Tinh giản biên chế: Không ngại ‘con ông, cháu cha’
Ngay cả chủ tịch, phó chủ tịch quận, tiến sĩ…nếu không đảm bảo tiêu chí, không hoàn thành nhiệm vụ hai năm liên tiếpthì cũng sẽ bị tinh giản biên chế.
Sáng 11-11, ông Lê Văn Làm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, đã dành cho báo chí cuộc trao đổi liên quan đến đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 trên địa bàn TP.HCM mà sở này vừa trình ủy ban phê duyệt. Ông Lê Văn Làm nói: “Muốn bộ máy nhà nước mạnh mà cái gì Nhà nước cũng ôm hết thì không bao giờ mạnh được. Tới đây các đơn vị sự nghiệp sẽ được xã hội hóa. Và chúng tôi tin rằng khi sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, bộ máy nhà nước sẽ tinh gọn hơn, mạnh hơn. Sự quản lý nhà nước sẽ tốt hơn”.
Chủ tịch quận, tiến sĩ đều có thể bị tinh giản
. Phóng viên: Đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế tới đây thế nào, thưa ông?
+ Ông Lê Văn Làm: Đó là những đối tượng được quy định trong Điều 6 Nghị định 108/2014. Cụ thể như cán bộ, công chức, viên chức trong hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ; dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác…
. Đề án có phân biệt giữa cán bộ có chức vụ và không có chức vụ không?
+ Không có chuyện người không có chức vụ thì cho nghỉ việc, còn người có chức vụ thì không. Nghị định 108 quy định rạch ròi, người đứng đầu đơn vị nếu hai năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng là đối tượng để tinh giản biên chế.
Nếu anh là giám đốc, phó giám đốc các sở, ngành, chủ tịch hay phó chủ tịch UBND các quận, huyện mà hai năm liền kề không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng là đối tượng thuộc diện tinh giản. Không có rào cản nào, không có phân biệt cụ thể là có chức vụ hay không có chức vụ. Ngay cả tiến sĩ, thạc sĩ nếu không đảm bảo tiêu chí, nằm trong đối tượng không hoàn thành nhiệm vụ hai năm liên tiếp thì cũng là đối tượng tinh giản biên chế.
Đợt tinh giản biên chế lần này là dịp để từng địa phương, từng cơ quan rà soát cơ cấu tổ chức bộ máy có trùng lắp hay không, tổ chức lại cho phù hợp hơn.
. Nếu trong quá trình rà soát lại bộ máy, thấy có con cháu của một vị cán bộ quản lý, lãnh đạo nào đó mà nằm trong diện phải cắt giảm. Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho UBND TP xử lý ra sao?
+ Mấy chục năm làm quản lý nhà nước, tôi chưa gặp trường hợp nào có thư tay bênh vực cho con cháu của các vị lãnh đạo làm sai. Chúng tôi cũng không bị áp lực nào đối với việc này. Cho nên mừng là lãnh đạo mình ý thức được và tích cực giáo dục cho con em mình nếu làm trong bộ máy nhà nước phải làm tích cực và chịu khó học tập.
Trong trường hợp nếu có can thiệp, chúng tôi cũng phải thực thi đúng trách nhiệm của mình. Tôi nghĩ rằng việc này không những người đứng đầu TP ủng hộ mà người dân năng động, sáng tạo cũng sẽ đồng tình với cách làm của chúng tôi.
Sau khi sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, bộ máy nhà nước sẽ tinh gọn hơn, sự quản lý nhà nước sẽ tốt hơn. Ảnh minh họa: HTD
Sở, ngành, quận, huyện sẽ cắt giảm 1.300 người
. Lộ trình để thực hiện tinh giản biên chế ở TP.HCM ra sao?
+ Từ năm 2015 đến 2021, chúng ta tinh giản 10%, tương đương gần 14.000 cán bộ, công chức, viên chức. Hiện nay, Sở Nội vụ tổng hợp trình ủy ban đề án tinh giản biên chế và ủy ban đang xem xét nhưng chưa ký ban hành.
Theo lộ trình, trước tiên cần phải tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để cho những cán bộ, công chức, viên chức nắm được, nhất là về nguyên tắc, đối tượng, cách tính đối với những người bị cắt giảm biên chế như thế nào. Sau đó sẽ rà soát, sắp xếp lại, đây là việc làm thường xuyên.
Song song đó, bố trí lại một số cơ quan cho phù hợp. Ví dụ như một số dự án giống nhau, cần tổ chức lại một đầu mối. Khi sắp xếp lại sẽ lựa chọn những người có trình độ, năng lực hơn, còn những người không có năng lực thì đào tạo lại, bố trí qua đơn vị sự nghiệp khác. Mặt khác, do thời gian vừa qua chúng ta sử dụng người cũng chưa đáp ứng được trình độ, cho nên là khi cắt giảm nếu ai còn tuổi bắt buộc phải đào tạo lại, còn không thì tạo điều kiện cho họ nghỉ.
. Vừa rồi có đại biểu Quốc hội nói ở nước ta có tình trạng là cứ càng tinh giản biên chế thì bộ máy lại phình ra, ông nhìn nhận điều này thế nào?
+ Thực tế đó là đúng chứ không sai. Nói gì thì nói, rõ ràng áp lực khi giải quyết cho một người nghỉ cũng khó. Vô đã khó, nghỉ còn khó hơn. Muốn cho ai đó nghỉ thì họ phải hội tụ đầy đủ các điều kiện bị tinh giản. Cho nên lộ trình lần này được triển khai một cách căn cơ hơn. Với điều này, chúng tôi tin tưởng rằng từ nay đến 2021 tinh giản biên chế sẽ thực chất hơn, bộ máy càng ngày càng tinh gọn hơn, đội ngũ cán bộ, công chức sẽ ngày càng mạnh hơn.
. Để xây dựng đề án này, Sở đã tính toán hệ quả biến động và xử lý những biến động đó như thế nào?
+ Như đã nói, TP thực hiện việc tinh giản có lộ trình, tính toán cụ thể và không làm xáo trộn. Chúng ta có tuyên truyền, do đó các cơ quan sẽ không bị bất ngờ bởi vì mình đã chuẩn bị trước rồi. Chẳng hạn riêng đội ngũ công chức nhà nước ở các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, chúng tôi thấy rằng trong 13.000 người biên chế, trong lộ trình năm năm sẽ giảm 10%, tức là cắt giảm 1.300 người.
. Số tiền ngân sách phải bỏ ra để chi trả cho đối tượng tinh giản biên chế cụ thể thế nào, thưa ông?
+ Số tiền ngân sách bỏ ra để chi trả cho đối tượng tinh giản biên chế không thể ước lượng được vì mỗi người có chế độ khác nhau. Như bản thân tôi đây, 39 năm công tác, nếu nghỉ sẽ lãnh ít nhất 200 triệu đồng. Nhìn chung chế độ chính sách cho đối tượng tinh giản biên chế vừa ưu đãi, vừa tạo điều kiện cho họ có điều kiện tốt hơn như đào tạo lại, giới thiệu việc làm mới.
. Xin cám ơn ông.
Sở Nội vụ sẽ làm gương trước
. Phóng viên: Riêng đối với Sở Nội vụ, kế hoạch tinh giản biên chế sắp tới ra sao, thưa ông?
+ Ông Lê Văn Làm: Là cơ quan tham mưu cho ủy ban thực hiện đề án này nên trước mắt chúng tôi sẽ tự rà soát lại mình và đã xây dựng kế hoạch tinh giản ngay trong năm 2016. Trong sáu tháng đầu năm 2016, Sở Nội vụ sẽ cắt giảm bốn người. Là cơ quan tham mưu chính thì Sở phải là đơn vị gương mẫu đầu tiên.
Theo Tá Lâm
Pháp luật TP HCM