1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ninh Thuận:

Tiểu thương chê chợ mới vì giá thuê quá cao

(Dân trí) - Chợ Tấn Tài là chợ lớn tại tỉnh Ninh Thuận, do đó khi tỉnh di dời chợ đã ảnh hưởng đến rất nhiều tiểu thương và bị bà con phản đối nhiều lần. Một trong những lý do mà bà con không chịu di dời là giá cho thuê sạp ở chợ mới quá cao, thậm chí cao hơn đơn giá tỉnh phê duyệt mà chính quyền không biết.

Còn nhiều bất cập

Chợ Tấn Tài (TP Phan Rang- Tháp Chàm) là chợ đầu mối nông sản của tỉnh Ninh Thuận. Chợ được đầu tư xây dựng vào năm 2003 trên diện tích gần 3.700 m2. Đây là nơi tập trung nguồn rau quả từ khắp nơi trong tỉnh và ngoài tỉnh cung cấp, phân phối đi tiêu thụ cho các địa phương trong tỉnh.

Tiểu thương ở đây thường hoạt động bắt đầu từ một, hai giờ cho đến chừng 5, 6 giờ sáng là vãn chợ. Thế nhưng, qua quá trình kinh doanh, chợ Tấn Tài ngày càng phát sinh nhiều tiểu thương nhỏ lẻ lấy lòng lề đường làm nơi kinh doanh khiến cho an toàn giao thông qua khu vực này không được đảm bảo. Mới đây, theo quy hoạch mạng lưới chợ của UBND tỉnh Ninh Thuận, UBND thành phố Phan Rang- Tháp Chàm đã quyết định di dời chợ Tấn Tài đến nơi kinh doanh mới.

Tuy nhiên, việc di dời này đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của các tiểu thương ở chợ Tấn Tài. Tiểu thương đã nhiều lần tụ tập tại UBND tỉnh phản đối.

Từ sáng 7/10, tại trụ sở tiếp dân của UBND tỉnh Ninh Thuận đã có hơn 200 tiểu thương chợ Tấn Tài đến để xem quyền lợi của mình được giải quyết như thế nào.

Có rất đông bà con tiểu thương chợ Tấn Tài đến tham dự buổi đối thoại.
Có rất đông bà con tiểu thương chợ Tấn Tài đến tham dự buổi đối thoại.
Ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đang giải thích chủ trương của nhà nước trong việc đóng cửa chợ Tấn Tài
Ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đang giải thích chủ trương của nhà nước trong việc đóng cửa chợ Tấn Tài

Tại buổi đối thoại, hầu hết các ý kiến của tiểu thương đều xoay quanh việc chính quyền thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đã không tham vấn ý kiến của họ khi quyết định đóng của chợ Tấn Tài khiến cho họ lâm vào thế bị động.

Bên cạnh đó, tiểu thương cho rằng thông tin TP nói khu chợ mới được xây dựng trên diện tích 12.000 m2 là không đúng vì diện tích thực tế theo bà con tiểu thương là nhỏ hơn nhiều. Một vấn đề nữa được bà con tiểu thương nêu ra tại buổi đối thoại là cơ sở hạ tầng của chợ mới chưa hoàn thiện nên bà con chưa di dời qua.

Cụ thể là đường cho xe vào bốc dỡ hàng chưa đáp ứng yêu cầu của một chợ đầu mối, khu chợ mới cũng không đáp ứng được yêu cầu thoát hiểm vì chỉ có hai cửa, ít hơn rất nhiều so với các chợ khác…

Chợ mới Lân Hà, địa điểm sẽ tiếp nhận bà con tiểu thương chợ Tấn Tài sau khi đóng cửa
Chợ mới Lân Hà, địa điểm sẽ tiếp nhận bà con tiểu thương chợ Tấn Tài sau khi đóng cửa

Giá thuê cao hơn đơn giá tỉnh duyệt?

