1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

ĐBQH Nguyễn Lân Dũng:

“Tôi chưa bao giờ nhận phong bì của sinh viên”

(Dân trí) - “Tôi đã dạy ở đại học trên 50 năm, nhưng chưa bao giờ nhận bất cứ một phong bì nào của sinh viên. Trong quá trình dạy học, sinh viên nào đi phong bì, tôi phê bình ngay”, ĐBQH - GS.TS. Nguyên Lân Dũng bày tỏ.

“Tôi chưa bao giờ nhận phong bì của sinh viên” - 1

ĐBQH Nguyễn Lân Dũng (ảnh: Việt Hưng).
 
“Tặng” phong bì cho thầy cô giáo mỗi khi kỳ thi đến đã trở thành thói quen, một phản xạ tự nhiên của không ít sinh viên thời nay. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đây là một biểu hiện rất xấu về đạo đức của người thầy. Tôi đã dạy ở đại học trên 50 năm, nhưng chưa bao giờ nhận bất cứ một cái phong bì nào của sinh viên. Ngay việc chấm thi, hội đồng chấm thi để phong bì vào trong hồ sơ tôi cũng không đồng ý. Bởi vì cái phong bì đó không phải tiền của Nhà nước mà lấy từ túi của người bảo vệ luận văn.

Trong quá trình dạy học, sinh viên nào đi phong bì, tôi phê bình lại ngay. Thế nên ngay từ đầu giáo trình tôi đã nói với sinh viên là học tất, chỗ nào không hiểu tôi sẵn lòng trả lời, trừ một câu hỏi “thầy ơi, thầy hạn chế phần nào?”.

Chính thầy không gương mẫu, dạy 10 thì hạn chế còn 2, thế nên học sinh phải hối lộ để được hạn chế càng nhiều càng tốt.

Ông có thể nói rõ hơn về nguyên nhân đi phong bì của sinh viên?

Ở đây có hai mặt, một là đạo đức người thầy, thứ hai là động cơ học tập của học sinh. Thời chúng tôi đi học, tôi được học ít lắm, khi ứng cử Quốc hội người ta còn nói tôi khai gian lý lịch. Tôi tốt nghiệp đại học năm 18 tuổi, cùng với anh Nguyễn Văn Hiệu. Lúc đó tôi lại phải giải thích, chúng tôi được học rất ít, thời kháng chiến chống pháp học 9 năm, sau hòa bình lặp lại, chúng tôi là thế hệ đầu tiên nên học có 2,5 năm.

Và lớp chúng tôi học sau này đều là những người thành danh như: Phan Huy Lê, Nguyễn Quốc Vượng, Cao Xuân Hạo, Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Văn Hiệu, Phan Đình Diệu…

Một số sinh viên có thói quen đi phong bì cho thầy cô hiện nay quan niệm rằng “kiến thức giả nhưng ra trường có tấm bằng thật”…

Nếu sinh viên có tư duy như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp của họ sau này. Việc tuyển chọn nhận sự vào làm tại các cơ quan, công ty không thể nhìn vào tấm bằng được. Tôi thấy, ở nước ngoài tuyển nhân đều qua phỏng vấn. Cơ quan tôi cũng thế. Viện vi sinh vật và công nghệ sinh học có biên chế nhưng chúng tôi không dùng biên chế đó mà ký hợp đồng, nếu anh làm thử một thời gian không được thì không nhận. Chúng tôi không căn cứ vào bằng mà căn cứ vào thực chất và kiểm tra thực chất cả trong giai đoạn thử thách.

Biên chế là khoản Nhà nước cung cấp cho đơn vị để đơn vị tùy sử dụng chứ không bắt buộc chia cho đầu vào. Cơ quan tôi dùng số tiền đó để trả lương cho anh em, ai mà không làm tốt thì hủy hủy đồng. Như vậy mọi người sẽ có ý thức phấn đấu.

Một số quan niệm cho rằng: Chính thầy cô là nhân tố quan trọng để “căn bệnh phong bì” lây lan như hiện nay. Ông nghĩ sao về luồng ý kiến này?

Không thể đổ hết lỗi cho thầy cô giáo. Vấn đề ở đây chính là, thầy cô giáo thiếu đạo đức và học sinh không hiểu là mình học cho chính mình, cho cuộc đời mình. Thời học trò của tôi, các thầy dạy chúng tôi rất ít. Tôi không được học một chữ nào về vi sinh học, nhưng có lẽ tôi là giáo viên đầu tiên viết giáo trình và dạy vi sinh vật học cho học sinh. Các thầy cho tôi kiến thức cơ bản, cho tôi ý chí, cho tôi tinh thần tự học ngoại ngữ để tiếp nhận giáo trình từ nước ngoài…

Vậy theo ông, chúng ta phải “nói không” với căn bệnh phong bì đang lan tỏa trong nhà trường như thế nào?

Điều quan trọng nhất là đời sống cán bộ, giáo viên phải được đảm bảo. Tôi sang Trung Quốc thấy phong trào “hạ cương” - hạ cương vị sau khi kiểm tra nếu thấy không đạt - của họ rất hay. Còn ở bên Mỹ, cái gì không cấm là được phép. Thế nên có trường học mọc lên, sinh viên được làm luận văn, cấp bằng tiến sỹ nhưng tấm bằng ở đó lại vô giá trị, người Mỹ không bao giờ vào học. Ngôi trường này cấp bằng cho những người mua danh. Ở Mỹ còn một loại bằng trang trí, chỉ cần nộp tiền là có 1 tấm bằng để treo ở nhà cho đẹp.

Từ “căn bệnh phong bì” trong nhà trường, suy nghĩ của ông về “văn hóa phong bì” hiện nay?

Chẳng có nước nào có văn hóa phong bì như ở Việt Nam, nên chúng ta không được gọi đó là văn hóa mà phải dùng từ “phản văn hóa”. Đây phải nói là hành vi hối lộ, nó phổ biến đến mức xin việc ở đâu cũng phải có tiền.

Mở rộng ra, tình trạng nhận hối lộ của quan chức cũng ảnh hưởng đến quy tín của chính quyền, đến uy tín của Đảng. Tôi nghĩ đã đến lúc lên án chung về tình trạng giải quyết đời sống của mình bằng những khoản tiền phi pháp.

Tôi nói như vậy sẽ có người hỏi, tôi sống bằng gì với đồng lương ít ỏi? Tôi nghĩ không phải mình tôi mà rất nhiều người biết kiếm thêm những đồng tiền chính đáng, làm thêm việc này việc khác bằng sức lao động của chính mình.
 
 Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền