1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tin thêm về vụ 114 người Việt bị bắt giữ ở Nga

Đâu là sự thật của thông tin 114 người Việt bị cảnh sát Nga bắt giữ? Số phận của họ hiện nay ra sao? Đó là nội dung chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Minh Dần, Bí thư thứ nhất, Thường trực Ban Công tác cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, chiều qua 26/9.

Xin ông xác nhận thông tin 114 người Việt bị cảnh sát Nga bắt giữ hôm 24/9/2006? Số phận của bà con hiện nay ra sao?

 

Tôi vừa liên lạc với những người Việt Nam phụ trách khu nhà trong đó có xí nghiệp may ở Orekhovo-Zuevo và được khẳng định: Không có chuyện bắt giữ nào như báo chí đã thông tin cả.

 

Đó chỉ là việc kiểm tra tính pháp lý của công dân người Việt trong việc cư trú, kinh doanh và sản xuất ở thành phố này. Thời gian qua, không chỉ tăng cường kiểm tra việc cư trú, chính quyền LB Nga cũng thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về hoạt động thương mại đối với cộng đồng người Việt như giấy phép kinh doanh, giấy phép lao động, nộp thuế…

 

Trong vụ kiểm tra ở Orekhovo-Zuevo, cảnh sát Nga đã phạt hành chính 41 người Việt cư trú bất hợp pháp, mỗi người 1.000 rúp (khoảng 40 USD). Riêng xí nghiệp may thì do người chủ chưa có đủ giấy phép nên bị cảnh sát niêm phong máy móc và nhà xưởng. Hiện nay, tất cả 114 người Việt bị kiểm tra giấy tờ vẫn bình an, sinh hoạt bình thường tại nơi đang cư trú.

 

Phải chăng việc tăng cường kiểm tra ấy phần nào chứng tỏ địa vị pháp lý rất thấp của bà con người Việt Nam tại Nga hiện nay?

 

Nói vậy chưa hẳn chính xác. Đúng là trước đây, địa vị pháp lý của cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga rất phức tạp và khó khăn (theo một vài số liệu, có lúc trên toàn LB Nga, có khoảng trên 70% tổng số người Việt Nam cư trú bất hợp pháp). Thế nhưng gần 2 năm trở lại đây, tình hình đã khác. Đa số bà con người Việt đều cố gắng để có giấy cư trú hợp pháp. Riêng ở Mátxcơva, khoảng gần 80% trong tổng số gần 40.000-50.000 người Việt Nam có giấy phép cư trú hợp pháp.

 

Ông có thể nói rõ hơn vấn đề đăng ký hộ khẩu của cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga theo quy định của luật pháp Nga?

 

Số người trong cộng đồng Việt Nam tại LB Nga có đủ điều kiện xin được thẻ thường trú và giấy phép cư trú tạm thời rất ít, đa số thuộc đối tượng đăng ký lưu trú tạm thời (hộ khẩu tạm trú). Để có điều kiện đăng ký lưu trú tạm thời, công dân Việt Nam làm ăn tự do tại LB Nga phải tìm được công ty hoặc chủ thuê họ. Người chủ phải có giấy phép của Cơ quan Di trú LB Nga cho phép nhận lao động Việt Nam và làm các thủ tục theo quy định để xin giấy phép lao động cho từng người.

 

Nguyên tắc là như vậy nhưng thực tế bà con người Việt tại Nga thường xuyên bị cảnh sát sách nhiễu?

 

Mặc dù LB Nga không phân biệt đối xử với công dân nước ngoài cư trú, làm ăn ở nước họ, kể cả với công dân Việt Nam nhưng không thể phủ nhận một thực tế là tình trạng tiêu cực, hối lộ hiện nay trong một bộ phận lực lượng thi hành pháp luật của Nga. Trong thực tế, cộng đồng người VN có một số đặc điểm riêng nên thường gây sự chú ý đối với các cơ quan chức năng của địa phương và một phần trong dân chúng Nga.

 

Hầu như các chợ, trung tâm thương mại lớn của người Việt Nam ở Mátxcơva thường xuyên bị kiểm tra, bị phạt tiền và đe dọa bị đóng cửa. Khi bị kiểm tra thì bà con thường “lót tay” cho những người thi hành công vụ. Điều này làm ảnh hưởng đến cộng đồng người Việt nói chung.

 

Về lâu dài theo ông cần phải làm gì để củng cố sự tồn tại và phát triển của bà con người Việt tại LB Nga, góp phần phát triển sự hợp tác toàn diện giữa hai nước?

 

Cộng đồng Việt ở LB Nga là một bộ phận trong cộng đồng người VN ở nước ngoài nói chung. Tuy nhiên, với những lý do đặc thù, nguồn gốc cộng đồng người Việt ở LB Nga hiện nay khá phức tạp, một phần có lịch sử từ thời Liên Xô theo Hiệp định Chính phủ. Do đó cần xử lý vấn đề này một cách tổng thể ở cấp Chính phủ hai nước, thông qua đàm phán, thương lượng.

 

Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục trao đổi để thống nhất nội dung với bạn về Hiệp định hợp tác lao động giữa hai nước nhằm có cơ sở pháp lý giải quyết những tồn tại của một bộ phận cộng đồng sang Nga trước đây theo Hiệp định hợp tác lao động…

 

Một việc rất quan trọng là làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục từ trong nước để nhân dân hiểu thực chất những khó khăn, phức tạp trong việc làm ăn, sinh sống ở Nga, tránh tư tưởng tìm mọi cách sang Nga để làm giàu.

 

Chính phủ cần có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn, trừng trị các cá nhân hoặc tổ chức, đường dây dịch vụ lừa đảo, đưa người sang Nga, đẩy bà con vào đường cùng. Trong một số trường hợp, các cơ quan chức năng trong nước phối hợp với cơ quan đại diện để xử lý nghiêm những đối tượng tội phạm đang hoạt động trong cộng đồng tại Nga…

 

Xin cám ơn ông.

 

Theo Hồng Quân

Sài Gòn Giải Phóng