Tình trạng lạm dụng bản sao công chứng tăng mạnh

(Dân trí) - Theo Bộ Tư pháp, việc giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch ở một số địa phương vẫn còn sai sót, thậm chí có trường hợp cố ý làm sai để trục lợi. Trong khi đó, tình trạng lạm dụng bản sao có chứng thực không những không giảm mà còn tăng mạnh.

Tình trạng lạm dụng bản sao công chứng tăng mạnh 6 tháng đầu năm 2015 (Ảnh minh họa).
Tình trạng lạm dụng bản sao công chứng tăng mạnh 6 tháng đầu năm 2015 (Ảnh minh họa).

Bộ Tư pháp cho biết 6 tháng đầu năm 2015, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho gần 1 triệu trường hợp, đăng ký kết hôn cho 451.437 cặp, trong đó có gần 7.500 trường hợp có yếu tố nước ngoài (tăng 11,93% so với cùng kỳ năm trước). Nhiều địa phương đã giải quyết kịp thời yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân, không để xảy ra tình trạng tồn đọng.

3.367 hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam

Những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được Bộ Tư pháp hướng dẫn giải quyết. “Tính đến ngày 30/4/2015, Bộ Tư pháp đã rà soát, xử lý 3.383 hồ sơ (trong đó: 3.367 hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam, 5 hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam và 11 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam); trả lời 868 trường hợp tra cứu, xác minh theo đề nghị của các cơ quan”- Bộ Tư pháp cho biết.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cũng nhận định công tác con nuôi trong nước đang thực sự thể hiện quan điểm đúng đắn và nguyên tắc cơ bản của Công ước Lahay cũng như tinh thần của Luật Nuôi con nuôi trong vấn đề ưu tiên con nuôi trong nước. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh việc thực hiện đăng ký nuôi con nuôi thực tế và đến nay, tại các địa phương, việc triển khai kế hoạch đã bước sang giai đoạn cuối. Trong đó ngành Tư pháp đã giải quyết đăng ký nuôi con nuôi trong nước cho 1.249 trường hợp (giảm 129 trường hợp so với 6 tháng đầu năm 2014); số trường hợp trẻ em làm con nuôi người nước ngoài được giải quyết là 245 trường hợp.

Tuy vậy trong công tác hộ tịch vẫn còn tình trạng một số địa phương không nghiên cứu kỹ quy định pháp luật, chưa chủ động giải quyết các vụ việc cụ thể mà chờ hướng dẫn của Bộ Tư pháp; một số trường hợp đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ vượt cấp (Phòng Tư pháp, UBND cấp xã không phản ánh qua Sở Tư pháp mà trực tiếp gửi công văn tới Bộ Tư pháp) gây chậm trễ trong quá trình giải quyết các việc về hộ tịch cho người dân, đồng thời gây quá tải trong công việc đối với đơn vị quản lý hộ tịch. Việc giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch ở một số địa phương vẫn còn sai sót (An Giang, Thanh Hoá ...), thậm chí có trường hợp cố ý làm sai để trục lợi. Tình trạng lạm dụng bản sao có chứng thực không những không giảm mà còn tăng mạnh.

Có tình trạng “gia cố”, “chế biến” số liệu thống kê

Bộ Tư pháp cho biết đã hoàn thành phân hệ I của Phần mềm báo cáo thống kê nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thống kê của ngành Tư pháp giai đoạn 2014-2018; hoàn thành việc xây dựng danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê Ngành Tư pháp để đưa vào dự thảo Luật thống kê (sửa đổi). Việc xây dựng phương án phân bổ dự toán ngân sách nhà nước, bao gồm kinh phí chi thường xuyên và vốn đầu tư phát triển, nhất là cho các dự án đầu tư được thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên cơ quan này cũng thừa nhận việc gửi báo cáo thống kê còn chậm so với quy định; chất lượng báo cáo thống kê vẫn chưa cao, nhiều báo cáo vẫn còn mắc các lỗi bất hợp lý về nội dung số liệu nên phải đính chính, điều chỉnh nhiều lần. Tại các địa phương, công tác thanh tra, kiểm tra của nhiều Sở Tư pháp chưa mang lại hiệu quả cao.

“Một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm về công tác thống kê; kỷ luật trong công tác thống kê chưa cao. Một số cơ quan, đơn vị còn nặng về “bệnh thành tích” nên có tình trạng “gia cố, chế biến” số liệu thống kê; nhận thức, tinh thần trách nhiệm và kỹ năng thống kê số liệu của một số cán bộ làm công tác tổng hợp số liệu của một số Sở Tư pháp địa phương, một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế”- Bộ Tư pháp đánh giá.

Ngoài ra, 6 tháng đầu năm các Bộ, ngành, địa phương đã thụ lý giải quyết 71 vụ việc (trong đó có 26 vụ việc thụ lý mới), đã giải quyết xong 30/71 việc với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định về giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật trên 7,18 tỷ đồng, tăng 4,61 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014. Về công tác bồi thường Nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự, đã thụ lý, giải quyết 5 vụ việc (có 2 vụ việc thụ lý mới), trong đó một vụ việc đã giải quyết với số tiền bồi thường là 655,466 triệu đồng; hiện còn 4 vụ việc đang trong quá trình giải quyết.

“Số lượng cán bộ, công chức cơ quan thi hành án dân sự vi phạm pháp luật, kỷ luật tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2014 nhưng vẫn còn khá nhiều trường hợp bị phát hiện, xử lý (6 tháng đầu năm 2015, phát hiện và xử lý 33 trường hợp vi phạm). Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành ở một số cơ quan, đơn vị thi hành án dân sự còn hạn chế, nhiều việc còn chậm”- Bộ Tư pháp nêu rõ.

Kha Xuân Lộc

(thekha@dantri.com.vn)