1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tìm người trong ảnh

Trần Văn Đức - nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát Sơn Mỹ - khẳng định, ông chính là người trong bức ảnh gây tranh cãi, còn Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Quảng Ngãi và Bảo tàng Sơn Mỹ thì bảo không phải!

Trong khi đó, tác giả bức ảnh kèm theo bài ghi chép này thì lặn lội nửa vòng trái đất trở lại Sơn Mỹ để “tìm người trong ảnh”.

 

Kẻ bảo “có”, người nói “không”

 

Sáng 24/10, ông Ronald Heaberle bất ngờ trở lại Sơn Mỹ sau 43 năm “im lặng”. Ông là người đã ghi lại bằng hình ảnh phần lớn cuộc tàn sát đẫm máu vào sáng ngày 16.3.1968 và đưa ra ánh sáng vụ bê bối này của quân đội Mỹ. Cùng đi với Ronald Heaberle còn có một Việt kiều từ Cộng hoà Liên bang Đức tên là Trần Văn Đức - 49 tuổi, một trong những nạn nhân của vụ thảm sát.
 
Tìm người trong ảnh  - 1
Ông Ronald Heaberle giở lại bản đồ để xác định vị trí chụp bức ảnh. Ảnh: T.Đ

 

Ông Đức mời ông Ronald trở lại Sơn Mỹ vừa là để thăm lại “chiến trường xưa”, vừa là để xác định giúp ông làm sáng tỏ ai là người trong bức ảnh gây tranh cãi trong nhiều năm qua kể từ khi ông Trần Văn Đức trở lại quê nhà Sơn Mỹ và nhìn các chú thích trong một số bức ảnh được trưng bày tại Bảo tàng Sơn Mỹ có nhiều chỗ chưa đúng.

 

Ông Đức cũng đã nhiều lần viết đơn khiếu nại gửi các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi lẫn Bộ VHTTDL yêu cầu đính chính. Một trong những yêu cầu đó là việc phải đính chính bức ảnh “Người anh che đạn cho em”. Theo ông Đức, Bảo tàng Sơn Mỹ ghi: “Trương Bốn che đạn cho Trương Năm, cả hai đã bị lính Mỹ giết chết” là sai, ông mới chính là người trong ảnh.

 

Ông Đức kể lại: “Sáng ngày 16/3/1968, tôi cõng đứa em gái Trần Thị Hà (sinh năm 1967) thoát ra từ chỗ thảm sát trên 100 người tại Tháp Canh và chạy về hướng tỉnh lộ để lên Sơn Hội - quê ngoại của tôi. Trên đường chạy thì tôi nhìn thấy một chiếc máy bay cá mập quần lượn trên trời nên cứ nghĩ họ sẽ bắn mình. Tôi nằm trùm lên đứa em gái để che cho nó đỡ sợ. Sau đó thì cả hai anh em thoát ra đường lớn và chạy về phía Sơn Thành  rồi về Sơn Hội”.

 

Trong khi đó, Bảo tàng Sơn Mỹ thì khăng khăng phủ nhận ông Đức không phải là người trong ảnh. Ông Phạm Thành Công - Giám đốc Bảo tàng Sơn Mỹ - trưng ra cuốn tạp chí Life có in loạt ảnh của ông Ronald Heaberle với lời chú thích: “When these two boys were shot at”, says Haeberle, “the older one fell on the little one, as if to protect him. Then the guys finish them off” (“Khi hai đứa trẻ  bị bắn, đứa lớn nằm đè lên đứa nhỏ như để che chở cho em nó. Nhưng lính Mỹ đã kết liễu cuộc đời cả hai” - bản dịch của Sở VHTTDL trả lời đơn khiếu nại ông Đức ngày 22/4/2011).

 

Bám vào lời chú thích này, Bảo tàng Sơn Mỹ đã “độ chế” thêm: “Trương Bốn che đạn cho Trương Năm, cả hai đã bị giết chết”. Sau khi có đơn khiếu nại của ông Đức, bảo tàng đã “sửa sai” bằng việc bỏ tên hai đứa trẻ Bốn và Năm nhưng vẫn giữ nguyên “cả hai đã bị giết chết”, nghĩa là ông Đức cũng không phải là người trong ảnh!

 

Trả lời câu hỏi của tôi “vì sao không gạch nốt câu “cả hai đã bị giết chết” có đỡ rắc rối hơn không?”, ông Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VHTTDL - nói: “Chúng tôi phải căn cứ vào văn bản gốc, đó là lời chú thích trong tạp chí Life, trong đó ông Ronald nói “two boys” (hai bé trai) và “Then the guys finish them off” (Rồi thì lính Mỹ đã kết liễu chúng)”. Tuy nhiên, tại buổi “đối chứng” ngày 24.10.2011 tại Bảo tàng Sơn Mỹ giữa ông Ronald Heaberle với cán bộ của bảo tàng thì ông phủ nhận lời chú thích đó.

