1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

Tổ hợp vui chơi giải trí 12 năm nằm… trên giấy

(Dân trí) - Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí quận Đống Đa qua 12 năm với 2 đời chủ đầu tư hiện vẫn dẫm chân tại chỗ. Đáng lưu ý là qua điều tra thực tế, 23.000 m2 đất dự án hiện đang bị xé nhỏ và sử dụng sai mục đích.

Dự án sau 5 năm vẫn chỉ giải tỏa, chống lấn chiếm

Năm 1997, sau khi dự án Tổ hợp vui chơi giải trí quận Đống Đa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) giao cho Công ty tiếp thị thương mại nông nghiệp - công nghiệp thực phẩm do Lã Thị Kim Oanh làm giám đốc thực hiện đổ bể, dự án này chính thức có chủ đầu tư mới là Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp vào tháng 4/2004.

Đến nay đã 12 năm trôi qua, cũng như chủ đầu tư trước, dự án này vẫn nằm trên giấy. Lý do Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp đưa ra là đơn vị vẫn đang phải khắc phục hậu quả do chủ đầu tư tiền nhiệm để lại.
 
Tổ hợp vui chơi giải trí 12 năm nằm… trên giấy - 1
Ông Đỗ Trọng Hiếu: 5 năm tiếp quản dự án chỉ làm được
mỗi việc cưỡng chế đi, cưỡng chế lại.

Theo ông Đỗ Trọng Hiếu, Phó phòng Xây dựng cơ bản Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp, dự án Tổ hợp vui chơi giải trí quận Đống Đa là một dự án “công ích”, được Bộ NN&PTNN bàn giao lại cho đơn vị kể từ tháng 4/2004.

Dự án được giao có mặt bằng 23.000 m2 nhưng, theo ông Hiếu, hiện nay không thể xác định và đo đạc được ranh giới cụ thể. Nguyên nhân 12 năm qua, đất dự án liên tục bị hàng trăm hộ dân lấn chiếm, xây dựng nhà ở bất hợp pháp.

Theo lời ông Hiếu, 5 năm nay, Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp liên tục cùng các cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế, giải tỏa các hộ dân lấn chiếm, ở bất hợp pháp trên đất của dự án nhưng vẫn không xuể vì các đối tượng vào đây ở đều là dân “xóm liều”.

Mãi đến ngày 8/1/2009, sau nhiều lần có công văn đề nghị từ phía Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp, UBND Quận Đống Đa phối hợp với UBND phường Trung Liệt tổ chức một ngày “cưỡng chế quyết liệt”, san bằng 133 hộ dân ở bất hợp pháp trên đất của dự án, bàn giao lại mặt bằng cho Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết, đợt cưỡng chế này chỉ lấy được 3.000m2 cho dự án, hiện vẫn còn 1.000m2 nằm trong khuôn viên dự án bị các hộ dân lấn chiếm chưa giải tỏa được.

Còn theo ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp, khi Tổng Công ty được giao lại dự án nhưng chỉ là trên giấy tờ, còn mặt bằng của dự án thì phải khắc phục hậu quả từ thời bà Lã Thị Kim Oanh.

“Mặt bằng khi được giao trên giấy tờ là 23.000m2, lúc đó đã bị các hộ dân lấn chiếm nên chúng tôi cứ phải cưỡng chế đi cưỡng chế lại. Mặt bằng dự án chưa có nên dự án vẫn chưa thể triển khai”, ông Dũng trần tình.

Về quá trình triển khai dự án, ông Hiếu cho biết thêm: “Năm 2006, Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp có trình bản quy hoạch tổng thể dự án Tổ hợp vui chơi giải trí quận Đống Đa cho Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội xem xét, hiện đơn vị này chưa có công văn nào trả lời về bản quy hoạch dự án nói trên”.

Điều ngạc nhiên rằng, một bản quy hoạch dự án trình Sở Quy hoạch Kiến trúc trong 3 năm qua vẫn chưa có hồi âm, nhưng ông Hiếu bảo bản thân ông cũng không hiểu vì sao Sở Quy hoạch Kiến trúc chậm trả lời đến thế (?!).

23.000m2 đất giờ còn được nhiêu?

Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí quận Đống Đa có 23.000m2 nhưng theo ông Hiếu thì, khả năng sẽ phải điều chỉnh lại về diện tích xây dựng dự án này.

Lý do Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp có thỏa thuận với UBND Quận Đống Đa sẽ cắt 8.000m2 đất dự án cho quận xây dựng Nhà văn hóa quận Đống Đa.
Tổ hợp vui chơi giải trí 12 năm nằm… trên giấy - 2
Theo biên bản này, hơn 1800 m2 đất dự án đang bị
sử dụng sai mục đích.

Tuy nhiên, thỏa thuận này theo ông Hiếu chỉ là giữa 2 bên với nhau, chưa được UBND thành phố cũng như các cấp ngành có liên quan phê duyệt. Khi chúng tôi đề nghị được xem bản thỏa thuận nói trên thì ông Hiếu từ chối khéo “phải xin ý kiến Tổng Giám đốc”.

Ngoài thỏa thuận sẽ cắt 8.000 m2 cho Nhà văn hóa, một thỏa thuận rất “hào phóng” nữa của Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp với UBND Quận Đống Đa và phường Trung Liệt là dành một phần lớn đất dự án cho quận và phường làm bãi trông giữ các phương tiện cơ giới vi phạm giao thông trên địa bàn.
 
Bao nhiêu diện tích trong đất dự án được cắt cho quận và phường làm bãi giữ xe, ông Hiếu và ông Dũng cũng không nắm rõ vì không thể thống kê, đo đạc cụ thể. Chỉ biết theo thỏa thuận này, khi nào dự án chính thức khởi công thì quận và phường phải trả lại “bãi giữ xe” nói trên.

“Chúng tôi làm thế để chống tình trạng các hộ dân nhảy vào lấn chiếm, ở bất hợp pháp trên đất dự án. Nếu không có thỏa thuận này thì phải nói đợt cưỡng chế ngày 8/1/2009 vừa rồi không chỉ là 133 hộ dân mà cũng phải đến 500 hộ là ít”, ông Nguyễn Thế Dũng khẳng định.

Tuy nhiên, từ bản thỏa thuận này, qua khảo sát của PV Dân trí, UBND quận và phường đang “có” hàng nghìn mét vuông đất dự án và sử dụng không đúng mục đích như thỏa thuận ban đầu.
 
Tổ hợp vui chơi giải trí 12 năm nằm… trên giấy - 3
Đất dự án đang bị xé nhỏ cho các công ty tư nhân thuê kinh doanh
bãi giữ xe.

Tại khuôn viên đất dự án, hiện đang được cắt thành gần chục bãi giữ xe ô tô rồi cho các công ty tư nhân thuê để kinh doanh. Chúng tôi tìm “đỏ mắt” cũng chẳng thấy bãi trông giữ các phương tiên cơ giới vi phạm giao thông của quận và phường ở đây, chỉ thấy những bảng báo trông giữ xe của các công ty tư nhân với hàng chục tên gọi khác nhau.

Cũng theo các hộ dân sinh sống ở đây, mỗi bãi giữ xe có tiền thuê không dưới 15 triệu/tháng, nếu tính tổng thu được từ các bãi giữ xe thì quận và phường thu được hàng trăm triệu trong mấy năm qua.

Sông Lam