1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tiếp viên Vietnam Airlines bị nghi tiếp tay cho kẻ cắp ở Nhật

(Dân trí) - Một phụ nữ Việt đang bị cơ quan điều tra Nhật Bản nghi ngờ có liên quan đến việc tiếp tay cho kẻ xấu khi tiêu thụ các sản phẩm ăn cắp gồm mỹ phẩm và quần áo thương hiệu nổi tiếng tại nước này.

Sự việc bị phát hiện khi cảnh sát mở rộng điều tra qua các cuộc thẩm vấn một nhóm 4 thanh niên người Việt Nam khoảng 20 tuổi có hành vi ăn cắp hàng trong các siêu thị quần áo và mỹ phẩm vào tháng 12/2013 tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Khi đó, các đối tượng trộm cắp này khai rằng phần lớn hàng hóa ăn cắp được chuyển đến cho một phụ nữ Việt khoảng 30 tuổi.

Vietnam Airlines khẳng định chưa nhận được bất kỳ điều tra chính thức nào hay
Vietnam Airlines khẳng định chưa nhận được bất kỳ điều tra chính thức nào hay yêu cầu hợp tác điều tra ntừ phía Nhật Bản về vụ việc được cho là có liên quan đến tiếp viên hàng không của hãng.

Số hàng ăn cắp khi bị cảnh sát phát hiện còn nguyên nhãn của các siêu thị bày bán, trong đó chủ yếu là mỹ phẩm mang thương hiệu nổi tiếng như Shiseido và quần áo hiệu Uniqlo. Nhóm này và người mua hàng không gặp gỡ để giao dịch trực tiếp mà hàng được gửi theo đường bưu điện đến địa chỉ một khách sạn gần sân bay Narita, nơi các thành viên đoàn bay ở. Sau đó người mua hàng thanh toán tiền cho các đối tượng ăn cắp theo hình thức chuyển khoản ngân hàng.

Trao đổi với PV Dân trí về sự việc này, người phát ngôn của Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airline - ông Lê Trường Giang - cho hay: “Chúng tôi biết một tờ báo của Nhật Bản có đưa tin về sự việc, nhưng cho đến thời điểm này Vietnam Airlines chưa nhận được bất kỳ điều tra chính thức nào, cũng chưa nhận được yêu cầu hợp tác điều tra nào về vụ việc từ cơ quan điều tra thực thi pháp luật của Nhật Bản”.

Cũng theo ông Giang, đoàn bay và đoàn tiếp viên của Vietnam Airlines đã có quy định nội bộ rất nghiêm khắc, trong đó yêu cầu 100% phi công, tiếp viên phải ký cam kết không buôn lậu và không tiếp tay cho buôn lậu. Nếu vi phạm, tiếp viên và phi công sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định và Luật Lao động.

“Vietnam Airlines luôn sẵn sàng phối hợp với cơ quan điều tra để xác minh làm rõ các cá nhân vi phạm và giải quyết vụ việc theo đúng trình tự pháp luật” - ông Giang khẳng định.
 
Một tấm biển cảnh báo tội ăn cắp tại Nhật Bản được viết bằng tiếng Việt

Một tấm biển cảnh báo tội ăn cắp tại Nhật Bản được viết bằng tiếng Việt

Năm 2009, một phi công của Vietnam Airlines cũng bị tạm giữ tại Nhật Bản vài tháng do có liên quan đến tội mua hàng ăn cắp của các nhóm người Việt tại nước này rồi “tuồn” về Việt Nam theo đường hàng không. Vụ việc bị đưa ra tòa xét xử nhưng sau đó được đình chỉ đặc cách. Tuy nhiên phi công này vẫn bị Vietnam Airlines đình bay 1 năm.

Hiện nay, mỗi ngày Vietnam Airlines có hơn 10 chuyến bay khứ hồi từ Hà Nội và TPHCM đi/đến các sân bay ở 4 thành phố lớn của Nhật Bản, vì thế các phi công và tiếp viên vẫn đi về trong ngày giữa Việt Nam và Nhật.

Được biết, mức thu nhập trung bình của tiếp viên hàng không hạng thường là khoảng 20 triệu đồng/tháng (năm 2013). Tuy nhiên, thu nhập cũng có thể cao hơn phụ thuộc vào thời gian đi bay và hưởng trợ cấp giờ bay. Ngoài ra việc lưu lại để bay khứ hồi sẽ được thêm phụ cấp chi phí khách sạn, ăn uống, đi lại nên các tiếp viên có thể thêm tiền tiết kiệm từ những khoản phụ cấp này.

Tham gia các chuyến bay đường dài, phi công và tiếp viên được mang theo 1 vali gửi và 1 vali kéo không quy định cân nặng. Tại các đầu sân bay, hành lý của phi công và tiếp viên hàng không có cửa đi riêng nhưng vẫn phải qua các bước kiểm tra, soi chiếu giống như hành khách, công việc này do hải quan và an ninh hàng không thực hiện.

Châu Như Quỳnh