1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
  3. Thảm họa lũ quét Làng Nủ

Tộc người “ngủ ngồi” ở Nghệ An: Lấy chồng từ thuở… 12

(Dân trí) - Phụ nữ Đan Lai lấy chồng rất sớm, đàn ông Đan Lai lấy vợ chẳng quan tâm xem vợ bao nhiêu tuổi, cứ “thương nhau thì lấy”. Bí thư chi bộ Lê Văn Báo lắc đầu “Chịu thôi. Chúng ưng nhau là lấy, từ lâu đời như thế rồi, không ngăn cấm được”.

18 tuổi, La Thị Thiện đã là mẹ của 3 đứa con, đứa lớn nhất 6 tuổi, đứa bé nhất lên 3.
18 tuổi, La Thị Thiện đã là mẹ của 3 đứa con, đứa lớn nhất 6 tuổi, đứa bé nhất lên 3.

Chúng tôi vượt qua bản Cò Phạt, điểm lẻ bản Cồn để đến với bản Khe Búng – nơi tận cùng của người Đan Lai nơi sâu thẳm của già Pù Mát. Pù Mát tiếng Thái có nghĩa là những con dốc cao. Để vào được nơi sinh sống của đồng bào Đan Lai nơi thượng nguồn sông Giăng phải vượt qua hàng chục ngọn đèo, vượt qua 5-6 con suối. Bởi vậy, cuộc sống của người Đan Lai nơi đây vẫn khá tách biệt với thế giới bên ngoài. Người Đan Lai vẫn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, trong đó, nhức nhối nhất vẫn là tục tảo hôn.

Người Đan Lai chủ yếu sinh sống dựa vào nương rẫy. Tuy nhiên, khu vực này thuộc vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát, việc phá rừng làm nương rẫy bị cấm tuyệt đối, đồng bào chủ yếu canh tác trên những ruộng lúa ít ỏi ven các con suối. Ở nơi thâm sơn cùng cốc này chưa có sóng điện thoại, chưa có điện lưới. Đài bán dẫn hoặc ti vi là thứ nối họ với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, nguồn điện phập phù từ tua pin phát điện đặt dọc con suối khiến tuổi thọ của các thiết bị điện tử này không cao. Đồng bào sắm ti vi chủ yếu để xem phim, chẳng mấy ai quan tâm đến việc tiếp thu các tiến bộ từ bên ngoài. Người Đan Lai vẫn sống bản năng, hồn nhiên như cây cỏ giữa rừng.

Đi qua những bản làng của người Đan Lai tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt của những bà - mẹ - trẻ - con. Những đứa trẻ chưa kịp lớn đã phải đi làm vợ rồi làm mẹ. Vất vả, cực khổ, thiếu thốn đè nặng trên đôi vai, khiến những đứa trẻ này chưa kịp lớn đã toan về già. Những đôi mắt u uất, những khuôn mặt xám xịt, khắc khổ khiến tương lai của họ càng mờ mịt tối tăm hơn.

Không ai nghĩ Thiện chưa đầy 20 tuổi...
Không ai nghĩ Thiện chưa đầy 20 tuổi...

Ba đứa trẻ mặc độc cái quần lê la chơi trên nền đất trước nhà. Thấy người lạ, chúng ù té chạy vào nhà núp rồi cười ré lên. Thấy có khách, một người phụ nữ bước vào. La Thị Thiện (bản Cồn, Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An) – mẹ của ba đứa trẻ lần lượt 6 tuổi, 4 tuổi, 3 tuổi. Nếu Thiện không bảo năm nay cô 18 tuổi, tôi cứ ngỡ người phụ nữ đứng trước mặt mình phải gần 40 tuổi.

Tính ra, Thiện sinh đứa con đầu lòng khi… 12 tuổi. Chồng đi làm nứa, Thiện ở nhà trông 3 đứa con nhỏ. Những đứa trẻ chẳng có nổi chiếc áo để mặc, đánh trần, đen trũi và bụng đứa nào cũng ỏng ra. Thằng bé đầu năm nay đã lên lớp 1 nhưng nó vẫn ở nhà nghịch đất với em. Hỏi, sao không cho con đi học, Thiện chỉ cười trừ…

Những đứa trẻ con của Thiện lớn lên như cây cỏ trong thiếu thốn và nghèo đói.
Những đứa trẻ con của Thiện lớn lên như cây cỏ trong thiếu thốn và nghèo đói.

17 tuổi, La Thị Lá (SN 1998, trú bản Khe Búng, Môn Sơn) đang mang bầu lần thứ hai được 5 tháng rưỡi. Lá lấy chồng năm 2012, khi đó mới gần 14 tuổi, chồng em là La Văn Nem khi đó 18 tuổi, ở cùng bản. “Có biết yêu đâu. Bố em mất sớm, mẹ bảo lấy chồng thì em lấy chồng thôi”, Lá nói về việc mình lấy chồng đơn giản như thế.

14 tuổi, Lá đã biết gì đâu. Về nhà chồng được gần 1 tuần lễ vẫn không cho chồng ngủ cùng. Sau, bà mối phải phân tích, dỗ dành mãi Lá mới chịu ngủ cùng chồng. 15 tuổi, Lá sinh đứa con đầu lòng. 17 tuổi, Lá sắp là mẹ của hai đứa con. Cơ thể chưa kịp lớn của em đã trở nên xồ xề bởi sinh nở và mang thai.

“Em đau đẻ từ đêm mà mãi đến chiều hôm sau mới đẻ. Chồng và mẹ chồng đưa ra Trạm xã xã để sinh. Đau khủng khiếp luôn, hộ sinh bảo vì em còn ít tuổi quá”, Lá thật thà nói. Do không có kinh nghiệm nên khi con bé mới được hơn 1 tuổi, Lá mang bầu đứa thứ hai.

17 tuổi, La Thị Lá đã sắp là bà mẹ của hai đứa con.
17 tuổi, La Thị Lá đã sắp là bà mẹ của hai đứa con.

Hỏi, có đẻ nữa không. Lá cười: “Đẻ chứ. Đẻ đến khi nào có con trai thì thôi. Mẹ chồng với chồng nói thế. Hôm trước ra thị trấn siêu âm, họ bảo đứa thứ hai cũng là con gái”. Tôi nén tiếng thở dài. Lá sinh con rồi mang thai, chỉ quanh quẩn ở nhà, chồng Lá đi làm sắn, làm nứa chẳng đủ nuôi mấy mẹ con nên tiếng là vợ chồng trẻ nhưng vợ chồng Lá thiếu ăn quanh năm.

Bà Lê Thị Nàng – mẹ chồng Lá cười: “Ồ, nó còn bé quá, về nhà cái chi cũng phải bày hết. Chúng nó thương nhau thì cho lấy thôi, không ngăn cấm được”. Bà Nàng cũng mới sinh con. Đứa con út của bà cũng chỉ hơn đứa cháu nội 2 tuổi.

“Lấy chồng sớm thế có khổ không?” – “Khổ”, Lá trả lời. “Có vất vả không? – Vất vả”. “Thế sau này có cho con gái lấy chồng sớm không? – tôi hỏi. Lá cười: “Nả biết” (Không biết – PV). Tiếng trả lời của Lá như rơi tõm vào cái nắng hoe hoắt của rừng già.

Cô dâu mới của bản Khe Búng cũng có tên là La Thị Lá. Lá mới lấy chồng đầu năm nay, khi vừa bước sang tuổi 15. Hỏi chồng tên gì, Lá bảo tên Tiến nhưng tôi tìm trong hộ khẩu, chàng trai này tên là La Văn Cười (SN 1994). Hỏi chồng bao nhiêu tuổi, Lá lắc đầu “Nả biết”. Hỏi chồng Lá vợ bao nhiêu tuổi, chàng trai này cũng lắc đầu “Nả biết”. Hỏi không biết tuổi mà cũng cưới nhau, không sợ bị phạt à, Tiến trả lời: “Thương nhau lâu rồi thì cưới thôi. Không thấy ai phạt nhưng chưa đi đăng ký kết hôn”.

Đưa vấn đề này trao đổi với ông Lê Văn Báo – Bí thư chi bộ bản Khe Búng, ông Báo nói: “Không cấm được. Người Đan Lai lấy vợ lấy chồng sớm từ xưa rồi mà. Chúng thương nhau thì cho lấy thôi. Ngày xưa có ai ngăn cấm mình đâu mà giờ mình cấm chúng nó”.

 Tục cưới lại của người Đan Lai

Người Đan Lai kết hôn sớm nhưng mỗi cuộc hôn nhân đều phải trải qua 2 lần cưới. Nếu không được cưới lại, những cô dâu mới mãi mãi là người ngoài, không được phép đến quét dọn ở bàn thờ tổ tiên nhà chồng.

Cô bé La Thị Lá mới về làm dâu nhà ông La Văn Hoài (SN 1949) được vài tháng.Cũng như tất cả những cô gái mới về nhà chồng khác, Lá chỉ được phép quanh quẩn từ bếp vào phòng riêng của vợ chồng mình và chái nhà đồng thời cũng là nơi rửa ráy của cả gia đình.

Cô dâu mới của bản Khe Búng - La Thị Lá. Lá đi làm dâu khi mới bước sang tuổi 15.

Cô dâu mới của bản Khe Búng - La Thị Lá. Lá đi làm dâu khi mới bước sang tuổi 15.

“Con gái mới về nhà chồng, dù được cưới hỏi đàng hoàng cũng chưa được tính là thành viên chính thức của gia đình. Do vậy, con dâu mới không được lau chùi, quét dọn bàn thờ tổ tiên, thậm chí, không được ngồi quay lưng lại phía bàn thờ - là nơi thiêng liêng nhất của người Đan Lai”, ông La Văn Hoài nói.

Sau khi cưới một năm rưỡi đến 3 năm, người Đan Lai sẽ tổ chức lễ cưới lại. Sau khi thực hiện xong nghi lễ cưới lại, người con dâu mới chính thức xem là thành viên trong nhà chồng. Lúc này, người phụ nữ có thể đổi sang họ nhà chồng nếu muốn.

“Lễ cưới lại thì không nhất thiết phải làm lớn như lễ cưới ban đầu nhưng nhất thiết phải mổ một con lợn để mời anh em, làng xóm thân cận. Khách mời trong đám cưới lại cũng ít hơn cưới đầu, chủ yếu là anh em nội tộc thôi", ông Lê Văn Báo – Bí thư chi bộ bản Khe Búng nói.

Cô dâu mới của bản Khe Búng - La Thị Lá. Lá đi làm dâu khi mới bước sang tuổi 15.
Ông Lê Văn Báo - Bí thư chi bộ bản Khe Búng: "Nếu chưa cưới lại thì con dâu chưa được tính là người của nhà chồng".

Sáng sớm, gia đình nhà chồng buộc con lợn ngay dưới gầm nhà sàn, chỗ cây cột sát bàn thờ gia tiên. Phái trên sàn nhà chỗ gần cây cột sẽ chuẩn bị một chậu nước sạch. Cô dâu mới có nhiệm vụ dội chậu nước qua khe hở của sạp nứa lát sàn sao cho nước chảy trúng con lợn. Sau khi được “tẩy trần”, con lợn được mổ ra đãi khách. Ăn uống xong cũng là khi lễ cưới lại kết thúc.

Sau khi lễ cưới lại hoàn thành, người con dâu mới được phép thắp hương lên bàn thờ gia tiên nhà chồng. Từ đó, sẽ cùng chồng gánh vác việc nhà, chăm sóc nuôi dạy con cái và làm chủ gian bếp của gia đình.

Hoàng Lam