vận tải biển với mức thu nhập 3.000-4.000 USD/tháng, nhưng sau vài ngày, tôi nhận ra mình không phù hợp với công việc chỉ chú trọng đến "miếng cơm manh áo". Thay vì kiếm nhiều tiền sớm, tôi muốn làm điều gì đó "to tát" và có ý nghĩa hơn cho xã hội.

Vì thế, năm 1996, tôi quyết định thi vào Bộ Ngoại giao, chấp nhận mức lương công chức chưa đến 30 USD/tháng. Tôi cũng muốn thử sức ở ngành ngoại giao - "thánh địa" vốn được coi là thường chỉ dành cho những con em trong ngành. Sau này, khi từ Bộ Ngoại giao chuyển sang Đài truyền hình Việt Nam, tôi tiếp tục xác định mục tiêu lan tỏa thông tin hữu ích, tích cực đến càng nhiều người càng tốt.

Ông Bạch Ngọc Chiến: Tôi không giàu có khi từ chức, khởi nghiệp để mưu sinh - 8

Cuối cùng, tôi nhận ra quy luật tự nhiên: khi mình tạo ra giá trị tốt cho xã hội, chắc chắn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Tôi hài lòng với con đường đã chọn và tin rằng "cái sang" lớn nhất chính là trí tuệ. Hiện nay tôi không phải người giàu có, nhưng tôi cũng không phải là người nghèo, điều quan trọng là tôi nghĩ rằng mình sống đàng hoàng. Nhờ theo đuổi tri thức và những công việc có ý nghĩa, tôi vẫn có được cuộc sống đủ đầy, lại thêm niềm vui vì biết mình đang đóng góp cho cộng đồng.

Có lẽ quan niệm "cái sang" nằm ở sự giàu có về tri thức và đóng góp cho xã hội đã phần nào định hình cuộc đời của ông. Có lúc nào đó ông nghĩ rằng nếu ông chọn con đường khác thì sẽ tốt hơn, chẳng hạn như tích lũy được nhiều tài sản hơn?

- Tôi không bao giờ hối tiếc vì mình đã bỏ qua một cơ hội nào đó có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Không bao giờ tôi tự nói với bản thân rằng giá như mình ở lại công ty này, công ty kia thì bây giờ mình đã là triệu phú hay tỷ phú đô la.

Thật ra các cơ hội kiếm tiền của tôi càng về sau lại càng lớn hơn. Cách đây 30 năm, mức lương 3-4 nghìn đôla/tháng thực sự lớn, nhưng cơ hội của tôi về sau còn rộng mở hơn. Thậm chí, từng có giai đoạn bố vợ tôi là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Nếu tận dụng lợi thế "vay mượn" ấy, có lẽ tôi sẽ có một số cơ hội kiếm tiền. Nhưng tôi chọn con đường tự tạo lợi thế của riêng mình mà không tận dụng các lợi thế vay mượn.

Ông Bạch Ngọc Chiến: Tôi không giàu có khi từ chức, khởi nghiệp để mưu sinh - 9

Khi đang được tín nhiệm tại Bộ Ngoại giao, tôi quyết định chuyển sang Đài Truyền hình Việt Nam. Cả hai bên gia đình đều phản đối, vì ai cũng nghĩ tôi "trèo cây sắp đến ngày hái quả", tại sao lại từ bỏ? Song suy nghĩ của tôi là cần khám phá lĩnh vực mới, tích lũy thêm tri thức và trải nghiệm. Chính vì vậy, tôi quyết định chuyển từ một công việc đang thuận lợi sang một công việc hoàn toàn mới và đầy thách thức. Đương đầu và vượt qua được khó khăn giúp tôi tự tin hơn thay vì bám lấy những gì sẵn có.

Ông Bạch Ngọc Chiến: Tôi không giàu có khi từ chức, khởi nghiệp để mưu sinh - 12

Trở lại với câu chuyện khởi nghiệp của ông, lý do ông chọn tiếng Anh thì rõ rồi vì đó là thế mạnh của ông, còn tại sao là Vovinam?

- Tôi có duyên với Vovinam từ năm 2007, khi tham gia Ban vận động thành lập Liên đoàn Vovinam thành phố Hà Nội. Đến nay, sau nhiều năm gắn bó, tôi quyết định dành toàn thời gian để góp phần tạo những thay đổi mang tính thực chất cho môn phái.