 

Ông nói rằng, ông chỉ gửi ảnh cho Tạp chí Life và tường thuật lại vụ thảm sát chứ không chú thích như vậy. Ronald thuật lại: “Khi thoát ra khỏi máy bay trực thăng, tôi thấy hai đứa trẻ nằm đè lên nhau, còn cựa quậy và tôi bấm máy, xong tôi tiếp tục đi về hướng có trái màu do hai viên phi công H.Thompson và  L.Colburn thả xuống để ngăn cản lính Mỹ chuẩn bị giết những người phụ nữ ở Sơn Mỹ. Tôi không biết hai đứa bé ấy là trai hay gái, sau đó chúng có bị giết chết không”. Như vậy, tác giả bức ảnh trong buổi “đối chất” ấy vẫn không xác định một cách chắc chắn ai là người trong ảnh, song việc Bảo tàng Sơn Mỹ ghi: “Cả hai bị giết chết” là một cách chú thích mập mờ nhằm loại ông Đức ra khỏi bức ảnh!

 

Tìm người trong ảnh

 

Tuy nhiên, điều khá bất ngờ là cả ngày 25/10, ông Ronald Heaberle dành toàn bộ thời gian để đi lại trên những con đường làng mà 43 năm trước ông đã đi để thực hiện loạt ảnh về vụ thảm sát. Ông Trần Văn Đức đã dẫn ông Ronald đi trên con đường mà theo ông Đức, ông đã “che đạn” cho đứa em gái ông.
 
Tìm người trong ảnh  - 2
Bức ảnh gây tranh cãi. Ảnh: Ronald Haeberle

 

Ông Đức đã hỏi một số nhân chứng để xác định lại việc ông đã cõng đứa em đi trên con đường làng này sau khi đã thoát khỏi vũng máu tại Tháp Canh. Bà Cúc - nay ngoài 70 tuổi - khẳng định rằng ông Đức đã cõng em “chạy giặc” ngang qua ngõ nhà bà vào buổi sáng hôm đó. Ngõ nhà bà Cúc này dẫn đến tỉnh lộ - nơi ông Ronald Heaberle đã chụp bức ảnh.

 

Rất cẩn trọng, ông Ronald Heaberle giở lại một số bản đồ chi tiết mà ông mang theo để đối chứng lúc ông thoát khỏi máy bay trực thăng rồi chụp ảnh hai đứa bé. Ông Đức thì dẫn chị Hà - đứa em mà ông che đạn - đến đúng địa điểm mà “đứa anh đè lên đứa em để che chở” để ông Ronald Heaberle chụp lại ảnh.

 

Ông Ronald đã tặng tôi tấm ảnh gây tranh cãi này được ông tráng rọi từ phim gốc, góc dưới bên phải có một vệt mờ, tức vai của một tên lính Mỹ, phía trên cũng có một vệt mờ, tức bóng chiếc mũ của tên lính Mỹ. Tấm ảnh được trưng bày tại Bảo tàng Sơn Mỹ không có hai chi tiết nói trên, vì  bảo tàng sử dụng lại từ tạp chí Life đã được tạp chí cắt cúp. Đối chiếu ảnh gốc và ảnh chụp vị trí hôm nay thì có nhiều thay đổi, vì sau 43 năm, nhất là sau ngày giải phóng, người dân đã sửa lại đường, các đám ruộng đã được lấy làm gạch nên không còn trồng lúa nữa.

 

Trước khi rời Quảng Ngãi, ông Ronald có dành riêng cho vài nhà báo “thân tình” đã đeo bám ông suốt 3 ngày ở Sơn Mỹ một cuộc phỏng vấn. Ông nói rằng, theo cách “thuật lại” của Trần Văn Đức, lúc ấy có một chiếc máy bay cá mập lượn trên trời thì đúng là ông cũng chứng kiến cảnh đó. Ông tin người trong ảnh chính là Đức!

 

Cũng chỉ là “tin” bằng cảm giác thế thôi.  Rất khó để tác giả bức ảnh khẳng định ai là người trong ảnh một cách chắc chắn, vì rằng 43 năm qua, điều ông ám ảnh là cuộc chém giết dân thường một cách dã man chứ không phải là bức ảnh về hai đứa bé! Ông lại khẳng định với tôi cái câu mà ông đã nói lúc vừa đặt chân đến Sơn Mỹ: “Ai là người trong ảnh thì cũng đâu có làm thay đổi câu chuyện buồn của Mỹ Lai, đúng không?”.

 

Là người theo dõi “vụ ảnh Mỹ Lai” này từ nhiều năm nay, tôi lấy làm lạ là tại sao Bảo tàng Sơn Mỹ và Sở VHTTDL không “cởi lòng” ra để đón nhận những điều mà bất cứ ai làm công tác bảo tàng cũng rất cần, đó là trả lại sự thật cho những hiện vật mà vì một lý do nào đó, chúng ta đã làm sai lệch chúng đi?

 

Trong lúc ông Ronald, ông Đức và các nhà báo đi lại trên những con đường làng để xác định điểm “nằm” của nhân vật trong ảnh thì bảo tàng lại cử người theo sát và “gây khó” cho những nhân chứng được phỏng vấn.

 

Động thái này vừa phản cảm, vừa gieo vào lòng chúng tôi một mối ngờ vực rằng, đằng sau “sự thật” của bức ảnh ấy là cái gì mà người đứng đầu Bảo tàng Sơn Mỹ lẫn các vị lãnh đạo ngành văn hoá ở Quảng Ngãi luôn cản trở tất cả những ai quan tâm đến bức ảnh ấy? Nếu như ông Đức là người trong ảnh thì cũng đâu có làm giảm “uy tín” gì cho bảo tàng lẫn ngành văn hoá?

 

Còn một “sự thật” nào khác mà ngành văn hoá Quảng Ngãi sợ đụng đến chăng?

 

Theo Trần Đăng

Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm