Tinh gọn bộ máy: Đưa cán bộ năng lực yếu, thiếu trách nhiệm ra khỏi đội ngũ
(Dân trí) - Theo TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, không nên đi theo lối mòn sáp nhập tổ chức một cách cơ học, thà ít mà tốt còn hơn nhiều mà không tốt.
Tại buổi tiếp xúc cử tri tỉnh Hưng Yên ngày 2/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, tinh gọn bộ máy không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả. Từ đó, tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp.
"Không để cơ quan Nhà nước là vùng trú an toàn cho cán bộ yếu kém", Tổng Bí thư nêu rõ.
Không nên đi theo lối mòn sáp nhập cơ học
Về tinh gọn bộ máy, trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ), cho rằng, không nên đi theo lối mòn sáp nhập tổ chức một cách cơ học.
Ông Tuấn cho biết, sau mỗi lần sáp nhập, mặc dù đầu mối tinh gọn lại nhưng biên chế, số lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn không thay đổi và số lượng cấp phó lại tăng lên trong tổ chức mới.
Từ thực tế đó, ông Tuấn cho rằng sẽ dẫn đến câu chuyện vướng mắc trong điều hành, trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức mới.
"Nếu chúng ta vẫn tư duy theo lối mòn trước đây, tinh gọn bộ máy nhưng lại không giảm được biên chế, khi số lượng biên chế không giảm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ, ảnh hưởng đến gánh nặng ngân sách mà chưa chắc đã làm tốt nhiệm vụ. Sẽ có tình trạng nhìn nhau, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm…", ông Tuấn nhận định.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc lại lời của Lê-nin: "thà ít mà tốt". Ông Tuấn cho rằng, điều này luôn là chân lý, nhất là khi chúng ta đang chuyển sang chế độ công vụ vị trí việc làm.
"Tôi thấy ít mà tốt còn hơn là nhiều mà không tốt. Thực hiện tinh gọn bộ máy phải xác định được vị trí việc làm và ứng với nó là số lượng người làm việc phù hợp trong mỗi tổ chức.
Đồng thời, cần mạnh dạn bố trí người có năng lực, có trách nhiệm, có tinh thần cống hiến vào tổ chức mới và đưa những người không đủ năng lực, thiếu trách nhiệm ra khỏi đội ngũ, sang làm việc ở khu vực khác", ông Tuấn nêu ý kiến.
Ông Tuấn khẳng định, đây cũng là một cách làm mạnh mẽ, dũng cảm, chấp nhận hy sinh như một sự cống hiến vì sự nghiệp phát triển đất nước trong thời đại mới, kỷ nguyên mới.
Cần thực hiện tổng thể và toàn diện
Liên quan đến vấn đề tinh gọn bộ máy, đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, đây là chủ trương lớn đã được thực hiện ở nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây và đã làm rất quyết liệt.
Ông Hạ cho biết, thời gian qua, việc tinh giản bộ máy, tinh gọn biên chế đã đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt từ việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, xóa bỏ các tổng cục, các cấp tầng nấc trung gian ở các bộ, ngành cũng được thực hiện rất quyết liệt.
Tuy nhiên, theo ông Hạ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy liên quan đến con người, liên quan đến bộ máy là một việc khó, nhạy cảm và phức tạp. Do đó, đòi hỏi cần có sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao nhất.
"Đây là thời điểm phù hợp, bởi chúng ta đã có thời gian dài thử nghiệm, áp dụng, sơ kết, tổng kết và rút ra được những kinh nghiệm. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 là phép thử cho việc tinh gọn bộ máy, ứng dụng công nghệ", ông Hạ nói.
Ông Hạ cho biết, điều đó càng khẳng định cả về cơ sở lý luận, thực tiễn và xu thế cũng đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ tinh gọn bộ máy như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".
Vị đại biểu cho rằng, để tinh gọn bộ máy không phải chỉ cắt gọt, sáp nhập cơ học, xóa bỏ một cách cơ học mà cần phải tính đến một cách tổng thể và toàn diện.
Theo ông Hạ, cùng với tinh gọn bộ máy thì phải được thực hiện đồng bộ trong cải cách đổi mới xây dựng thể chế pháp luật và hoàn thiện chính sách pháp luật.
Bên cạnh đó, ông cho rằng, trong công tác cán bộ phải xem con người là quan trọng nhất, cần phải đổi mới cả tuyển chọn con người.
"Làm sao có cơ chế tinh, gọn nhưng phải chủ động, linh hoạt. Cần tránh câu chuyện người được làm việc và người làm được việc, cần khuyến khích những người làm được việc", ông Hạ nói.
Cần có tiêu chí cụ thể đánh giá cán bộ
Về vấn đề này, đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) cho rằng, với việc tinh gọn ở cơ sở, cần cân nhắc tùy vào từng ngành nghề, không chia tỷ lệ tinh giản cào bằng như hiện nay.
Đại biểu nêu ví dụ, trong ngành giáo dục không nên tinh giảm cơ học 10% theo từng năm, mà cần căn cứ vào tỷ lệ học sinh để thực hiện chủ trương của Đảng là nơi nào có học trò, nơi đó có giáo viên.
Theo đại biểu, thời gian qua, có một số nơi đã tinh giản cơ học theo kiểu cán bộ nghỉ hưu và không tuyển dụng mới. Để thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, cần rà soát và có cơ chế phù hợp đối với đối tượng thuộc diện tinh giản.
Ngoài ra, cần có tiêu chí cụ thể đánh giá cán bộ, làm cơ sở thực hiện tinh giản đúng đối tượng, đảm bảo tinh gọn cả bộ máy và nhân lực.