1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Tìm đâu ra bản đồ Thủ Thiêm kèm với quyết định của Thủ tướng!”

(Dân trí) - Ông Võ Viết Thanh - nguyên Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết chính ông là người trình bày đồ án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, kèm với đó là 13 tấm bản đồ. “Quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng không bao giờ có bản đồ nào khác nên tìm đâu ra! Thủ tướng chỉ đạo bằng văn bản chứ không bao giờ lập thêm bản đồ và ký vào đó”, ông Thanh nói.

Tối 6/5, trao đổi với PV Dân trí, ông Võ Viết Thanh - nguyên Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết ông đã “nằm lòng” khu đô thị mới Thủ Thiêm sau hơn 20 năm đồng hành và lưu giữ những tư liệu của dự án này.

Ông Võ Viết Thanh là Phó Chủ tịch UBND TPHCM giai đoạn 1992 – 1995, từ 1996-2001, ông Võ Viết Thanh là Chủ tịch UBND TPHCM
Ông Võ Viết Thanh là Phó Chủ tịch UBND TPHCM giai đoạn 1992 – 1995, từ 1996-2001, ông Võ Viết Thanh là Chủ tịch UBND TPHCM

Theo ông Thanh, TPHCM đã chuẩn bị rất kỹ từ năm 1992 và kết hợp với các bộ liên quan rất chặt chẽ, đặc biệt là Bộ Xây dựng khi lập đồ án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thành phố làm bản đồ tỷ lệ 1/5.000 và có 13 bản đồ đi kèm với đồ án.

Bao gồm bản đồ tổng thể thành phố; Hiện trạng kiến trúc đất xây dựng và thoát nước; Hiện trạng giao thông - cấp điện; Hiện trạng cấp nước; Tổng thể mặt bằng; Sơ đồ phân khu chức năng; Quy hoạch giao thông; Bản đồ chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng; Sơ đồ quy hoạch cấp nước; Sơ đồ quy hoạch cáp điện; Sơ đồ quy hoạch thoát nước bẩn; Quy hoạch xây dựng đợt đầu (khu Bắc); Quy hoạch chi tiết khu bắc Thủ Thiêm.

“Chúng tôi huy động các chuyên gia đầu ngành và làm rất công phu trong nhiều năm, làm từng bản đồ riêng trên mặt bằng để lãnh đạo dễ hình dung như xử lý nước thải, sử dụng đất, tái định cư… Không thể dồn toàn bộ vào một bản đồ được. Quan trọng nhất là bản đồ sử dụng đất còn các bản đồ kia là để lãnh đạo yên tâm”, ông Thanh nói.

Nguyên Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, khi ông trình bày tờ trình đồ án kèm theo tất cả các bản đồ thì cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cơ bản đồng tình. Sau đó, Văn phòng Chính phủ thảo văn bản để Thủ tướng giao cho thành phố làm một số việc nhỏ khác.

“Quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng không bao giờ có bản đồ nào khác mà ghi chú đi kèm với quyết định này. Khi tôi trình bày nếu Thủ tướng không đồng ý cái gì thì chỉ đạo bằng văn bản. Thủ Thiêm có tới mười mấy bản đồ, Thủ tướng không bao giờ tự mình đặt ra bản đồ và ký vào đó”, ông Thanh khẳng định.

Bản đồ quy hoạch TPHCM được ông Võ Viết Thanh trình bày với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Bản đồ quy hoạch TPHCM được ông Võ Viết Thanh trình bày với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Theo ông Thanh, sau này cán bộ không hiểu quy trình hành chính thời đó hoặc không không thạo thủ tục nên không trả lời chính xác cho người dân và gây ra hiểu lầm.

May mắn là ông đã bỏ công sức gìn giữ tập bản đồ Thủ Thiêm, khi trả lời cho người dân hiểu thì có hiện vật mà đối chiếu. Tuy nhiên, ông cho biết ngoài tập bản đồ gốc ông đang giữ thì còn rất nhiều nơi khác cũng lưu giữ, không thể không có.

“Thủ tướng có nói điều gì trong quyết định kèm theo bản đồ đâu mà bây giờ đi tìm. Tìm không có rồi bịa ra. Người đi khiếu nại mới bực mình vì cho rằng có mà không tìm. Người ngoài cũng tham gia vì thấy ly kỳ rồi bảo làm không chuyên nghiệp… Nhưng lúc đó mình làm đồ án Thủ Thiêm với 13 bản đồ mà còn chuyên nghiệp gì hơn nữa mà không rõ”, ông Thanh nói.

Nguyên Chủ tịch UBND TPHCM cũng chia sẻ thêm, khi làm quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm thì thành phố có tham khảo nhiều nước trên thế giới và ngay cả chế độ cũ cũng đã quy hoạch Thủ Thiêm rồi chứ thành phố “không tự đẻ ra, sáng tạo gì ghê gớm”.

Theo ông Thanh, những lần điều chỉnh dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm sau này nếu được Thủ tướng đồng ý thì hợp pháp còn nếu Thủ tướng không đồng ý hoặc thành phố không được uỷ quyền cho điều chỉnh là làm trái quy định Nhà nước.

Khi được hỏi: “Trường hợp thành phố điều chỉnh quy hoạch, thay đổi cơ cấu sử dụng đất ở Thủ Thiêm mà chưa được sự đồng ý của Thủ tướng thì có giá trị pháp lý hay không?”, ông Thanh cho biết cái này phải kiểm tra lại chưa thể trả lời ngay.

Song theo ông, nếu sau này Chính phủ có uỷ quyền cho quyền hạn của thành phố có lớn hơn thời kỳ ông làm việc, trong đó có cả quyền xét duyệt các quy hoạch mà thẩm quyền thành phố làm thì hợp pháp. Còn nếu không có uỷ quyền, phân cấp mở rộng hơn, mà thành phố tự làm là sai và phải tự chịu trách nhiệm.

Kết thúc cuộc trao đổi, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM một lần nữa nhấn mạnh: “Thủ tướng đâu có biểu thành phố làm bản đồ khác để Thủ tướng ký riêng. Bây giờ tìm đâu cho ra cái bản đồ Thủ tướng kèm theo quyết định mà trả lời ấp úng với người dân… Vấn đề bây giờ là sử dụng đất như thế nào, giải quyết đền bù giải toả, tái định cư cho người dân”.

Quốc Anh