1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:

“Tôi không có nguyện vọng trở thành triệu phú USD”

(Dân trí) - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là gương mặt quen thuộc với báo chí. Giọng nói nhẹ nhàng nhưng quyết liệt. Tâm sự về những cơ hội “thăng tiến” khi còn đương chức, bà cho biết đã từng nhận được đề nghị về một vị trí “VIP” ở cấp bộ, nhưng bà… lắc đầu.

Giọng nói nhẹ nhàng, nhưng hàm chứa sự quyết liệt của nữ chuyên gia có dáng người nhỏ bé này luôn mang đến nhiều sức hút với người nghe. Những đánh giá, bình luận, những thành công ở góc độ chuyên môn khiến không ít người ngộ nhận bà là GS, TS, trong khi thực tế bà chỉ có tấm bằng… đại học.

Chuyên gia giỏi chưa chắc đã kinh doanh giỏi

Gần đây, các doanh nghiệp có xu hướng săn tìm những người từng đảm nhận những vị trí nhất định trong các cơ quan nhà nước đã nghỉ hưu về làm việc cho họ. Bà có nhận được nhiều những lời mời như vậy?

Tôi cũng có nhiều lời mời từ phía các hiệp hội nhưng tôi nói thật với họ là không nhận làm nữa. Lý do chính là tôi đã làm việc gần như cả cuộc đời với hiệp hội rồi (37 năm ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức lớn nhất của doanh nghiệp), giờ tôi cũng không muốn gắn trực tiếp vào một hiệp hội nào nữa.

Các doanh nghiệp họ cũng mời nhưng tôi thường nói mục đích của tôi là phục vụ cộng đồng và tôi đã theo đuổi chí hướng này cả đời rồi. Bây giờ về hưu, nếu vẫn còn sức, còn khả năng mà cộng đồng còn có nhu cầu, tôi sẽ làm việc tiếp cho cộng đồng chứ không muốn phục vụ đơn lẻ một đơn vị nào.

Suốt nhiều năm bà chỉ làm công việc liên quan đến doanh nghiệp và giờ đây bà vẫn "tảng lờ" lời mời trực tiếp làm kinh doanh. Liệu có phải bà "ngại"... giàu?

Tôi không ngại. Ai chẳng mong muốn được giàu có, nhưng với tôi, có lẽ đấy không phải là mục tiêu số 1. Với công việc hiện tại, tôi tiếp tục được trao đổi, học hỏi qua các kênh khác nhau, hoặc trực tiếp qua các cuộc thảo luận hoặc qua tài liệu mới để làm giàu thêm trí óc cho mình và rồi lại chia sẻ với mọi người. Khi chia sẻ đi kiến thức, tôi lại nhận về được hơn rất nhiều những gì mình học tập, thu lượm được.

Với tôi, cái giàu đó quan trọng nhất. Còn về kinh tế, thực ra với lương hưu và việc làm thêm cũng có ít nhiều thu nhập thì tôi cũng thấy đầy đủ. Tôi không có nguyện vọng phải thật giàu có, thành đại gia hay thành triệu phú đô la... (cười).

Nếu cứ đặt ra tình huống làm việc trực tiếp ở doanh nghiệp bà sẽ chọn vị trí đứng mũi chịu sào hay vị trí đứng ẩn đằng sau?

Nếu từ đầu chọn con đường doanh nghiệp tôi sẽ chọn vị trí đứng mũi chịu sào. Mình ẩn đằng sau khi trước mình là cả một cộng đồng rộng lớn, còn khi là một doanh nghiệp thì mình phải đứng ra gánh vác chứ không nên đẩy cho người khác đứng ra gánh thay cho mình.

Ở góc độ của một chuyên gia, bà đã được thừa nhận và có thể nói cũng rất nổi tiếng. Nhưng liệu trực tiếp làm kinh tế, bà có thể trở thành nhà kinh doanh giỏi?

Tôi nghĩ là… chưa chắc. Chuyên gia trong lĩnh vực này, lĩnh vực khác với một nhà kinh doanh giỏi là 2 khái niệm khác nhau. Chưa chắc những người làm quản lý nhà nước giỏi có thể ra làm doanh nhân giỏi và ngược lại. Hai lĩnh vực rất gắn kết nhau nhưng lại có sự khác nhau về cách tiếp cận cũng như những đòi hỏi về tố chất và năng lực của công việc.

Làm dữ, có khi mình bay ra khỏi hệ thống trước

Có người cho rằng, khả năng cũng như danh tiếng của bà "lớn" hơn vị trí bà đảm nhận trước đây, tức Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Là người trong cuộc bà nói gì?

Tôi có cảm nhận là nhiều người mong muốn ở mình nhiều hơn, đòi hỏi ở mình nhiều hơn, trong khi đó tôi luôn nói năng lực của tôi có hạn, khả năng giải quyết vấn đề có hạn. Với lại, tất cả phải đặt trong một khuôn khổ chung của một cơ quan, tổ chức nào đó.

Nói thực lòng, trong suốt quá trình công tác có bao giờ bà mong muốn một vị trí nào đó cao hơn?

Thực tình mà nói tôi không bao giờ thích vị trí cao hơn theo cách là vị trí trong bộ máy chính quyền, bộ máy quyền lực. Trước đây cũng đã có lần một vị lãnh đạo hỏi ý kiến muốn đưa tôi về một bộ để giữ một vị trí nhất định, nhưng tôi từ chối. Tôi bảo cho tôi ở đây với cộng đồng, tôi đóng góp được nhiều hơn.

Đó là năm nào, thưa bà?

Khoảng những năm 1996, 1997, tức là lúc chúng ta bắt đầu quá trình đàm phán nhiều với bên ngoài; Chính phủ cũng đã có ý định điều tôi về để đi đảm nhiệm công việc đàm phán. Nhưng tôi không nhận vì cảm thấy mình làm ở phòng Thương mại và Công nghiệp quen thuộc hơn, đóng góp được nhiều hơn và với tôi, ở đó có biết bao nhiêu thứ để làm.

“Tôi không có nguyện vọng trở thành triệu phú USD” - 1
 "Đối với tôi chức vụ không thành vấn đề" (Ảnh: Người đô thị)

"Tò mò" một chút, chức đó có to không, thưa bà?

Như tôi nói, đối với tôi chức vụ không thành vấn đề, có đưa cho tôi chức vụ nào thì không quan trọng bằng công việc đó mình có thích hay không. Mình phải yêu thích công việc, phù hợp với tiêu chuẩn công việc mới có thể làm được.

Nhưng nếu được đề nghị "đặt" vào ghế Bộ trưởng, bà có cân nhắc hơn không?

Kể cả vị trí đó tôi cũng vẫn từ chối. Thực tình mà nói, ghế Bộ trưởng là ghế rất nóng từ trước đến nay chứ. Quyền lực bên ngoài thì có vẻ oai phong đấy... Nhưng lúc bấy giờ tôi cũng nói đùa với vị lãnh đạo cấp cao hỏi tôi, cho về làm việc như thế có cho quyền quyết định không? Chẳng hạn như biết có những cán bộ hay làm bậy, hay quấy rối, quấy phá doanh nghiệp có cho tôi quyền đuổi hay không? Ông ấy trả lời... Cũng khó đấy. Đấy, nói như thế thì quyền mình chưa có được. Tôi cũng nói thẳng, tôi làm việc với doanh nghiệp, người ta nói bao nhiêu những khúc mắc, mình biết hẳn hoi. Bây giờ về rồi mà vẫn cứ chấp nhận tình trạng đó thì mặt mũi nào ăn nói với doanh nghiệp. Đó là lí do đầu tiên tôi không nhận lời...

Nếu về đảm nhận vị trí tại bộ, liệu bà có đuổi thật những người đó?

Đúng là không thể làm việc với những người đang quấy rối, làm khó, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Nhưng mình làm dữ thì có khi mình bay ra khỏi hệ thống trước khi người ta bay đi vì nhiều cái đã thành hệ thống rồi, không đơn giản xử lí được. Có lẽ bây giờ các vị lãnh đạo các bộ nhiều khi vẫn bị đau đầu vì bộ máy của mình, biết là có vấn đề, nhưng không phải ai cũng xử lí được. Nó đòi hỏi một cách làm rất phức tạp.

Nếu vì hình thức, họ không mời tôi

Một lần bà từng phát biểu "Bằng cấp chỉ là một thứ son phấn". Trong suốt quá trình công tác cũng như sau này, hẳn cũng có nhiều người thắc mắc bà về chuyện "son phấn"?

Tôi nói bằng cấp chỉ là một thứ son phấn là khi được hỏi về nữ doanh nhân. Tôi đã nói: "Học vấn, kiến thức, kỹ năng mới là quan trọng, chứ nếu chỉ học để lấy bằng cấp thì bằng cấp đó chỉ là một thứ son phấn". Không phải là tôi muốn bác bỏ lại hết các thứ bằng cấp mà muốn nói học hành bao giờ cũng là quan trọng, với bất cứ ai. Còn trong công việc của tôi thì cũng có khi người ta ngộ nhận, người ta tưởng tôi có bằng này bằng khác, thạc sỹ, tiến sỹ hay giáo sư... bao giờ tôi cũng phải cải chính ngay là mình chỉ tốt nghiệp đại học, không có bằng gì khác.

Theo tôi, xã hội này là một xã hội tri thức, có thể nói kiến thức nhiều kinh khủng và cũng thay đổi rất nhiều. Quan trọng nhất là một người, dù có bằng cấp nào có cập nhật, có nâng được tầm kiến thức của mình lên liên tục mới làm việc tốt được, chứ không chỉ ở cái bằng không thôi.

Cứ cho bằng cấp là một thứ “son phấn” đi nữa thì vai trò của nó cũng rất quan trọng, vì thực tế son phấn cũng có đóng góp rất lớn với phụ nữ và ngay cả bà khi xuất hiện trên truyền hình cũng trang điểm chút đỉnh?

(Cười)... Ra trước công chúng mình có một chút son phấn là thể hiện sự tôn trọng của mình với mọi người chứ không phải một thứ giả dối. Nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất khi người ta mời tôi tham gia một chương trình này khác thì không phải vì hình thức của tôi. Nếu muốn chọn người hình thức, người ta tìm những cô hoa hậu, người mẫu... chứ không phải tìm một người như tôi, nhỏ bé và hình thức rất bình thường.

Con trai bà cũng có bằng cấp cao chứ?

Con tôi sau khi học đại học xong, làm việc thực tế mấy năm có đi thi và được học bổng để đi học một chương trình thạc sỹ về quản trị kinh doanh. Sau khi học xong về cũng làm đúng ngành kinh doanh của mình. Khi đó, có người cũng đặt vấn đề hỏi cháu sao không đi học tiếp để lấy bằng tiến sỹ vì đang sẵn ở nước ngoài rồi thì cháu có nói làm kinh doanh chỉ cần trình độ thạc sỹ để làm việc. Còn tiến sỹ là để cho việc nghiên cứu, giảng dạy, cháu không đi vào ngạch đó nên cũng không học để lấy bằng tiến sỹ.

Vấn đề bằng cấp xem ra chỉ phức tạp và đáng nói trong bối cảnh ở nước ta hiện nay?

Đúng vậy! Bằng cấp chỉ quan trọng khi nó là bằng cấp thật, trong khi ở ta quá nhiều người có bằng cấp này nọ nhưng thực lực không tương xứng. Bằng học ở bậc cao như thạc sỹ, tiến sỹ thời gian vừa qua, tương đối "rộng rãi", không có giá trị thực học, không mang lại thực chất bao nhiêu. Ngay cả mục tiêu lúc này Bộ GD-ĐT đưa ra là đào tạo 20.000 tiến sỹ, nhưng nếu cách thức như thời gian vừa rồi thì số lượng đó cũng không giúp cho bậc đại học hay các ngành nghiên cứu của Việt Nam phát triển được.

Xin cảm ơn bà!

Cấn Cường - Phương Thảo
(Thực hiện)