Vovinam do Võ sư Nguyễn Lộc sáng lập năm 1938, khi ông mới 26 tuổi. Điều đặc biệt là ngay từ đầu, ông đặt tên môn phái là "Vovinam" - viết tắt của "Võ Việt Nam" - thể hiện khát vọng vươn tầm thế giới và mong muốn đây sẽ là môn võ mang bản sắc Việt Nam. Những thế hệ kế tục ông đã phát triển Vovinam thành một "cách mạng về tâm - thân", rèn luyện thể chất lẫn tinh thần để con người cường tráng, mạnh mẽ, bảo vệ công lý, chống lại cường quyền; từ đó hình thành khái niệm "Nhân võ đạo" - một triết lý sống không chỉ cho người Việt.

Từ xuất phát điểm ở Hà Nội, Vovinam lan rộng khắp cả nước, rồi tiếp tục vươn ra thế giới sau năm 1975. Tính đến nay, môn phái đã hiện diện tại 73 quốc gia và vùng lãnh thổ, ước tính hơn 2 triệu người tập luyện. Vovinam cũng là môn võ - môn thể thao của Việt Nam có quy mô toàn cầu lớn nhất, với hệ thống tổ chức chặt chẽ: Liên đoàn Vovinam các tỉnh, thành phố trong nước, Liên đoàn Vovinam Việt Nam, Liên đoàn Vovinam Thế giới và các Liên đoàn châu lục. Hiện có 53 Liên đoàn quốc gia là thành viên chính thức.

Ông Bạch Ngọc Chiến: Tôi không giàu có khi từ chức, khởi nghiệp để mưu sinh - 13

Đáng chú ý, Vovinam hoạt động dưới hình thức một tổ chức xã hội (phi lợi nhuận), hoàn toàn tự chủ về tài chính. Khi tham gia thành lập Liên đoàn Vovinam thành phố Hà Nội, tôi nhận ra môn phái có khả năng tự tạo nguồn thu bền vững, thay vì chỉ dựa vào tài trợ cá nhân. Tôi đã trình bày kế hoạch kinh doanh với anh Mai Hữu Tín - Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của anh.

Anh Tín đã cam kết dành một phần tài sản của mình cho Vovinam, nhưng anh đồng ý với tôi rằng môn phái cần những nguồn lực xã hội ổn định và dài hạn để phát triển.

Mục tiêu của chúng tôi là duy trì cốt lõi truyền thống, đồng thời nâng tầm Vovinam thành môn võ toàn cầu, có thể góp mặt ở đấu trường Olympic. Thông qua đó, Vovinam không chỉ mang đến lợi ích thể chất, tinh thần, mà còn quảng bá mạnh mẽ bản sắc Việt Nam ra thế giới.

Ông đã trải qua nhiều công việc khác nhau từ bộ máy nhà nước cho đến khu vực tư nhân và hiện nay là một người khởi nghiệp. Với tất cả trải nghiệm của mình, ông thấy khởi nghiệp ở Việt Nam dễ hay khó so với những công việc mà ông đã từng trải qua?

- Khởi nghiệp không bao giờ là việc dễ dàng. Trước đây, tôi đưa ra quyết định rất mạnh mẽ và dứt khoát trong công việc, nhưng đó là lúc tôi sử dụng tiền của người khác. Còn bây giờ, mọi thứ đều phải chi từ tiền túi của tôi và cổ đông, nên trách nhiệm cao hơn rất nhiều. Ví dụ, ngay năm thứ hai khởi nghiệp này, chúng tôi vẫn "đốt tiền" theo quy luật chung của các công ty khởi nghiệp công nghệ.

Trước Tết vừa qua, tôi phải đôn đáo lo tiền lương, tiền thưởng Tết cho anh em. Chính lúc đó, tôi mới thấm thía nỗi khó khăn của việc kinh doanh bằng chính tiền của mình.

Về thủ tục hành chính, cá nhân tôi chưa vấp phải vướng mắc gì lớn. Tuy nhiên, khởi nghiệp ở Việt Nam thường đối mặt với những khó khăn chung về môi trường kinh doanh và thị trường. Thứ nhất, mặc dù Việt Nam đông dân, song thị trường khó tiếp cận vì chịu cạnh tranh quyết liệt từ hàng hóa ngoại nhập, nhất là hàng Trung Quốc. Không chỉ về sản phẩm vật chất mà cả các sản phẩm trí tuệ trong ngành giáo dục - từ phần mềm đến chương trình, học liệu số - nhiều khi cũng bị hàng ngoại lấn át.

