Tiếp tục ghi nhận phóng xạ tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Lạt
(Dân trí)- Tại Đà Lạt và TP.Hồ Chí Minh các trạm quan trắc của Viện Nghiên cứu hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) tiếp tục ghi nhận trong không khí có nồng độ phóng xạ ở mức rất thấp.
Tối 20/4, cơ quan chuyên môn cho biết, đồng vị phóng xạ nhân tạo ghi nhận được tại Đà Lạt và TP. Hồ Chí Minh là I-131, Cs-134 và Cs-137 ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.
Kết quả quan trắc của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) cũng ghi nhận, sau khi mưa, hoạt độ phóng xạ trong không khí giảm nhiều.
Hình ảnh mô phỏng đám mây phóng xạ cho khu vực Đông Nam Á lúc 2h ngày 22/4. (Ảnh VAEI)
Theo tính toán mô phỏng, đám mây phóng xạ vẫn tồn tại trên vùng Đông Nam Á trong. Hôm nay, (20/4) các trạm quan trắc của tổ chức CTBTO tại Đông Nam Á vẫn phát hiện các hạt nhân phóng xạ với nồng độ thấp hơn mức cho phép hàng trăm nghìn lần.
Về tình hình tại Nhật Bản, theo báo cáo của tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, từ ngày 19/4, TEPCO bắt đầu chuyển khoảng 10.000 trong tổng số 25.000 tấn nước nhiễm xạ cao trong tòa nhà tuốc bin và máng bê tông tại Tổ máy số 2. Dự tính công việc này sẽ kéo dài trong vòng 26 ngày. TEPCO cho biết hiện có khoảng 67.500 tấn nước nhiễm phóng xạ đang tồn đọng tại nhà máy Fukushima I.
Cũng trong ngày hôm nay Chính phủ Nhật Bản đã cấm vận chuyển và khuyến cáo không nên ăn cá cát (sand-lance), một loại cá nhỏ đánh bắt ở vùng biển gần Fukushima do kết quả phân tích mẫu cá cho thấy hàm lượng I-131 và Cs-137 vượt quá giới hạn cho phép.
Thanh Trầm