1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Toà “quên” phần bồi thường cho bị hại

(Dân trí) - Vụ TNGT nghiêm trọng khiến 4 người chết và 14 người bị thương đã 2 lần được đưa ra xét xử nhưng phía các bị hại vẫn tiếp tục kháng cáo. Nhiều bị hại cho rằng phán quyết của tòa thiếu khách quan, đặc biệt có cả việc các nạn nhân chưa được nhận bồi thường.

Kết luận bị hại nhưng quên bồi thường

Ngày 17/2/2006, Trần Trung Kiên được Công ty cổ phần Vận tải và Du lịch Hoa Thêm (Đống Đa - Hà Nội) giao điều khiển xe ôtô BKS 29V-1591 chở khoảng 15 hành khách từ Hà Nội theo hướng QL1A đi lên Lạng Sơn.

Đến Km 42+057, trời mưa, đường trơn, Kiên điều khiển xe không làm chủ tốc độ nên lấn đường của xe đi ngược chiều, sau đó quay ngang. Vừa lúc đó, xe ôtô BKS 29T-6084 do Lê Tuấn Thành điều khiển đi đến đã va vào sườn bên trái xe ôtô 29V-1591. Hậu quả làm 4 người chết và 14 người bị thương.

Ngày 12/10/2006, TAND huyện Chi Lăng đã đưa vụ án ra xét xử khẳng định: Trong vụ tai nạn này bị cáo Kiên do không chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, chủ quan lái xe chạy nhanh khi trời mưa to nên không làm chủ được tay lái để xảy ra tai nạn. Với hành vi trên, Trần Trung Kiên bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù giam và phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình các nạn nhân thiệt mạng (người ít nhất là 30 triệu đồng).

Riêng đối với trường hợp nạn nhân thiệt mạng Lê Tuấn Thành, lái xe 29T-6084, TAND huyện Chi Lăng kết luận: “lái xe Lê Tuấn Thành có một phần lỗi là điều khiển xe ôtô với tốc độ không phù hợp” và chỉ được bồi thường 8 triệu đồng.

Gia đình nạn nhân Thành đã kịch liệt phản đối bản án này và cho rằng, phán quyết của toà là thiếu căn cứ bởi Hội đồng xét xử và các cơ quan chức năng không chứng minh được khi xảy ra tai nạn xe ô tô 29T-6084 chạy với vận tốc là bao nhiêu? Tai nạn xảy ra là do xe ôtô 29V-1591 lao sang phần đường dành cho xe đi ngược chiều, còn xe ô tô 29T-6084 bị gặp nạn là do bất khả kháng.

Mặt khác, tại Trích lục bản án hình sự, ngày 14/11/2006, của TAND huyện Chi Lăng, gia đình nạn nhân Lê Tuấn Thành không có tên trong danh sách được nhận tiền bồi thường từ phía bị cáo và Công ty Hoa Thêm.

Cho mượn xe cũng có tội?

Ngày 23/1/2007, TAND tỉnh Lạng Sơn đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án này. Tại đây, Hội đồng xét xử đã quyết định tăng mức phạt đối với bị cáo Trần Trung Kiên là 7 năm tù giam.

Ngoài ra, Tòa cũng quyết định hủy án sơ thẩm về phần bồi thường thiệt hại và giao cho TAND huyện Chi Lăng xét xử sơ thẩm lại phần này. Điều đặc biệt là TAND tỉnh yêu cầu TAND huyện Chi Lăng đưa thêm anh Lê Tuấn Anh (chủ sở hữu xe 29T-6084) vào diện tố tụng và phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Lê Tuấn Anh bức xúc: “Anh Thành là người có giấy phép lái xe hợp lệ, mượn xe của tôi để đi đám cưới. Theo đúng quy định của pháp luật, tôi hoàn toàn có quyền cho mượn xe, còn việc anh Thành điều khiển xe gặp tai nạn đó là trách nhiệm của anh Thành. Việc TAND tỉnh Lạng Sơn đòi tôi phải liên đới bồi thường trong vụ TNGT trên là phi lý”.

Mặt khác, các gia đình có người thân bị thiệt mạng trong vụ TNGT trên như Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Thị Ngọc Loan, Tạ Đình Hoàng cũng cho rằng mức đền bù mà TAND Chi Lăng trước đây đưa ra là quá thấp. Bởi hầu hết nạn nhân thiệt mạng đều đang là trụ cột của gia đình nên sau khi họ mất đi hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn.

Đặc biệt, đối với gia đình nạn nhân Lê Tuấn Thành kể từ ngày xảy ra cái chết thương tâm của một người chồng, người cha vẫn chưa nhận được bất cứ sự bồi thường và hỗ trợ nào từ phía Công ty Hoa Thêm.

Tới đây, TAND huyện Chi Lăng sẽ mở phiên sơ thẩm bồi thường thiệt hại trong vụ TNGT trên. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Thái Sơn