1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tiết lộ quy trình lưu giữ đặc biệt với bảo vật quốc gia quý hiếm

Vi Thảo

(Dân trí) - Với các Bảo vật quốc gia càng quý hiếm, chất liệu dễ chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài thì công tác bảo quản, lưu giữ phải rất nghiêm ngặt, đặc biệt.

Thừa Thiên Huế thuộc nhóm tỉnh, thành có số bảo vật quốc gia nhiều nhất cả nước, với 35 hiện vật/bộ hiện vật được công nhận. Đáng kể nhất là 8 hiện vật/bộ hiện vật (33 hiện vật đơn lẻ) liên quan đến nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam để lại.

Hai hiện vật khác gồm: bệ thờ Vân Trạch Hòa và bộ chóp tháp Champa Linh Thái, cùng được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế.

Tiết lộ quy trình lưu giữ đặc biệt với bảo vật quốc gia quý hiếm - 1

Áo tế Giao của vua triều Nguyễn, Bảo vật quốc gia được công nhận năm 2015 (Ảnh: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế).

Trong số 33 hiện vật triều Nguyễn, chỉ có áo tế Giao, được bảo quản tại kho cổ vật của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, 32 hiện vật còn lại đều được trưng bày phục vụ du khách tham quan.

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, áo tế Giao của vua Nguyễn là chiếc áo duy nhất của thời kỳ quân chủ Việt Nam còn lại cho đến ngày nay. Áo màu xanh đen, dài 117cm, tà áo rộng 98cm.

Dưới thời quân chủ, lễ tế Giao là nghi lễ của quốc gia. Nhà vua thay mặt thần dân cúng tế trời đất, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Khi tế, nhà vua mặc áo thêu hình rồng 5 móng, mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú, mây, núi, chim trĩ, sóng nước, rong tảo…

Trong nhiều loại trang phục cung đình, duy nhất chỉ có chiếc áo này mới được trang trí những hình ảnh mang nhiều ý nghĩa biểu trưng như vậy. Chiếc áo biểu trưng cho vai trò của hoàng đế trong mối liên hệ giữa trời đất và con người.

Áo tế Giao triều Nguyễn được công nhận là bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2015.

Tiết lộ quy trình lưu giữ đặc biệt với bảo vật quốc gia quý hiếm - 2

Mặt sau của áo tế Giao (Ảnh: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế).

Ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế), cho biết áo tế Giao thuộc loại bảo vật quý hiếm, chất liệu dệt nên cần được bảo quản nghiêm ngặt, đặc biệt.

Vì chất liệu bằng vải, trải qua hàng trăm năm, nên việc bảo quản áo đòi hỏi phải trong điều kiện có độ ẩm, ánh sáng, không khí ở chế độ phù hợp nhất với bảo vật, giảm đến tối thiểu sự tác động, xâm hại của môi trường. Huế là vùng đất có mưa nhiều, độ ẩm cao nên công tác bảo quản càng phải kỹ lưỡng hơn.

Cán bộ kho cổ vật thường xuyên kiểm tra, xem xét tình trạng hiện vật, xử lý ngay nếu có ẩm, mốc. Khi nào có sự kiện thật cần thiết và quan trọng mới đưa ra trưng bày trong thời gian ngắn rồi tiếp tục lưu giữ.

Các bảo vật/hiện vật được Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế bảo quản dựa trên phương pháp khoa học và có sự tham vấn của các chuyên gia.

Tiết lộ quy trình lưu giữ đặc biệt với bảo vật quốc gia quý hiếm - 3

Các Bảo vật quốc gia có kích thước lớn, chất liệu bền vững đều được trưng bày cho du khách tham quan (Ảnh: Vi Thảo).

Với các hiện vật/bộ hiện vật có kích thước lớn, chất liệu bền vững, được trưng bày thường xuyên phục vụ du khách, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế có nhiều phương án bảo vệ, quản lý.

Tại các điểm trưng bày bảo vật quốc gia, Trung tâm đã đặt biển giới thiệu tại chỗ, gắn mã QR code để du khách có thể truy cập thông tin, tìm hiểu sâu hơn về hiện vật. Đồng thời, toàn bộ các bảo vật quốc gia đều đã được số hóa 3D, tăng cường ứng dụng công nghệ để phục vụ việc quản lý, trưng bày hiện vật và phát huy giá trị.

8 hiện vật/bộ hiện vật (với 33 hiện vật đơn lẻ) liên quan triều Nguyễn hiện do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý, gồm: Cửu vị thần công (đặt tại cửa Quảng Đức và cửa Thể Nhân); Cửu đỉnh (sân Thế Miếu);

Bộ sưu tập vạc đồng (gồm 10 chiếc với kích thước và trọng lượng khác nhau, được đúc dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần, đặt tại khu vực điện Cần Chánh, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung, điện Long An và điện Ngưng Hy);

Ngai vua Triều Nguyễn (đặt tại điện Thái Hòa); áo tế Giao; bia Khiêm Cung Ký (lăng vua Tự Đức); Đại Hồng Chung và bia Ngự kiến Thiên Mụ Tự (chùa Thiên Mụ).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm