Tìm nguyên nhân khiến người nghèo không chịu... thoát nghèo

(Dân trí) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng tính bao cấp trong nhiều chính sách giảm nghèo dường như đã tăng lên một cách không hợp lý, dẫn tới tình trạng người nghèo không muốn thoát nghèo.

Tại hội nghị về giảm nghèo bền vững sáng nay 16/1, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong năm 2014 khoảng 34,7 nghìn tỷ đồng.

Theo bộ này, sự chồng chéo của hệ thống chính sách giảm nghèo là một thực tế và đang trở thành một nhân tố cản trở hiệu quả thực hiện chính sách và mục tiêu giảm nghèo. Các văn bản, chính sách được ban hành theo đề nghị, kiến nghị của nhiều bộ ngành, cơ quan thực hiện nhưng thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan. Số lượng chính sách ban hành nhiều, khó kiểm soát, một đối tượng cùng lúc được hưởng nhiều chính sách…. đã dẫn đến tình trạng trùng lắp các chính sách, phân tán nguồn lực, chi phí cho các khâu trung gian tăng lên, không hướng đúng vào cho mục tiêu giảm nghèo.

Tìm nguyên nhân khiến người nghèo không chịu... thoát nghèo
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng đề án chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đói để các giải pháp được thiết thực hơn.

Hơn nữa các nhóm chính sách hỗ trợ nhiều khi bị dàn trải, mang tính độc lập giữa các nhóm chính sách và kể cả độc lập giữa các chính sách trong cùng một nhóm. Đồng thời tính bao cấp trong nhiều chính sách giảm nghèo dường như đã tăng lên một cách không hợp lý, hỗ trợ nhiều bằng tiền mặt hoặc hiện vật, hỗ trợ không kèm theo điều kiện ràng buộc cụ thể, dẫn tới tình trạng sử dụng các nguồn hỗ trợ không đúng mục tiêu chính sách đã đề ra và tình trạng không muốn thoát nghèo của không ít hộ và địa phương.

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết từ tháng 5/2013 đến nay đã phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các bộ ngành liên quan, UNDP, Irish Aid chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đói từ đơn chiều sang đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

Qua thảo luận với các bộ ngành, tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế, trước mắt dự kiến 5 chiều: y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống (bao gồm nước sinh hoạt và vệ sinh), tiếp cận thông tin. Việc làm cũng là nhu cầu của người dân, tuy nhiên qua thảo luận chưa lựa chọn được chỉ số đo lường phù hợp; bảo hiểm xã hội cũng rất quan trọng để hạn chế rủi ro, tuy nhiên hiện nay tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội ở nước ta mới đạt dưới 20%, mặt khác liên quan nhiều hơn đến đối tượng có thu nhập khá, vì vậy tạm thời chưa đưa vào đo lường.

Theo đề xuất của bộ này, hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người từ mức sống tối thiểu trở xuống (1,3 triệu đồng/ người/ tháng khu vực thành thị và 1 triệu/người/tháng khu vực nông thôn) và thiếu hụt từ 1/3 nhu cầu xã hội cơ bản trở lên. Hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người từ mức sống tối thiểu trở xuống (1,3 triệu đồng/ người/ tháng khu vực thành thị và 1 triệu đồng/ người/ tháng khu vực nông thôn) và thiếu hụt dưới 1/3 nhu cầu xã hội cơ bản. Hộ có mức sống trung bình là hộ có nhu cầu thu nhập bình quân đầu người dưới mức sống ttrung bình (cao gấp 1,5 lần mức sống tối thiếu), cao hơn mức sống tối thiểu và thiếu hụt dưới 1/3 nhu cầu xã hội cơ bản.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết trong quá trình chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, chuẩn nghèo đa chiều và chuẩn nghèo chi tiêu/ thu nhập sẽ được sử dụng song song và theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TW và Nghị quyết 76/2014.

Trong khi đó, Ủy ban Dân tộc cho biết cả nước hiện còn khoảng 42.184 hộ gia đình thiếu đất ở, 231.554 hộ thiếu đất sản xuất (trong đó 4.335 hộ có nhu cầu chuộc đất thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long), 115.073 hộ có nhu cầu đào tạo nghề, mua sắm nông cụ, 26.142 hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề, 613.901 hộ cần hỗ trợ về nước sinh hoạt…

Sau khi nghe nhiều bộ ngành liên quan phát biểu về định hướng, giải pháp để giảm nghèo một cách bền vững, hiệu quả, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Mình muốn rút ngắn khoảng cách với các nước thì phải có gì đột phá. Mình đầu tư, họ cũng đầu tư, thậm chí họ còn đầu tư lớn hơn mình rất nhiều. Muốn rút ngắn được thì phải đầu tư, đặc biệt chú ý vào khoa học kỹ thuật”.

Phó Thủ tướng cho rằng đào tạo nghề, kỹ năng cho nông dân phải khác đào tạo cho lực lượng có trình độ trung học, đại học. “Lần tôi vào An Giang, xuống Công ty Bảo vệ thực vật An Giang mới thấy họ hỗ trợ cho nông dân bằng một đội quân kỹ thuật lên tới cả nghìn người. Những người này xuống giúp cho nông dân theo kiểu “3 cùng”, dạy họ cấy thế nào, sử dụng phân bón ra làm sao và khi có sâu bệnh thì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thế nào là đúng, rất cụ thể. Hôm chúng tôi vào thì có một anh nông dân phát biểu một ý rất đáng suy nghĩ. Anh ấy đề nghị ông tổng giám đốc công ty nên có kế hoạch rút đội ngũ đội kỹ thuật viên này, nhưng rút từ từ thôi để đảm bảo hiệu quả. Như thế có thể thấy việc giúp người nông dân phải thiết thực chứ không phải gọi lên lớp để giảng bài thế này thế kia”- Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.

Thế Kha