Tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội vào đầu tháng 1/2023
(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị kỳ họp bất thường thứ 2 của Quốc hội khóa XV diễn ra vào đầu tháng 1/2023, ngay sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch.
Sáng 28/11, nêu ý kiến thảo về nội dung kỳ họp bất thường thứ 2 của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng kỳ họp chỉ nên kéo dài khoảng 3-4 ngày, không nên tổ chức sau Tết Nguyên đán vì quá trễ, ảnh hưởng đến kỳ họp giữa năm.
Chính vì thế, ông Vương Đình Huệ đề nghị phấn đấu tổ chức cuộc họp vào đầu tháng 1/2023, tức là ngay sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2023.
Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ nhất trí cơ bản với nội dung của kỳ họp bất thường mà Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo, song đề nghị họp bất thường nên tổ chức họp tập trung vì đây là kỳ họp ngắn ngày.
Trước đó, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề xuất 2 phương án tổ chức kỳ họp bất thường:
Phương án 1: Trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường chưa kịp xem xét đủ điều kiện trong tháng 12/2022 thì đề nghị tổ chức họp sau Tết Nguyên Đán, trong tháng 2/2023 và theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Phương án 2: Trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường được xem xét xong trong tháng 12/2022 và đủ điều kiện trình thì đề nghị tổ chức họp trước Tết Nguyên Đán (đầu tháng 1/2023) theo hình thức họp trực tuyến kết hợp họp tập trung. Trong đó họp trực tuyến để thảo luận, cho ý kiến, còn họp tập trung để biểu quyết các nội dung; hoặc nếu xét thấy việc đi lại dịp Tết khó khăn thì có thể họp trực tuyến cả kỳ.
"Việc tổ chức kỳ họp vào tháng 1/2023 nên tiến hành theo hình thức này là để phù hợp với thời điểm các địa phương phải tập trung vào việc triển khai công tác năm 2023 và các hoạt động trước Tết Nguyên Đán", Tổng Thư ký Quốc hội nói.
Về dự kiến thời gian kỳ họp, Quốc hội sẽ làm việc trong 4 ngày, hoặc 6,5 ngày.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, tại kỳ họp bất thường chỉ xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, "đã chín, đã rõ, được sự đồng thuận, thống nhất cao". Các vấn đề đã rõ hiện tại là Quy hoạch tổng thể quốc gia; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; một số vấn đề cấp bách khác về tài chính, ngân sách.
Xem xét việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền
Theo thông báo về phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong ngày 28/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và bổ sung vốn nước ngoài cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ký Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về các điều kiện cải tạo, xây dựng và bảo trì các tòa nhà có liên quan đến các cơ quan ngoại giao và lãnh sự 2 bên (Thỏa thuận Coca); xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.