Tối đèn ở “trái tim thủy điện” Việt Nam
Khoảng năm 1959, những đợt vận động di dân nhường quê hương, đất đai, mồ mả, đình chùa miếu mạo cho công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam - thủy điện Thác Bà, tỉnh Yên Bái - bắt đầu. Đó là một cuộc chuyển dân kỳ vĩ, hào hùng và đẫm nước mắt luyến lưu.
Ông lão ngoài bảy mươi tuổi ở thôn Ngòi Ngần vẫn chưa một lần được sử dụng điện lưới, cho dù đã hiến nhà cửa cho thuỷ điện Thác Bà.
Nếu tính mốc là năm 1962, từ đợt người dân bỏ nhà, bỏ cửa lên rừng hoang núi thẳm chặt cây san đất đá xây dựng quê hương mới ấy, thì đến năm 2012 này, đúng vừa tròn nửa thế kỷ. 50 năm rồi, bây giờ, chúng tôi lại vẫn run rẩy, chết lặng, rơi nước mắt nghe tâm sự của đồng bào ly hương “vì dòng điện ngày mai của tổ quốc”.
Kỳ 1:
Nửa thế kỷ hy sinh vì thủy điện, vẫn chịu cảnh đèn dầu
Trong số khoảng 5,3 vạn người ra đi năm đó, giờ quá nhiều người đã chết. Nhiều cụ già tóc bạc da mồi ngồi khóc, rồi quay ra bất bình: “Chúng tôi bị bỏ quên trong xó rừng này. Chúng tôi như hạt thóc rơi trong kẽ cái hòm cũ”.
Hơn 40 năm thủy điện Thác Bà phát điện, đem nguồn sáng cho cả nước, thế mà vẫn còn không ít đồng bào của hơn 50 xã đã hy sinh tất cả vì chính dòng điện, đang ở sát mép mặt hồ đổ nước vào tuốcbin phát điện ấy thì lại vẫn sống trong cảnh đèn dầu leo lét. Điện, đường, trường, trạm… vẫn tạm bợ lều lán; trường mầm non vẫn dùng cái bếp cũ của nhà dân.
Hơn 5,3 vạn người gánh con vào… rừng hoang
Nằm cách Hà Nội chừng 150km, Thủy điện Thác Bà được xem như thành tựu vĩ đại của chúng ta, nhất là khi mà nó được xây ngay trong thời kỳ bom Mỹ oanh tạc cực kỳ ác liệt. Nó là một trong ba cái hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, với chiều dài mặt nước là 80km, chiều rộng khoảng 10-15km, tùy theo mùa.
Bà Lương Thị Dư - 50 năm tuổi Đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình trong thời gian xây dựng thủy điện Thác Bà, hiện đang sống ở TP.Yên Bái - nhớ lại: “Ngoài việc xắn quần, cả ngày lẫn đêm đi vận động, thu xếp cho bà con di dời phục vụ lòng hồ thủy điện, tôi còn được cấp trên phân công theo dõi động tĩnh hằng ngày của Mỹ. Có khuya, bỗng dưng Mỹ thả bom, tôi lại khăn gói lên đường. Ngày 15/7/1965, hơn 50 học viên và cán bộ y tế bị bom Mỹ thảm sát cùng lúc ở ngay giữa trung tâm TP.Yên Bái. Hàng trăm công nhân thi công thủy điện Thác Bà cũng bị chết vì bom đạn của “giặc trời đế quốc”.
Giữa bối cảnh lửa đạn quân thù, kèm theo sự khó khăn về kinh tế, những lúng túng trong lần đầu tiên di dân của 54 xã cho một đại công trình quá lớn như thủy điện Thác Bà, thật là muôn bề vất vả.
Tài liệu chính thức đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Yên Bái: Để xây thủy điện Thác Bà, tỉnh Yên Bái đã phải chuyển 8.913 hộ dân, chính xác là 53.500 người. Riêng huyện Yên Bình đã phải chuyển bốc 33.000 mồ mả, 23.000 căn nhà, với 35.000 nhân khẩu đi “xây dựng quê hương mới”.
Bà Dư nhớ lại: Bấy giờ không có chuyện Nhà nước dọn sẵn mặt bằng, xây sẵn nhà cửa, “đền bù” cho mỗi hộ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng mà đến nơi ở mới - như cách làm của các thủy điện di dân tái định cư bây giờ. Bà con gồng gánh con cái, tư trang, chút của nả ít ỏi mà ngậm ngùi trèo núi ra đi. Những chỗ màu mỡ thì dân cựu ở các vùng đất người “lòng hồ” di đến, dĩ nhiên họ chiếm cả rồi. Chỉ còn những cái dộc, hủm, những quả đồi trơ cằn thôi.
Bà con quẩy đôi quang gánh, bốc bát nhang đặt vào một bên, đồ đạc để bên cạnh, đầu thúng bên này thả đứa con dại, thế là đi đến khoảnh rừng mới. Đi dưới tán rừng rậm rạp tối thui, thích chỗ nào thì xin phép cho phát rẫy chặt cây dựng tạm cái lều, gọi đó là nhà cửa quê hương mới. Đặt bát hương tổ tiên xuống.
Cuộc sống bắt đầu lại gần như từ con số không. Khổ nhất là nhóm người dân xã Đồng Tâm phải di lên vùng Rãnh Cày của huyện Văn Yên rừng núi. Rừng núi trập trùng, tre nứa ken nhau cọc chi chít án ngữ mọi lối đi. Dân dựng lều, trong thung lũng chỉ toàn những hòn đá cuội trắng to bằng cái ấm ủ, đụng vào là lăn ào ào. Cây sắn trồng lên, củ chỉ bé bằng cái ngón tay.
Ông Lương Hồng Thái - ngoài 70 tuổi, hiện đang sống ở xã Tân Hương, huyện Yên Bình - kể: “Tôi và vợ cùng 4 đứa con, vào tít trong hẻm núi của xã Tân Hương bây giờ. Ở đó heo hút, có cả beo, gấu; lại hoang vu rậm rịt tột cùng. Chúng tôi hãi quá, mới bảo nhau chuyển dịch ra phía ngoài cho đỡ âm u, kẻo có ngày hổ nó bắt thì thành đống xương trắng giữa rừng. Ra đó, cán bộ xã lại nhắc: Chỗ đó quang đãng, bom Mỹ nó hay đánh lắm. Nhà ông ở đó thì nhớ phải đào hầm kẻo có ngày thiệt thân. Tôi nghĩ, gớm, thị xã tỉnh lỵ Yên Bái với lưới lửa phòng không thế mà Mỹ nó còn thảm sát một lúc chết gần sáu chục người, thời loạn lạc chỗ nào chả nguy hiểm. Thế là di ra ngoài này”.
Đến lúc gấp rút rồi, thì mồ mả ông bà cũng không kịp chuyển đi, trong đó có gia đình ông Thái. Lúc chuyển lên, khai hoang lập lán ở tạm rồi, quay trở lại thì nước hồ đã dâng ngập hết mộ. Ông Thái bấy giờ ngoài hai mươi tuổi, chả biết rõ ràng lắm chuyện mồ ông mả cụ. Thế là phải mời ông bác già đi chỉ điểm, hướng dẫn. Rồi anh chàng Thái cùng vị trưởng lão lên thuyền, bơi ra ngoài hồ, dò áng chừng chỗ nào là nghĩa địa để tìm mộ. May là nước lên từ từ, bấy giờ nước mới cao tới ngực người trưởng thành thôi.
Ông bác ngoài bảy mươi ngồi trên thuyền chỉ đạo, ông Thái hì hụi đào. Dùng thuổng đào từng tí đất để bẩy lên. Nước đục ngầu, hai ông cháu lại đợi vài tiếng cho nước trong trở lại mới nhìn thấy mộ để mà bẩy tiếp. Nước lớn, mộ ở sâu, lặn mà đào trong nước đục, lại thêm mộ ở đất đồi dưới đáy hồ, nên khi bẩy rất rít nước. Đến tối, thì mấy cái tiểu sành mới được đưa lên thuyền.
“Tôi rong thuyền chuẩn bị về, thì ông bác già - có lẽ do quá xúc động - đã rơi bòm xuống hồ. Tay giữ thuyền và tiểu quách, tôi ngụp xuống bế ông cụ lên, giữa trời gió lạnh hiu hiu. Trên bờ, khói hương vẫn nghi ngút. Cảnh ấy nó thảm sầu vô cùng, không bao giờ quên được, không lúc nào tôi không bị ám ảnh...”, ông Thái hồi tưởng trong nước mắt.
Đấy là chưa kể, cả trăm chùa, đình, miếu mạo, nhà thờ... của bà con đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy hồ. Người làng Khoang chua xót bảo nhau mang sắc phong (thờ danh tướng Vũ Công Mật làm thành hoàng) của đình ra đi. Bây giờ, cháu ông Thái - là anh Lân, người ở thôn Đoan Thượng, xã Tân Hương, huyện Yên Bình - còn giữ tờ sắc phong có số phận khá kỳ lạ này.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ một tài liệu tương đối đáng tin cậy, riêng huyện Yên Bình, có ít nhất 30 nhà thờ, 40 chùa miếu dọc hai bờ sông Chảy, cùng hơn 3.000 mồ mả của 37 xã đã bị vùi trong lòng nước.
Sờ tay vào điện mà không bị... giật
Bà Lương Thị Lầm - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Hương, người trực tiếp vận động và tổ chức di dân cho thủy điện Thác Bà năm xưa - ngồi bấm đốt ngón tay, “các khe “vùng ba” khó khăn của xã chúng tôi còn nhiều quá: Khe Móc, khe Mây, khe Đồi Hồi, khe Gáo, khe Mạ...
Anh Nguyễn Trung Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ái, huyện Yên Bình - thì kêu trời: “Xã tôi có tới 200 hộ dân của mấy thôn bản, họ ở sát mép hồ thủy điện Thác Bà, mà chưa bao giờ họ có điện cả”.
Anh Sơn dẫn chúng tôi vào bản Ngòi Ngần, đường núi non, lầy thụt, trường tạm bợ, điện chưa bao giờ vào đến với bà con, người mù chữ tràn ngập. Trong lịch sử dài đằng đẵng của Ngòi Ngần, tính đến năm 2012, chỉ mới có duy nhất con gái Trưởng thôn Lê Thế Vinh là mới vừa tốt nghiệp cấp 3. Nhiều thôn bản mới tấp tểnh có điện, nhưng điện không đủ tải, nó yếu đến mức, “thắp sáng được thì không xem tivi được, xem tivi được thì thôi không thắp sáng. Mà điện yếu, nên tivi lúc “chiếu” phim nó cứ bị co màn hình lại, có khi hình ảnh chỉ bằng nắm tay. Điện yếu đến mức sờ tay vào không thèm giật!”.
Vì sự vô lý và nỗi đau những sự hy sinh dường như bị quên lãng kia, mà bà Lầm thốt lên: “Hóa ra tôi đi vận động năm ấy, nghĩa là tôi nói dối, nói phét với dân ư? Chúng tôi bảo là nhà máy hoạt động thì sẽ có điện cho bà con, bà con được dùng đầu tiên. Vậy mà chừng nửa thế kỷ trôi qua, điện vẫn phát, bà con vẫn tăm tối”.
Bà con kêu ca mỗi lúc họp dân, các ý kiến được chuyển lên xã, huyện, tỉnh, tới các đoàn đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri, các cuộc họp hội đồng nhân dân - họ muốn đề đạt nguyện vọng được sử dụng điện lên Nhà nước.
“Nếu có điện thì bảo gì dân tôi cũng nghe. Chưa có điện, thì cán bộ vận động đóng tiền nong, quỹ kiếc, chúng tôi không hưởng ứng nữa đâu” - một cán bộ xã băn khoăn nhắc lại nỗi bức xúc của bà con. Kêu mãi, rồi gần 50 năm trôi qua, vẫn chưa có điện. Nhiều người sống biệt lập cả xóm mười mấy hộ giữa lòng hồ, hằng ngày tắm táp, bơi thuyền, kiếm cá trên chính lòng hồ hàng tỉ mét khối nước sinh ra nguồn điện hòa vào lưới điện quốc gia đó; phía dưới đáy hồ là quê hương, mồ mả tổ tiên, di tích lịch sử văn hóa của họ - nhưng bản thân họ thì chưa bao giờ được hưởng thụ một “tia” điện nào.
Bà Lầm bảo: “Lãnh đạo xã cùng thế hệ cán bộ với tôi hồi đi vận động dân, đều chết cả rồi”. Chỉ còn mình bà Lầm sống để nghe dân trách móc. “Chồng tôi cũng là đảng viên, nên ông ấy không nói gì, song thật ra ông ấy cũng nghĩ và trách móc lắm việc thất hứa, bỏ quên này” - bà Lầm thật thà.
(Còn nữa)
Theo Đỗ Doãn Hoàng
Lao động