1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Tiêu cực có từ phòng máy lạnh đến mặt đường”

(Dân trí) - Trung tâm đào tạo tiêu cực, “bán bằng mà không dạy lái xe”; Tiêu cực có từ phòng máy lạnh, chứ không chỉ trên đường, từ sát hạch, đăng kiểm… đều có tiêu cực… Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng thừa nhận tồn tại trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Sáng 30/8, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng có phiên giải trình trước UB Quốc phòng An ninh của Quốc hội về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Quy định “ngực lép” hết sức… nhạy cảm
Đại biểu Trần Đình Thu: Sau nhiều tai nạn nghiêm trọng mới phát hiện lái xe nghiện ma túy.
Đại biểu Trần Đình Thu: "Sau nhiều tai nạn nghiêm trọng mới phát hiện lái xe nghiện ma túy".

Đại biểu Trần Đình Thu (ủy viên thường trực UB Quốc phòng An ninh) tỏ ý bức xúc về trình độ, đạo đức của nhiều tài xế xe khách hiện nay khi chỉ học nghề qua loa kiểu “chỉ nộp tiền là qua sát hạch”, là có bằng. Việc không kiểm soát được năng lực, sức khỏe lái xe nên dẫn đến hiện tượng sau tai nạn nghiêm trọng mới phát hiện lái xe nghiện ma túy, lái xe chưa đủ tuổi…

Tiếp lời, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (ủy viên UB Quốc phòng An ninh) cũng nhận định, nguyên nhân tai nạn từ xe khách đường dài hay xe container, do việc kiểm soát, quản lý sức khỏe tài xế còn nhiều bất cập. Giấy khám sức khỏe để đủ điều kiện tham gia sát hạch, cấp giấy phép thì đến bệnh viện nào cũng “mua” được. Các tiêu chí không phân biệt người lái xe vận tải chuyên biệt với xe cá nhân, xe gia đình bình thường.

“Thông tư về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe Bộ GTVT và Bộ Y tế đang phối hợp xây dựng cũng chưa biết sẽ thế nào, tác động như nào đến việc kiểm soát sức khỏe người lái xe trong khi nhiều vụ tai nạn khủng khiếp vẫn xảy ra, có vụ khiến cả nhà mất mạng. Nhiều gia đình đến giờ không dám đi chung trên một phương tiện trên mỗi chuyến đi” – ông Hồng nghi ngại khi nhắc đến những lùm xùm trong dư luận liên quan đến dự thảo văn bản này gần đây.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định ngay, mỗi khi để xảy ra một vụ tai nạn, lãnh đạo ngành luôn quán triệt cán bộ phải đặt vấn đề trước hết là trách nhiệm của Bộ, của cơ quan quản lý nhà nước đến đâu, sau đó đến trách nhiệm chủ xe, trách nhiệm đơn vị sát hạch, cấp giấy phép rồi mới đến trách nhiệm của lái xe.

“Nếu lái xe được khoán trắng, chạy liên tục quá 10h/ngày chắc chắn sẽ buồn ngủ, mệt mỏi, dễ dẫn đến tai nạn. Vậy nên cái phải sửa trước hết là các văn bản quy phạm pháp luật” – Bộ trưởng GTVT phân tích.

Đi sâu vào phần quản lý chất lượng đào tạo tài xế, Bộ trưởng Thăng thừa nhận thực trạng nhiều trung tâm đào tạo, sát hạch hiện tại dạy kiểu “lấy vì”, chạy theo lợi nhuận, tiêu cực… Khi kinh tế đi xuống, trong xu hướng cạnh tranh, mỗi trung tâm lại phải tìm cách cắt bớt chương trình, nội dung thực hành để hạ giá, lôi kéo học viên. Việc đó lại càng… “ăn vào chất lượng”.

Bộ trưởng GTVT quả quyết, tới đây, phải có hướng buộc các trung tâm đào tạo dạy người dân biết lái xe chứ không phải để mỗi người tìm đến “mua bằng nhưng không biết lái”.

Câu hỏi Bộ Y tế ban hành bộ tiêu chuẩn sức khỏe với người lái xe có đảm bảo, việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho lái xe hiện có thực chất, thực trạng một số vụ tai nạn liên quan đến sức khỏe tài xế xe khách, xe container… được chuyển cho đại diện Bộ Y tế.

Đại biểu Trần Đình Thu: Sau nhiều tai nạn nghiêm trọng mới phát hiện lái xe nghiện ma túy.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Lái xe được khoán trắng, chạy liền hàng chục tiếng mỗi ngày, ắt tai nạn".

Cục phó Cục quản lý Khám chữa bệnh Hoàng Văn Thành trình bày, việc xây dựng bộ tiêu chí sức khỏe của người lái xe được đưa ra từ nhiều năm trước nhưng dự thảo đưa ra khi đó nhận nhiều ý kiến phản hồi, chưa được đồng thuận cao nên quy trình soạn thảo phải tạm dừng để chờ nghiên cứu sâu rộng hơn.

Hiện tại, ông Thành cho biết, Bộ GTVT đã giao Cục Y tế, Bộ Y tế giao Cục quản lý Khám chữa bệnh phối hợp xây dựng lại bộ tiêu chuẩn sức khỏe lái xe này. Nhận định đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, đã từng vướng nhiều ý kiến không đồng thuận, ông Thành khẳng định 2 bộ sẽ phải phối hợp thật chặt chẽ để soạn thảo dự thảo chung dựa trên nghiên cứu khoa học về tâm sinh lý sức khỏe người lái xe. Dự thảo chính thức sau khi hoàn thành sẽ được đưa ra lấy ý kiến người dân ở mọi tầng lớp rồi tổng hợp lại, hoàn chỉnh thành thông tư trình lãnh đạo 2 bộ ban hành.

“Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm vì ảnh hưởng đến nhiều đối tượng nên cần thận trọng. Những vấn đề nêu trên Bộ Y tế sẽ lưu ý để tiếp tục trao đổi, đề ra biện pháp thiết thực xây dựng thông tư nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của người tham gia giao thông” – ông Thành quả quyết.

Mỗi ngày nhận dăm ba chục nghìn, tham nhũng thành thói quen

“Truy vấn” một nội dung khác, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga tỏ ý đồng tình với nhận định về hiện tượng tiêu tực trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải bằng ô tô, cũng như việc nhấn mạnh trách nhiệm với người thực thi công vụ, công bằng so với vấn đề ý thức người tham gia giao thông của Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Tuy nhiên, bà Nga lập luận: “Không thể nói 1 xe khách chở quá người, 1 xe container quá tải trọng đi từ Nam ra Bắc trót lọt với một hệ thống kiểm soát dày đặc trên đường qua hàng chục tỉnh thành. Không phải vô cớ Tổ chức Minh bạch thế giới đưa ra kết quả khảo sát cảm nhận tham nhũng với kết quả CSGT thuộc nhóm đứng đầu. Trong khi đó, lãnh đạo ngành CSGT lại phát biểu chỉ nhận một vài trăm, năm ba chục nghìn không phải là tham nhũng”. Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp đề nghị bình luận thêm về những thông tin phản ánh tiêu cực của CSGT trong dư luận.
 
Đại biểu Lê Như Tiến: ngành GTVT có phát động giáo dục đạo đức với người lái xe?.
Đại biểu Lê Như Tiến: "ngành GTVT có phát động giáo dục đạo đức với người lái xe?".

Thừa nhận thực tế tồn tại tiêu cực trong công tác tuần tra kiểm soát, Bộ trưởng GTVT phân trần, ngành đã thường xuyên làm việc trao đổi với Bộ Công an để hạn chế ở mức thấp nhất hiện tượng này. Bộ trưởng Thăng cũng thanh minh thêm, tai nạn không thuần túy xuất phát từ sai sót trong hoạt động tuần tra trên đường mà có ở khâu cấp phép.

“Tiêu cực có từ phòng máy lạnh chứ không chỉ trên đường. Từng lĩnh vực từ sát hạch, đăng kiểm… đều có tiêu cực” – ông Thăng nói.

Giải pháp người đứng đầu ngành GTVT đề ra là siết lại văn bản pháp luật theo hướng thật đơn nghĩa, dễ hiểu, dễ thực hiện, không để cho việc hiểu, giải thích pháp luật như nào thuộc quyền của cơ quan thực thi, người dân trở thành bị động. Văn bản cần phải rõ ràng để cả người dân và cán bộ thực thi công vụ cùng hiểu như nhau, không có quyền quy diễn. Pháp luật nghiêm minh thì người thực thi cũng phải nghiêm minh, công bằng, không dung túng, bảo kê, phân biệt giữa người này người kia. Bộ GTVT cũng đã xây dựng đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của người thực thi công vụ, xem như một căn chứ hình thành văn hóa giao thông.

Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến tiếp tục dồn đuổi: “Trong giáo dục có hoạt động giáo dục công dân, lĩnh vực y tế có giáo dục y đức. Vậy ngành GTVT có phát động giáo dục đạo đức với người lái xe. Sao Bộ trưởng không tiếp tục xử lý nghiêm những người đứng đầu như vụ “trảm” Giám đốc BQL dự án ở sân bay Đà Nẵng hay xử thẳng Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng?”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định thực tế vẫn xử lý nhiều vụ khác rất nghiêm. Ông Thăng dẫn chứng việc phát hiện sai phạm tại sân bay Nha Trang khi hàng hóa của hãng VietJet Air lại bị “nhét” lên máy bay của Vietnam Airlines, điều hành bay vận hành sai quy trình khi máy bay đã cất cánh còn yêu cầu quay lại… trả hàng… Khi đó, ông Thăng đã quyết định cách chức ngay Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Khánh Hòa. Tuy nhiên, xét hoàn cảnh vị giám đốc này vừa phải chịu tang cha, đã đảm nhiệm chức vụ 20 năm, chỉ 1 năm nữa là nghỉ hưu nên rút lại quyết định, tạo điều kiện cho ông này nghỉ hưu sớm.

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội cũng được yêu cầu “chia lửa” cùng Bộ trưởng Thăng. Ông Nghị cũng thừa nhận, tiêu cực của CSGT là một thực tế. Nhiều năm qua, Bộ Công an đã cố gắng hoàn thiện đề án phòng ngừa tiêu cực trong lĩnh vực này với nhiều cơ chế để loại trừ tận gốc tiêu cực.
 
Đại biểu Lê Như Tiến: ngành GTVT có phát động giáo dục đạo đức với người lái xe?.
Bộ trưởng GTVT được đánh giá đã tập trung ghi chép, trả lời đầy đủ, thẳng thắn các câu hỏi chất vấn.

Dẫn chứng một khâu bất cập có thể tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh là việc nộp phạt qua kho bạc nhà nước không thể thực hiện trong đêm khi cơ quan này chỉ làm giờ hành chính, lái xe vi phạm dễ đề nghị cảnh sát “chung chi” hơn, Phó Cục trưởng Đỗ Đình Nghị cho biết, ngành đã đề xuất phạt qua tài khoản. Tuy nhiên, do điều kiện kỹ thuật, việc này chưa áp dụng được.

Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống giám sát trên các tuyến đường để xử phạt qua hình ảnh cho minh bạch, chống tiêu cực nhưng do khó khăn kinh tế nên đề án cũng chưa được đầu tư.

Bộ Công an tăng cường rà soát, quản lý quân bằng việc ban hành tiêu chuẩn chặt chẽ đối với cán bộ tuần tra kiểm soát, tổ chức thanh tra hóa trang, dùng phương tiện kỹ thuật hiện đại để ghi nhận sai phạm, lập đường dây nóng để người dân phản ánh thông tin về sai phạm… Thiếu tướng Nghị lấy ví dụ việc CSGT Tây Ninh bị tố bảo kê xe vi phạm đầu năm 2013, lãnh đạo Bộ đã giao cả Giám đốc Công an tỉnh và cơ quan điều tra của Bộ vào cuộc và dù chưa xác định được đầy đủ bằng chứng nhưng ngành cũng quyết định kỷ luật ngay 29 cán bộ, điều chuyển khỏi ngành CSGT.

Ông Nghị mong nhận được sự thông cảm, ủng hộ vì vấn đề tiêu cực của CSGT thực sự phức tạp, không thể ngày một ngày hai giải quyết ngay được.

Ghi nhận những quyết tâm của ngành ông Nghị đã trình bày nhưng đại biểu Lê Thị Nga vẫn bức xúc vì thực trạng đã tồn tại qua nhiều khóa, nhiều đời Bộ trưởng trong khi lãnh đạo ngành lại không nhận thức được nhận tiền dù chỉ dăm ba chục, một vài trăm ngàn nhưng là nhận hàng hàng, rõ ràng là tham nhũng đã thành thói quen. Nhắc lại cả việc ban hành quy định nội bộ “cấm báo chí quay phim” CSGT khi xử lý vi phạm gây phản ứng vừa qua, bà Nga yêu cầu ngành phải chấp hành đúng quy định pháp luật về việc giám sát của người dân để tăng cường hiệu quả chống tham nhũng, tiêu cực.

P.Thảo