Hiện nay, sản phẩm giáo dục từ Trung Quốc, Singapore tràn vào Việt Nam với giá rẻ, làm các công ty trong nước khó cạnh tranh và dễ trở thành "gia công" phụ thuộc. Công ty tôi đang theo hướng "tự lực" và phát triển các giải pháp, sản phẩm công nghệ của riêng mình, nhưng tôi hiểu rằng khởi nghiệp ở Việt Nam, dù trong ngành nào, cũng không hề đơn giản.

Ngay cả lĩnh vực được xem là thế mạnh của tôi, ví dụ như Vovinam, vẫn gặp thách thức. Thay đổi tập quán, thói quen và cách nghĩ của người tiêu dùng đã khó, mà thay đổi suy nghĩ của chính đội ngũ, đồng nghiệp của mình để họ chấp nhận cái mới còn khó hơn.

Ông cảm thấy mình thích hợp với môi trường nào hơn, công sở hay công ty khởi nghiệp?

- Tôi thích hợp với môi trường của nhân dân (cười). Thật ra tôi cho rằng chúng ta không nên nghĩ rằng mình chỉ phù hợp với môi trường này, không phù hợp với môi trường kia, mà quan trọng nhất là mình có khả năng thích ứng. Hôm nay ta còn làm việc, nhưng ngày mai bộ máy tinh giản, ta có thể mất việc. Vấn đề không phải ta phù hợp ở đâu, mà là có thích ứng được hay không.

Thực tế ở Mỹ, tôi từng thấy nhiều người hôm trước còn là giám đốc, đi máy bay riêng, hôm sau đã phải đứng đường xin giúp đỡ vì bị sa thải. Sự thay đổi ấy chắc chắn cũng sẽ diễn ra ở Việt Nam. Vì thế, trước đây khi còn công tác trong bộ máy nhà nước, tôi luôn nhắc đồng nghiệp (và chính mình) phải nghĩ đến phương án dự phòng, tìm cách chuẩn bị các kỹ năng cần thiết. Nếu ngày mai không còn làm công chức, ta vẫn có thể mưu sinh. Bản thân tôi từng nói đùa rằng, ra đường bơm xe hay đi đánh vữa, tôi cũng sẽ làm tốt, vì tôi luôn sẵn sàng học hỏi và thích ứng.

Trong cuộc sống, có những khúc quanh rất khốc liệt, nhất là trong môi trường chính trị, mọi thứ có thể thay đổi chỉ sau một đêm. Chuẩn bị phương án dự phòng ở đây không phải là lo chạy chọt, mà là trang bị kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, kiến thức chuyên môn - những thứ giúp ta sống tốt dù ở hoàn cảnh nào.

Ông Bạch Ngọc Chiến: Tôi không giàu có khi từ chức, khởi nghiệp để mưu sinh - 16
Ông Bạch Ngọc Chiến: Tôi không giàu có khi từ chức, khởi nghiệp để mưu sinh - 18

Ông vừa nói đến hai chữ thích ứng, đó là ở góc độ cá nhân mỗi người. Nhìn tổng quan thị trường lao động, ở nhiều nước việc "vào, ra, lên, xuống" rất linh hoạt, ví dụ một người hôm nay là bộ trưởng ngày mai có thể là giáo sư đại học, tổng giám đốc tập đoàn tư nhân và ngược lại. Còn ở ta thì không dễ dàng như vậy, nhất là một người ở khu vực tư thường rất khó để "chen ngang" tham gia quản lý nhà nước. Ông nghĩ sao?

- Chúng ta là một phần của thế giới, không thể tách rời khỏi các quy luật toàn cầu. Thực tế, nhiều điều ở Việt Nam trước đây tưởng chừng không thể có, nay đã trở thành bình thường nhờ quá trình hội nhập. Chẳng hạn, 20 năm trước, tôi từng ước ao khi ở Mỹ rằng bao giờ Việt Nam mới có hệ thống đường cao tốc hiện đại, bao giờ mới dùng được thẻ tín dụng… Và giờ, tất cả đều đã xuất hiện.

Việc tiếp thu những thông lệ tốt của thế giới mang lại lợi ích cho đất nước. Những cải cách gần đây về tinh gọn bộ máy, cắt giảm chi tiêu công… đều phù hợp xu thế chung. Chuyện một người hôm nay làm trong bộ máy nhà nước, mai chuyển sang khu vực tư, rồi ngày kia quay lại hoạt động chính trị cũng là điều bình thường và sẽ xảy ra ở Việt Nam - bởi đó là quy luật chung.

Thực tế, thời phong kiến, không hiếm quan đại thần xin từ quan về quê dạy học, rồi được vua đời sau mời quay lại triều đình.

Nhìn ra thế giới, ta cũng thấy những cựu thủ tướng hay bộ trưởng sẵn sàng trở lại chính trường ở vai trò khác. Đây là xu hướng tự nhiên, thúc đẩy sự phát triển ở cả cấp độ cá nhân, tổ chức lẫn quốc gia, dân tộc. Chỉ khi chấp nhận và áp dụng những thực tiễn tốt, chúng ta mới có thể tiến xa hơn.

Cá nhân ông thì sao, ví dụ bây giờ có một cơ hội nào đó để ông tham gia trở lại vào khu vực công thì ông có sẵn sàng không?

Ông Bạch Ngọc Chiến: Tôi không giàu có khi từ chức, khởi nghiệp để mưu sinh - 20

- Tính "phù hợp" là yếu tố vô cùng quan trọng khi tham gia chính trị. Người ta thường hay bàn tán "ông ấy như thế này, như thế kia mà lại được bổ nhiệm vào vị trí cao", nhưng rốt cuộc, chính trị cần sự phù hợp hơn là chỉ tài năng hay kiến thức.

Bản thân tôi nhận thấy mình không phù hợp vào thời điểm và bối cảnh nhất định, nên quyết định rút lui. Dù ai xuất chúng đến đâu cũng phải tuân theo quy luật: cuộc sống ngắn ngủi, nên tốt nhất là tập trung vào việc làm có ý nghĩa và mang lại ảnh hưởng tích cực cho xã hội trong lĩnh vực mình thấy phù hợp.

Đó chính là nguyên tắc sống của tôi. Tôi chỉ làm những gì giúp tôi cống hiến cho cộng đồng, còn nếu chỉ để thỏa mãn danh vọng hay vật chất, tôi không quan tâm. Bởi đến tuổi này, tôi không còn hứng thú với những ảo tưởng hão huyền.

Như vậy trước đây ông từ chức, rời khỏi khu vực nhà nước cũng là vì thấy mình không phù hợp với bối cảnh cụ thể lúc đó?

- Tôi vẫn còn nhớ rõ ngày 27/2/2020, khi đang là Phó chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tôi làm "đơn xin từ chức và thôi việc", gửi tới các cấp có thẩm quyền xem xét. Tôi tự thấy khả năng đáp ứng và thích ứng với yêu cầu công việc ở cấp độ cao hơn đã đến giới hạn và cũng không thấy có triển vọng phát triển hơn nữa. Quyết định này được cân nhắc kỹ từ sau khi tôi biết mình đã không có trong danh sách giới thiệu vào Trung ương khóa XII (2016-2021). Tôi hiểu mình chưa hội đủ các điều kiện và phẩm chất để được tổ chức lựa chọn và tôi cũng không muốn "vận động" để được lựa chọn.

Ông Bạch Ngọc Chiến: Tôi không giàu có khi từ chức, khởi nghiệp để mưu sinh - 22

Trước đó, sau khi đi luân chuyển và giữ vị trí Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định từ 7/2019 đến 6/2020, tôi được thông báo sẽ trở lại Hà Nội để giữ một vị trí lãnh đạo, song cách sắp xếp công việc lại thiếu nhất quán. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận lời vì không muốn ảnh hưởng đến quy hoạch cán bộ ở Nam Định, và trên hết là tôi vẫn nhìn thấy rất nhiều cơ hội cho "ngoại giao nhân dân" ở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Tuy nhiên, khi tôi trình bày ý tưởng của mình với cấp trên thì không nhận được sự ủng hộ. Đó là giọt nước tràn ly khiến tôi quyết định dứt khoát.

Thật ra tôi không bi quan. Cuộc đời hữu hạn, nên không cần lãng phí thời gian vào những điều mang lại căng thẳng, lại không giải quyết được gì. Tôi chọn sống vui vẻ, dành thời gian cho những việc có thể tạo ra giá trị và ý nghĩa tốt đẹp hơn.

Xin hỏi thật là thời gian đầu sau khi từ chức, ông có hụt hẫng không?

- Tôi buồn chứ, buồn đến mấy năm liền, nhưng không hề tiếc. Anh thử hình dung: tôi từng hy sinh nhiều cơ hội lớn về thu nhập để tham gia công việc trong khu vực công. Trước khi vào Bộ Ngoại giao (năm 1996), thu nhập của tôi khoảng 11 triệu đồng/tháng, tương đương 4 cây vàng thời bấy giờ. Khi nghỉ làm nhà nước, mức lương của tôi còn chưa nổi 11 triệu đồng, chẳng mua nổi 2 chỉ vàng. Thế nên rõ ràng tôi không chọn con đường này vì tiền, mà vì muốn cống hiến. Tôi thấy, nếu mong muốn dấn thân, tận hiến mà không được trân trọng, ta có quyền rời đi. Chẳng có gì sai cả.

