1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Tổ ấm đặc biệt của hai mảnh đời bất hạnh

(Dân trí) – Cuộc đời bất hạnh đã đưa ông bà được sống gần nhau rồi nảy sinh tình cảm. Gần 30 năm gắn bó cùng nhau, niềm vui lớn nhất của ông bà là được chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi như chính con ruột thịt của mình.

Chúng tôi có dịp đến thăm Trung tâm bảo trợ xã hội số 2 (Quảng Thọ - Thanh Hóa) và thật bất ngờ khi được cán bộ giới thiệu đôi vợ chồng già đang chăm sóc 6 đứa con tật nguyền ở đây.

Cụ ông tên là Trương Phú Toàn (quê ở xã Hoằng Yến- Hoằng Hóa, Thanh Hóa), năm nay đã 59 tuổi còn cụ bà là Nguyễn Thị Châu 57 tuổi (quê xã Quảng Lĩnh, huyện Quảng Xương). Cán bộ ở trung tâm này vẫn bảo hai cụ như hai mảnh ghép cuộc đời sinh ra là để dành cho nhau.

Cả hai cụ đều vào trung tâm từ những năm 1989. Khi ấy, Trung tâm bảo trợ xã hội số 2 này mới chỉ là một khoa Bảo trợ xã hội nằm gộp trong một trung tâm đặt ở xã Quảng Hợp (Quảng Xương). Cụ Toàn và cụ Châu đều có hoàn cảnh mồ côi, bố mẹ đều mất sớm. Bản thân cụ Toàn thì còn bị thiểu năng trí tuệ, cụ Châu cũng mang căn bệnh viêm phế quản mãn. Hai cụ được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội để được chăm sóc khi tuổi đời còn rất trẻ.

Niềm hạnh phúc của hai cụ khi được ở bên nhau và cùng chăm sóc những đứa con nuôi tật nguyền
Niềm hạnh phúc của hai cụ khi được ở bên nhau và cùng chăm sóc những đứa con nuôi tật nguyền

Thế rồi duyên số đã đưa các cụ đến gần nhau. Ngay từ những ngày đầu ở tại trung tâm, lúc cụ Toàn ốm đau, cụ Châu đều tận tình chăm sóc, hỏi han, động viên. Cụ Châu ốm thì dù đêm hôm, cụ Toàn cũng chạy đi gọi bằng được cán bộ đến, nhận được quà ai cho cũng dành bằng được cho cụ Châu. Từ đó hai cụ cảm mến rồi xin cán bộ cho được về chung sống cùng nhau để cùng đồng cảm và chăm sóc nhau. Dù không qua thủ tục pháp lý để công nhận quan hệ vợ chồng nhưng mấy chục năm qua, hai mảnh ghép không trọn vẹn ấy đã cùng nhau đi gần hết cuộc đời.

Khi được hỏi vì sao các cụ lại quyết định đến với nhau, các cụ chỉ cười rồi đều trả lời vì thương người kia. Tình thương của họ đã lớn thành tình yêu. Gần 30 năm chung sống, các cụ đã cùng nhau chia sẻ, động viên nhau vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống.

Chị Phùng Thị Hồng, Điều dưỡng viên ở trung tâm cho biết chưa bao giờ thấy hai vợ chồng cụ tiếng to tiếng nhỏ. Cứ hễ cụ ông đi đâu chưa về là cụ bà lại chạy đi tìm. Hay mỗi ngày cụ bà đi chợ lâu chưa về là cụ ông đã đứng ở đầu cổng chờ. Họ quan tâm, chăm sóc và yêu thương nhau hết mực. Có một thứ tình yêu nào đó mà không ai có thể lý giải nổi.

Thế nhưng điều đáng khâm phục hơn tất cả, đó là từ tình yêu họ đã cùng nhau nhận chăm sóc những đứa trẻ tật nguyền do trung tâm mang về. Từng ấy năm chung sống, hai ông bà không nhớ hết mình đã chăm sóc bao nhiêu đứa con.

Cụ Châu tâm sự: “Hai vợ chồng tôi nhận chăm sóc các cháu từ năm 1996, nhưng có nhiều cháu mất, nhiều cháu bị bệnh tâm thần nên sau khi tách trung tâm các cháu được giữ lại ở khu dành cho bệnh nhân tâm thần. Bây giờ thì nhà tôi có 6 con. Dù không dứt ruột đẻ ra nhưng vợ chồng tôi xem các cháu như con đẻ của mình. Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là mỗi ngày được chăm sóc chúng”.

Mỗi ngày, cụ ông và cụ bà đều thay nhau tắm rửa, giặt giũ cho các con tật nguyền của mình
Mỗi ngày, cụ ông và cụ bà đều thay nhau tắm rửa, giặt giũ cho các con tật nguyền của mình

Rồi bà kể, chăm những đứa con bình thường đã khó, chăm sóc những đứa trẻ bị bệnh tật như thế này lại khó khăn vô vàn hơn. Chưa từng một lần làm cha làm mẹ, chưa từng chăm sóc con nhỏ thế nên những ngày đầu nhận các con về, hai cụ cũng bỡ ngỡ nhưng rồi có lẽ vì tình thương đã khiến các cụ dần quen.

6 đứa con với 6 căn bệnh khác nhau, đứa thì bại não, đứa lại liệt chân, hai đứa thì cùng bị mù, câm, điếc... Mỗi ngày, hai cụ thường thức dậy vào 5h sáng, chuẩn bị nấu đồ ăn sáng cho 6 đứa con. Mỗi đứa ăn mỗi kiểu, có đứa thì chỉ ăn cháo, có đứa ăn cơm, đứa thì ăn mì. Xong công việc ăn sáng của các con thì cụ ông bắt tay vào tắm rửa, lau chùi cho từng đứa, cụ bà đi chợ rồi làm bữa cơm trưa. Cứ tất bật như thế, quay vòng như thế. Đó là chưa kể buổi tối các cụ lại thay nhau trở dậy đưa các con đi vệ sinh, kéo chăn đắp cho chúng vì sợ chúng đạp chăn ra bị lạnh.

Chưa bao giờ hai cụ than phiền vì các con mà trái lại còn cưng nựng chúng, cụ Toàn bảo cuộc đời với cụ thế là đủ rồi, sống như thế này nhưng cũng có vợ và các con thì còn gì vui bằng nữa thế nên chăm sóc 6 đứa con như thế này cũng là bình thường, càng đông con càng vui.

Ông Tào Đức Toàn, Trưởng Phòng tổ chức Trung tâm bảo trợ xã hội số 2 cho biết: “Hai cụ Toàn và Châu vì mến nhau nên đã xin trung tâm cho được gắn bó với nhau từ những năm 1989. Họ về chung sống với nhau rất hạnh phúc, chưa bao giờ thấy hai cụ cãi nhau. Sau khi về chung sống với nhau thì các cụ xin trung tâm cho được chăm sóc các trẻ tàn tật ở đây và coi chúng như con. Những năm đầu, trung tâm còn ít cán bộ, có hai cụ chăm sóc các trẻ khiến cho trung  tâm cũng bớt vất vả hơn. Hai cụ đặc biệt rất quý trẻ con nên cứ thấy trung tâm mang về đứa trẻ nào các cụ đều xin được nuôi. Tình cảm của hai cụ đối với nhau và đối với những đứa trẻ tàn tật ở đây khiến chúng tôi vô cùng cảm động”.

Nguyễn Thùy