Một bức xúc khác mà bà con tiểu thương phản ánh là đơn giá thuê mà chủ đầu tư chợ mới đưa ra là quá cao, vượt quá khả năng của tiểu thương tại chợ Tấn Tài.

Bà Trần Thị Tuyết Nhung, một tiểu thương buôn bán lâu năm ở chợ Tấn Tài cho rằng: “Giá cho thuê sạp hàng tại khu chợ mới quá cao so với khu chợ cũ, muốn vào chợ mới, tiểu thương phải đặc cọc 6 triệu đồng một lô. Sau đó còn phải bốc thăm chọn lô, giá cho thuê gian hàng ở chợ mới thấp nhất cũng phải 12 triệu đồng/sạp/năm; cao nhất cũng phải gần 25 triệu đồng/sạp/năm. Điều này vượt quá thu nhập của đa số bà con tiểu thương chợ Tấn Tài”.

Bà con tiểu thương cho rằng khu chợ mới có giá cho thuê mặt bằng quá cao, vượt quá khả năng của bà con tiểu thương chợ Tấn Tài
Bà con tiểu thương cho rằng khu chợ mới có giá cho thuê mặt bằng quá cao, vượt quá khả năng của bà con tiểu thương chợ Tấn Tài

Về vấn đề này, ông Dương Ái Quân, Chủ tịch UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, nói: “Giá thuê mặt bằng là do UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt. Theo đó, giá thuê mặt bằng tại chợ mới Lân Hà được ấn định là 60 ngàn đồng/m2/tháng. Các điểm kinh doanh năm trên trục đường chính của chợ thì được tính 80.000 đồng/m2/tháng”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Mạnh Sang, đại diện cho bà con tiểu thương đưa ra một bản hợp đồng được ký kết giữa bà Trần Thị Thu Hà, Giám đốc công ty Lân Hà (chủ đầu tư chợ mới) và một tiểu thương của chợ Tấn Tài có giá cho thuê sạp tại chợ mới Lân Hà với số tiền lên đến 98.400.000 đồng. Lúc này thì ông Quân bối rối và cho biết sẽ kiểm tra lại (!?).

Chỉ đạo vấn đề này tại buổi tiếp xúc, ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, yêu cầu chính quyền thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khẩn trương kiểm tra lại đơn giá mà chủ đầu tư đã ký với các tiểu thương.

Kết thúc buổi đối thoại, ông Phạm Văn Hậu cho rằng những bức xúc của bà con là có cơ sở, và ông cũng yêu câu chính quyền các cấp cần giải quyết rốt ráo của bà con trên cơ sở luật pháp.

Mặc dù đã kết thúc buổi đối thoại, nhưng vẫn có rất đông bà con tiểu thương chợ Tấn Tài ở lại trước trụ sở tiếp dân tỉnh Ninh Thuận
Mặc dù đã kết thúc buổi đối thoại, nhưng vẫn có rất đông bà con tiểu thương chợ Tấn Tài ở lại trước trụ sở tiếp dân tỉnh Ninh Thuận

Bà Mai Thị Tuyết Thu, một tiểu thương buôn bán lâu năm ở chợ Tấn Tài, cho rằng: “Cá nhân tôi sẵn sàng chấp hành việc di dời chợ đến nới mới. Tuy nhiên, do thời gian đóng cửa chợ lại là thời gian cận Tết (26/11), thời gian đó là thời điểm làm ăn chính của chúng tôi, nếu phải di dời đến chợ mới thì bao nhiêu mối mang, bạn hàng làm ăn lâu nay sẽ bị xáo trộn, chúng tôi lấy đâu ra doanh thu để nộp thuế cho nhà nước? Vì thế, chúng tôi mong muốn nhà nước hãy để cho chúng tôi được kinh doanh tại chợ cũ đến qua Tết chúng tôi sẽ di dời”.

Hoàng Tâm