Ông Bạch Ngọc Chiến: Tôi không giàu có khi từ chức, khởi nghiệp để mưu sinh - 23

Với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay, dự kiến cả trăm nghìn cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị ảnh hưởng sau nhiều năm gắn bó với công việc nhà nước. Ông nhìn nhận điều này như thế nào?

- Với tư cách công dân và doanh nhân, tôi rất ủng hộ đợt tinh giản bộ máy lần này. Kinh nghiệm quản lý ở địa phương cho thấy, việc sáp nhập một số cơ quan như Kế hoạch và Tài chính giúp giảm bớt thủ tục, tiết kiệm thời gian, nguồn lực cho doanh nghiệp rất nhiều.

Bộ máy cồng kềnh thường sinh ra vô số thủ tục nhằm duy trì lý do tồn tại; do đó, việc cắt giảm những khâu không cần thiết là điều đúng đắn, không chỉ vì giảm được 100.000 biên chế, mà quan trọng hơn là giảm đáng kể gánh nặng thủ tục cho người dân và doanh nghiệp, giúp tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Tinh gọn bộ máy, dù đau đớn, vẫn tốt hơn kéo dài tình trạng kém hiệu quả, để thế hệ tương lai phải gánh nợ. Cuộc sống sòng phẳng ở chỗ: nếu chúng ta để lại một di sản tốt, con cháu sẽ ghi ơn; ngược lại, nếu để lại gánh nặng, họ có quyền trách chúng ta vô trách nhiệm.

Ông Bạch Ngọc Chiến: Tôi không giàu có khi từ chức, khởi nghiệp để mưu sinh - 26

Nhiều ý kiến cho rằng trong giai đoạn hiện nay rất cần "bàn tay" điều tiết của nhà nước để thị trường lao động vận hành trơn tru, tận dụng tối đa nguồn nhân lực từ khu vực công sang tư. Ở góc độ chính sách, theo ông đâu là những việc nên làm?

- Tổng Bí thư Tô Lâm có nói một ý rất hay, tôi xin dẫn lại:

"Chúng ta đã nói rất nhiều về việc chuẩn bị "tổ" cho "đại bàng", điều này rất đúng, rất nên làm. Nhưng tại sao chúng ta ít đề cập tới kế hoạch chuẩn bị những "cánh rừng", những "cánh đồng" cho các "đàn ong" lấy hoa làm mật?

Tại sao chúng ta chưa đưa ra các chỉ tiêu tạo ra việc làm mới cho từng giai đoạn, cho từng lĩnh vực? Giai đoạn tới sẽ có khoảng 100.000 lao động rời khỏi khu vực nhà nước do tác động của tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và 100.000 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Vậy Chính phủ có chính sách gì để khu vực ngoài nhà nước có thể tiếp nhận một phần trong số đó? Chính sách gì để phát triển thị trường lao động, thị trường việc làm?".

Từ phát biểu trên của Tổng Bí thư, chúng ta có thể thấy rằng nên nhìn vấn đề rộng hơn là chỉ tập trung "lo" cho 100.000 lao động bị ảnh hưởng.

Việc tinh gọn bộ máy nói chung, tinh giản 100.000 biên chế nói riêng sẽ giúp tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, giảm bớt thủ tục hành chính, từ đó kích thích doanh nghiệp phát triển, tạo thêm việc làm cho xã hội.

Khi môi trường kinh doanh được cải thiện, lợi ích không chỉ dành cho 100.000 người bị tinh giản, mà cho hàng triệu người mới bước vào thị trường lao động hằng năm.

Điều cốt lõi để tạo ra "thể chế dung hợp" (theo quan điểm của nhà kinh tế Acemoglu) là xây dựng được hành lang pháp lý, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, cạnh tranh công bằng. Hiện nay, nhiều tín hiệu cho thấy chúng ta đang dần chuyển theo hướng tạo dựng thể chế dung hợp, qua đó khai mở nhiều cơ hội cho người dân và doanh nghiệp.

Hy vọng những đổi mới này, bao gồm cả tinh gọn bộ máy, sẽ sớm phát huy hiệu quả, góp phần giúp kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nội dung: Võ Văn Thành

Ảnh: Thành Đông

Video: Phạm Tiến, Tiến Tuấn

Thiết kế: Patrick Nguyễn