1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Tôi đi gọi hồn

Nằm khuất trong một căn hẻm nhỏ, hàng ngày tại căn nhà số 13/4C tổ 5, ấp Xuân Thới Đông 1, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn diễn ra các hoạt động xem bói, chữa bệnh, cầu duyên cho đến gọi hồn...

Trong một khu đất khá rộng, nhà cô Sương, còn gọi là Cậu (tên thường gọi của Lâm Thị Sương) chuyên hành nghề bói toán có thâm niên nghề nghiệp gần 20 năm, nằm khiêm tốn ở phía trong. Tất cả những nhà xung quanh đều là bà con nhà cô Sương phục vụ khách lui tới bằng các dịch vụ như giữ xe, bán nước giải khát và thức ăn.

Mỗi ngày nơi đây có cả trăm người tụ tập chỉ để chờ đến lượt mình được diện kiến cô Sương nhập vai “Cậu” xem bói và gọi hồn. Khách đến gọi hồn đều phải ghi tên tuổi người thân đã mất mà mình muốn gọi hồn trước đó 10 ngày để “Cậu” liên lạc trước.

Theo yêu cầu, tất cả những người muốn gọi hồn phải có mặt lúc 7h để xưng danh tánh xem hồn người thân của mình có muốn gặp hay không. Có khoảng chục người đến rất sớm để cùng ghi danh lại một lần nữa và chứng kiến cảnh cô Sương lên đồng gọi hồn về.

Cậu cầm trên tay bó nhang khấn lạy tứ phía, miệng đọc thần chú, tay cầm bút lông quơ quơ vẽ trên không trung. Tất cả khách đều quỳ lạy dưới nền gạch, mạnh ai nấy khấn tên người thân của mình. Sau 15 phút dạo đầu, Cậu không nói gì, kéo chiếc ghế nệm xoay ra ngồi trước bàn thờ, rút điếu thuốc lá hiệu Dunhill ra châm lửa hút, hai chân thò cả trên ghế, thỉnh thoảng cúi xuống gầm bàn với lấy ly nước đá uống. Mọi người im lặng ngồi xem Cậu bắt ma xem bói, còn gọi hồn thì phải chờ sau giờ ngọ mới linh.

Có khoảng hơn 30 người ngồi chờ được Cậu phán về gia đạo, mọi người im lặng chẳng ai nói với ai câu nào, khi Cậu hút vừa xong điếu thuốc cũng là lúc đã có “người cõi âm nhập vào”. Hai vợ chồng khoảng hơn 30 tuổi ôm đứa bé gái 3 tuổi rưỡi đang thiêm thiếp ngủ trên tay được mọi người đẩy tới cho gặp Cậu trước. Sau khi hỏi han bệnh tình cháu bé, Cậu phán: "Nó bị ma nhập nên la khóc hoài, nếu không “bắt” ra, nó sẽ bị hành cho đến chết. Vừa lẩm bẩm đọc thần chú, Cậu vừa cầm cây bút lông trên tay và vạch bụng đứa bé ra vẽ những hình thù quái dị trên đó. Đứa bé không chịu càng lúc càng la to, người mẹ ngồi ôm con vuốt ve một hồi như hiểu được, bé la hét ít hơn, thỉnh thoảng đưa cặp mắt hiếu kỳ nhìn mọi người và đưa tay dụi mắt vì khói nhang.

Cậu bảo: "Con ma đang bị trục ra, nhỏ này sẽ ngưng khóc ngay thôi". Cậu đưa tay lên bàn thờ lấy từ trong ly nước ra một ít nước có lợn cợn đen đổ vào trong bịch ni lông bảo người nhà về đốt lá bùa mà Cậu vừa “chú” vào đó cho thành than rồi trộn với nước này cho uống. Hai vợ chồng đứng dậy chắp hai tay lạy lấy lạy để trước bàn thờ rồi kính cẩn bỏ tiền vào trong chiếc khay bằng đồng đặt sẵn trên bàn thờ.

Người thứ hai ngồi vào ghế đối diện với Cậu là một cô gái chừng hơn 30 tuổi xin cầu duyên. Cậu phán: "Nữ đang có người cõi âm theo, người này trong giấc mơ, nữ với “nó” đã “lấy nhau” 19 năm nay rồi, bây giờ “nó” không cho nữ đi lấy chồng, muốn “thôi” được “nó” Cậu phải làm thủ tục ly dị cho nữ". Nói xong, Cậu yêu cầu cô gái cầm bó nhang trên tay khấn theo lời chỉ bảo, khấn lạy một hồi, Cậu đem nhang quơ quơ khắp trên người cô để bắt ma ra, xong Cậu với tay lấy 2 bông hồng đỏ cắm sẵn ở chiếc bình trên bàn thờ, dùng một sợi dây màu đỏ buộc 2 bông hoa lại với nhau và dặn cô gái về nhà để hoa trên bàn thờ và khấn đến khi nào hoa tàn là con ma đã thực sự đi khỏi, cô ta sẽ dễ dàng lấy được chồng.

Cứ như thế chỉ trong vòng một buổi sáng đã có khoảng 20 người được Cậu xem bói và “chữa bệnh”. Đến đúng 12 giờ trưa, chẳng ai bảo ai, mọi người tản sang nhà kế bên có bán sẵn thức ăn trưa, nghỉ chờ Cậu gọi hồn.

Chờ mòn mỏi cả buổi, bây giờ mới đến lượt những người muốn gặp người thân đã chết mượn qua xác cô Sương lên trò chuyện. Số lượng người còn lại chỉ khoảng hơn 20. Theo thông báo của Cậu thì chỉ có 4 hồn về được, còn những hồn khác không gọi được.

Mọi người lục đục kéo nhau về, chỉ những người gọi được hồn mới ở lại chờ đến lượt.

Cuối cùng cũng đến lượt tôi. Tôi vào bàn thờ và đọc tên tuổi của phụ thân mình. Vừa đọc xong có lẽ vì nghe nói giọng Bắc nên hồn cũng giả giọng Bắc: "Con ơi “bố” nhớ con lắm, “bố” lúc nào cũng “đi theo” con mà con đâu có biết". Tôi ngạc nhiên hỏi lại: "Sao ba lại xưng với con là bố?" Ngay lập tức hồn vội vàng “chữa” ngay bằng giọng Nam Bộ: "Ba ở dưới đó gặp bác Ba, bác Năm nên nói giọng Bắc", vừa nói hồn vừa đưa tay: "Con cho ba điếu thuốc". Tôi phản ứng: "Ba đâu có nghiện thuốc bao giờ?". Hồn khỏa lấp: "Ở dưới đó buồn lắm ba sinh ra nghiện thuốc, từ nay mỗi lần cúng ba con nhớ đốt cho ba điếu thuốc".

Tôi quyết liệt hơn: "Ba ơi vì sao ba chết?". "Ba bị đau con à", hồn trả lời, tay xoa liên tục vào bụng. Tôi khẳng định: "Không phải, ba bị chết vì tai nạn". Hồn làm ngơ hỏi sao "dạo này con không thắp nhang đều cho ba". Tôi tấn công tiếp: "Trước khi ba chết chừng một tháng, con và ba có đi trên đường Nguyễn Huệ, ba thích một món quà, con hứa mua tặng ba món quà ấy và khi đã có món quà, con chưa có dịp gửi về thì ba đã mất. Ngày hôm nay con có đem quà theo và để ở trong túi này, nếu đúng là ba thì ba hãy nói cho con biết đó là món gì?" Hồn vui vẻ: "Con tặng ba nhiều thứ lắm, áo nè, nón nè..." nhưng món quà mà tôi mang theo trong túi là một cây bút hiệu Paker có khắc tên ông thì hồn không nói được.

Tôi lắc đầu "không phải ba". Hồn ngớ người ra chừng vài giây rồi dùng hai tay ôm mặt miệng ụa ụa mấy tiếng như muốn nôn, mọi người xung quanh bảo: "Hồn đi rồi". Tôi đứng dậy ra về và kết luận cuộc “hội ngộ” vừa rồi là lừa đảo!

Đại úy Trần Văn Chá, Trưởng Công an xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, cho biết đã nhiều lần công an khu vực đưa cô Sương ra họp kiểm điểm trước dân, lập hồ sơ cá nhân để theo dõi, yêu cầu không được hành nghề mê tín dị đoan, nhưng cô vẫn lén lút hoạt động.

Thực tế khi phóng viên có mặt 2 lần tại khu vực này thì đều chứng kiến cảnh vài chục người đến mỗi ngày, ngày chủ nhật lên đến cả trăm người. Xem ra cô Sương công khai hành nghề chứ không phải lén lút như ông Chá nói. Một điều nực cười nữa mà ai đến cũng thấy là trong tủ kính nhà cô Sương có trưng một tấm giấy khen với nội dung: “Công nhận gia đình bà Lâm Thị Sương đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa mới”.

Theo Ngọc Mai
Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm