“Tỉnh còn làm sai, trách gì anh em xã”
(Dân trí) - Ông Mai Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, trong số những vi phạm đất đai, 70% là do cán bộ xã. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên theo ông Ninh là do luật: “Luật thế này, tỉnh còn làm sai, trách gì anh em xã”.
Đã có rất nhiều những vướng mắc, bất cập trong chính sách đất đai được những người làm công tác quản lí tại các địa phương thẳng thắn mổ xẻ trong Hội nghị toàn quốc về công tác quản lí tài nguyên môi trường diễn ra hôm qua, 27/2.
Nhiều qui định không thực hiện nổi
Ông Lê Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã đọc một bản tham luận dài tới vài chục trang thể hiện những khó khăn, những nóng bỏng liên quan đến quản lí, sử dụng đất đai ở Thủ đô.
Theo ông Đôn, tính pháp chế, tính phòng ngừa của chính sách đất đai còn hạn chế dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người ngày càng tăng, cả về số vụ việc và tính phức tạp. Những vụ việc tồn đọng trước đây chưa giải quyết, sau khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, việc giải quyết khó khăn hơn. Nhiều khiếu kiện đòi hỏi vận dụng những điều kiện qui định mới để hồi tố những vụ việc trước đây đã giải quyết, nhất là trong giải phóng mặt bằng…
Về những khiếu kiện trong thời gian gần đây, theo ông Đôn có một nguyên nhân quan trọng là do qui định về giá đất còn nhiều mâu thuẫn dẫn đến khi thực hiện, chính quyền địa phương hết sức lúng túng. Cũng theo ông Đôn, do chưa có cơ quan nào độc lập kiểm chứng tính phù hợp mức giá do cơ quan nhà nước ban hành, dẫn đến tình trạng, nhà nước định giá đất làm căn cứ giải phóng mặt bằng, người dân cho là thấp còn khi thực hiện nghĩa vụ thì các tổ chức, cá nhân cho là cao.
| |
Vấn đề đất đai nóng cả bên lề hội nghị. |
Vị Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm “chưa ổn” trong các Nghị định quan trọng. Nghị định 181 qui định, nhà nước thu hồi đất cho các dự án nhóm A, dự án 100 vốn nước ngoài. Còn dự án nhóm B, C thì chủ đầu tư phải tự thỏa thuận với người sử dụng đất. Đây là bất hợp lí, phân biệt đối xử nhà đầu tư trong khi quyền lợi, nghĩa vụ thực hiện như nhau.
Đó là chưa kể khi người sử dụng đất đòi hỏi giá cao hoặc khi đã thỏa thuận được chủ sử dụng này mà không được chủ khác bằng lòng thì chủ đầu tư chưa thể lập được hồ sơ. Thực tế, trong hai năm qua trên địa bàn Hà Nội chưa có dự án nào thành công trong việc tự thoả thuận việc chuyển quyền sử dụng đất trong qui hoạch để thực hiện dự án đầu tư.
Nghị định 17-CP/2006 qui định: khi thu hồi đất nông nghiệp bồi thường bằng đất nông nghiệp khác… trong trường hợp không có đất mới thì bồi thường bằng tiền. Thực tế, theo Nghị định 64-CP nhà nước đã giao đất nông nghiệp ổn định lâu dài cho nông dân. Muốn có đất bồi thường lại phải thu hồi của các hộ khác. Qui định này là thiếu khả thi và cũng là nguyên nhân gây ra khiếu kiện.
70% sai sót là do cán bộ xã
Theo ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá đất là một trong những vấn đề làm phức tạp việc quản lí đất đai ở địa phương. Qui định ngày 1/1/2007 ban hành giá đất đã phát sinh nhiều thứ rắc rối: “Người đi trước một giá, người đi sau một giá, anh 2005 khiếu nại anh 2006”. Từ phân tích đó, ông Thới cho rằng, nên qui định thời gian công bố giá đất là 3 năm.
Vị lãnh đạo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho rằng, phải tăng cường lực lượng cho cơ sở. Nguyên nhân của tranh chấp khiếu nại kéo dài, theo ông là do cơ sở làm hồ sơ không chất lượng. Cấp huyện, cấp tỉnh nhiều khi cũng duyệt hồ sơ với tinh thần làm đại cho xong, không phát hiện sai sót từ đầu.
Ông Mai Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thể hiện sự đồng quan điểm với ông Thới bằng dẫn chứng, trong số vi phạm đất đai ở Thanh Hóa, 70% là do cán bộ xã. Trong đó, có những vi phạm do cố ý, có những vi phạm do trình độ hạn chế. “Luật đất đai như thế này, tỉnh còn làm sai, trách gì anh em xã”, ông Ninh giãi bày.
Bộ trưởng Mai Ái Trực: Khó tin địa phương báo cáo không có quy hoạch treo Thời hạn giải quyết dứt điểm tình trạng quy hoạch “treo” trong cả nước theo Nghị quyết của Quốc hội không còn xa (tháng 7/2007). Mục tiêu này có khả thi, thưa Bộ trưởng? Phiên họp Chính phủ vào ngày 2, 3/3 tới đây sẽ bàn về vấn đề này. Quan điểm là phải xử lý dứt khoát. Tôi nghĩ việc xử lý không phức tạp đến mức cần nhiều thời gian, vấn đề là các địa phương họ có làm hay không. Vừa qua, một số địa phương báo cáo đã “xoá” một số khu quy hoạch treo. Bộ trưởng đánh giá thế nào về hiệu quả của “động thái” đó trong việc giải quyết vấn nạn quy hoạch treo? Vấn đề tôi thường nói về quy hoạch treo chính là “treo” cái quyền của dân, như vậy là không thể chấp nhận được. Quy hoạch nào thì cũng phải có thời hạn, tiến trình. Chỉ cần các địa phương công bố cho dân trong vùng quy hoạch biết được các quyền của họ thì đã xoá được một phần quy hoạch treo. Một số địa phương báo cáo là ở tỉnh, thành mình không có quy hoạch treo. Thông tin này rất đáng mừng, thưa Bộ trưởng? Có nhiều địa phương tôi không tin và sắp tới tôi sẽ đi kiểm tra. Tôi sẽ dành thời gian từ nay đến tháng 6 này kiểm tra một số địa phương. Ở những khu quy hoạch bị dân kêu ca mà địa phương đó bảo không có thì tôi sẽ mời lãnh đạo địa phương đến và chỉ cho họ thấy. Bộ trưởng sẽ xử lý thế nào nếu phát hiện sai phạm khi kiểm tra? Theo thẩm quyền, Bộ trưởng có quyền yêu cầu địa phương khắc phục, nếu họ không khắc phục thì Bộ trưởng có quyền báo cáo với Thủ tướng. Những địa phương có quy hoạch treo làm thiệt hại lợi ích của người dân thì đề nghị Thủ tướng xử lý. Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là lần này sẽ làm quyết liệt. |
Cấn Cường - Phương Thảo