Tính tiền nhà ở vào lương để chống chiếm dụng nhà công vụ (!?)
(Dân trí) - Ngày 24/10, Quốc hội có phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án luật Nhà ở sửa đổi. Dự án luật được cho ý kiến qua 2 kỳ họp Quốc hội và sẽ được đưa ra biểu quyết, thông qua vào cuối kỳ họp này.
Cho đến lúc này, một nội dung trong luật còn nhận ý kiến tranh luận khác nhau là quy định đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Cụ thể, cơ quan soạn thảo dự luật đề xuất nới quy định, cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam như quy định của luật này và pháp luật có liên quan; doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam có quyền mua, sở hữu nhà.
Về quan điểm lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội, báo cáo giải trình tiếp thu của UB Pháp luật của Quốc hội nêu rõ, qua thảo luận ghi nhận 2 luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất, không tán thành việc thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội. Luồng ý kiến thứ hai, tán thành với quy định về việc thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội nhưng cần quy định rõ hơn về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của tổ chức tài chính Nhà nước này.
Phân tích điểm được, mất khi thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội, Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng không nên cho thành lập Quỹ này, vì ngay trong dự thảo Luật sửa đổi đã có quy định chính sách ưu đãi cho nhà ở công vụ, tái định cư… Việc lập quỹ, theo đó, không cần thiết.
Ông Vẻ lập luận, không có lý do gì trích tiền ngân sách, tiền thuế đóng góp của dân để lập quỹ này chỉ để phục vụ cho một nhóm dân cư.
Ngoài ra, với các phương án huy động vốn khác như nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ, vốn từ phát hành công trái hay tiền lãi góp tiết kiệm của người mua, thuê mua nhà ở xã hội…. cũng đều không khả thi. Quỹ này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nên lấy tiền đâu để trả lãi suất trái phiếu Chính phủ?
“Còn nếu nói lấy tiền góp vốn tiết kiệm từ người mua nhà thì cũng không có cơ sở, vì họ có tiền thì mua đứt nhà chứ lý do gì trích tiền đóng vào quỹ” - đại biểu Vẻ phân tích.
Ngược lại, tán thành với quy định về việc thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh, ban soạn thảo cần quy định rõ hơn về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của tổ chức tài chính nhà nước này. Ngoài ra, chỉ nên lập quỹ ở đô thị có nhu cầu nhà ở xã hội cao.
Vấn đề nhà ở công vụ cũng gây băn khoăn cho một số đại biểu. Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) nhận xét, quy định trong dự thảo, cán bộ nào luân chuyển theo yêu cầu công tác đều được hưởng nhà công vụ, là quá rộng, không thể bảo đảm tính khả thi của luật.
Ông Hà cho rằng thực tế hiện nay có sự bất bình đẳng về quyền đương hưởng nhà công vụ giữa 2 đối tượng: cán bộ từ nơi khó khăn luân chuyển về thành phố, thị xã với cán bộ đang ở những nơi thuận lợi đi về vùng sâu vùng xa.
Tán thành quan điểm này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị đưa một phần đối tượng vốn được hưởng chính sách nhà công vụ sang hướng tiếp cận thị trường nhà ở xã hội, qua đó tiết kiệm ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển nhà công vụ trong điều kiện kinh tế khó khăn.
Ông Vinh đề nghị đối tượng hưởng nhà công vụ chỉ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước trong thời gian đảm nhận chức vụ.
Để giải quyết “nghịch lý” về nhà công vụ, ông Vinh đề nghị chỉ quy định chế độ này với cán bộ khi được luân chuyển hoặc tự nguyện về làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới hải đảo. Những vùng này cũng nên có chính sách phát triển nhà công vụ để có cơ sở vật chất thu hút cán bộ.
P.Thảo