Tổ chức quốc tang - tiêu chí nào về mức độ thiên tai, thảm họa?

(Dân trí) - Dự thảo nghị định về việc tổ chức lễ Quốc tang chưa nêu rõ tiêu chí mức độ nghiêm trọng của thiên tai, thảm họa, bao nhiêu người thiệt mạng và cũng chưa đề cập cá nhân có thẩm quyền quyết định tổ chức lễ Quốc tang...

Cơ quan soạn thảo Nghị định về việc tổ chức lễ Quốc tang – Bộ VH-TT&DL nêu các trường hợp thảm họa, thiên tai gây nhiều đau thương, mất mát về người sẽ thực hiện treo cờ rủ, có dải băng tang tại các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, ngừng tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng trong 1-2 ngày.  

Tuy nhiên, nhiều ý kiến thảo luận vẫn băn khoăn về việc Nghị định chỉ quy định thiên tai, thảm họa “gây đau thương, tác động lớn đến tinh thần, tình cảm của đông đảo nhân dân” mà chưa nêu cụ thể là bao nhiêu người chết và bị thương để có thể tổ chức Quốc tang.
Cờ rủ, có dải băng tang được treo trong ngày Quốc tang.
Cờ rủ, có dải băng tang được treo trong ngày Quốc tang.

Các ý kiến cũng chưa đồng tình với dự thảo khi quy định Bộ Chính trị ra quyết định tổ chức Lễ Quốc tang và đề nghị tiếp tục nghiên cứu xem cá nhân, cơ quan nào có thẩm quyền này.

Mặt khác, đa số các ủy viên UB Thường vụ đều yêu cầu phân biệt mục đích tổ chức Quốc tang cho các đồng chí là lãnh đạo cấp cao, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước khác với tổ chức Quốc tang do thảm họa gây nên. Các ý kiến đặt vấn đề chuyển quy định tổ chức Quốc tang sang quy định tổ chức các hoạt động tưởng niệm.

“Cấm” hoa cài ngực, tặng quà, chiêu đãi trong lễ kỷ niệm

Cũng trong buổi làm việc chiều 13/8, UB Thường vụ Quốc bàn thảo về việc ban hành các nghị định quy định về tổ chức các ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài.  

Nhìn nhận tần suất tổ chức lễ kỷ niệm thời gian qua quá dày, tại tờ trình, Chính phủ cũng đánh giá, việc chiêu đãi, tặng quà, tặng hoa trong lễ kỷ niệm gây lãng phí, tốn kém, gây sự bất bình trong nhân dân. UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng cũng xác nhận, một số hoạt động kỷ niệm không những không mang lại tác động tích cực mà còn gây dư luận bất bình trong nhân dân.

Cơ quan soạn thảo nghị định đề xuất bổ sung các ngày lễ kỷ niệm gồm: ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ; kỷ niệm ngày sinh của các đồng chí lãnh đạo tiêu biểu của Đảng, Nhà nước; kỷ niệm năm mất của các danh nhân, nhân vật lịch sử của Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước công nhận; kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kỷ niệm ngày sinh của Lenin, Karl Marx, Engels, Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga….

Tần suất các ngày kỷ niệm cũng được quy định cụ thể. Theo đó, ngày thành lập Đảng; ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; ngày Cách mạng Tháng Tám và ngày Quốc khánh nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 10 năm/lần tổ chức lễ kỷ niệm cấp Nhà nước tại Hà Nội. 

Quy định 10 năm/lần cũng được áp dụng với việc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tỉnh thành.

Nghị định cũng quy định cụ thể số lượng khách mời cao cấp, yêu cầu cụ thể về mời khách nước ngoài, thành phần và đối tượng khách mời dự lễ kỷ niệm. Việc mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước (một trong bốn chức danh: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ) phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý trực tiếp; Việc mời khách nước ngoài dự lễ kỷ niệm do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngoài ra, để đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, Nghị định nhấn mạnh không tổ chức diễu hành, diễu binh, không tặng quà chiêu đãi trong lễ kỷ niệm, không dùng phù hiệu “nơ”, hoa cài ngực, không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo), không tổ chức chiêu đãi trong lễ kỷ niệm trừ trường hợp đã có quy định riêng...

P.Thảo