1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tiếp tục đánh giá mức độ an toàn các đập hồ chứa thủy điện, thủy lợi

(Dân trí) - Bộ Xây dựng đề nghị tập trung kiểm tra các công trình thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ, các công trình năm 2014 chưa kiểm tra hoặc đã kiểm tra nhưng còn những tồn tại khiếm khuyết chưa đủ điều kiện đánh giá an toàn.

Đập thủy điện Ia Krêl bị vỡ năm 2014 (Ảnh minh
họa).

Đập thủy điện Ia Krêl bị vỡ năm 2014 (Ảnh minh họa).

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng vừa ký văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh đề nghị tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa các công trình thủy điện, thủy lợi theo phân cấp tại Nghị định số 46/2015 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và Nghị định số 72/2007 về quản lý an toàn đập. UBND cấp tỉnh kiểm tra, rà soát chất lượng và đánh giá mức độ an toàn các đập hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn theo phân cấp quản lý.

Theo Bộ Xây dựng, đối tượng kiểm tra, đánh giá là các đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã tích nước; các đập, hồ chưa có quy mô chiều cao đập từ 5 m trở lên hoặc hồ chứa có dung tích từ 50.000 m­3 trở lên. Trong đó tập trung vào các công trình thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ, các công trình năm 2014 chưa kiểm tra hoặc đã kiểm tra nhưng còn những tồn tại khiếm khuyết chưa đủ điều kiện đánh giá an toàn.

Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh báo cáo kết quả tổng hợp, đánh giá an toàn đập, hồ chứa gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 30/7.

Trước đó, thực hiện Nghị quyết số 11/2014 của Chính phủ và Nghị quyết 62/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, năm 2014 Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh tổ chức kiểm tra, đánh giá tổng thể an toàn đập, hồ chứa trong cả nước và đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tại hội nghị tổ chức đầu tháng 4 vừa qua ở Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết cả nước có hơn 6.600 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 560 hồ chứa lớn (dung tích hơn 3 triệu m3 hoặc đập cao hơn 15m), hơn 1.750 hồ có dung tích 0,2 - 3 triệu m3, còn lại là hồ dưới 0,2 triệu m3.

Đa phần các hồ chứa thủy lợi nhỏ và vừa ở nước ta được xây dựng từ 30-40 năm trước nên đã không còn phù hợp với điều kiện “mưa lũ cực đoan” hiện nay. Mặt khác lực lượng quản lý, vận hành hồ còn mỏng, nhiều nơi không có đội ngũ đủ năng lực chuyên môn, thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng… nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Bên cạnh đó, hiện cả nước đang có 1.150 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ…

Kha Xuân Lộc