Không tiến hành khảo sát, đền bù giải phóng mặt bằng và không di dời dân ra khỏi ra khỏi vùng ngập úng, quá trình nâng cấp công trình thuỷ lợi hồ Ba Cơi đã đẩy nhiều hộ dân ở xã Long Sơn, huyện Anh Sơn vào cảnh khốn đốn. Nhà cửa, vườn tược và cả tính mạng của hàng chục người đang bị đe dọa trong sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chính quyền sở tại.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (xóm 14, xã Long Sơn, huyện Anh Sơn) lâm vào cảnh khóc dở, mếu dở... Sau đợt mưa lũ hồi đầu tháng 10/2010, nước ở hồ Ba Cơi đột ngột dâng cao khiến ngôi nhà chị bị ngập sâu trong nước. Bất đắc dĩ, cả nhà phải "rồng rắn" kéo nhau lên tá túc nhà người quen chờ nước rút.
Chị Thanh ngậm ngùi nhìn chè chết úng
Thế nhưng, từ đó đến nay, đã gần 2 tháng trời, gia đình chị Thanh vẫn phải “ăn nhờ, ở đậu”. Chị Thanh bức xúc vì đã tìm gặp lãnh đạo huyện nhưng không thể gặp vì chủ tịch đi vắng suốt ngày.
“Khi hồ Ba Cơi nước chưa gây ngập chúng tôi đã có đơn phản ánh lên xã, huyện, nhưng giờ thì nước ngập rồi. Nhiều lần lên huyện để gặp bà Lam (bà Nguyễn Thị Hồng Lam - Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn - PV) kiến nghị nhưng bà ấy đi vắng suốt nên chẳng biết gặp ai. Giờ đây, các con chúng tôi đi học rất khổ, phải chèo thuyền hoặc đi men theo đồi để đến trường…”, chị Thanh cho biết.
Không riêng gì gia đình chị Thanh, một số hộ gia đình khác như hộ ông Nguyễn Thanh Chương, Nguyễn Viết Bằng và Đặng Duy Tiến... đều chung hoàn cảnh tương tự. Với ông Chương, năm 1993, sau khi rời quân ngũ, ông cùng gia đình lên vùng đất Già Giang (nay là xóm 14, xã Long Sơn) lập nghiệp theo chương trình dãn dân vùng kinh tế mới.
Căn nhà đại đoàn kết của ông Chương mặc dù bị ngập hết sân nhưng gần 2 tháng nay vẫn là nơi sinh hoạt của 11 người...
Vốn là gia đình chính sách bởi ngoài bản thân ông trong gia đình còn có 4 người con đều bị nhiễm chất độc da cam điôxin. Năm 2004, gia đình ông được Nhà nước đầu tư xây dựng cho ngôi nhà Đại đoàn kết. Đời sống vốn đã khó khăn, nay ông Chương càng lo lắng hơn bởi không chỉ nhà cửa, vườn tược mà tính mạng cả gia đình cũng đang bị đe doạ không chỉ vì ngập nước mà còn vì phải sử dụng nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Ông lên xã thì xã bảo lên huyện, đến khi lên huyện, huyện bảo các bác lên huyện kêu thì huyện mới biết lụt!
“Từ 4/10/2010 lại đây, nước dâng lên cao lắm. Người lớn thì còn đỡ, nhưng trẻ em rất nguy hiểm mỗi khi đến trường hoặc đi chơi. Còn nước sinh hoạt kể từ khi ngập lụt đến nay (hồ Ba Cơi nước dâng cao - PV) chúng tôi phải đi bộ hơn 100m để xin ăn. Còn nước giếng chung với nước hồ biết là bệnh tật những cũng phải ăn, chứ biết đi đâu bây giờ”, ông Nguyễn Thanh Chương than vãn.
Các hộ dân ở đây cho biết, kể từ ngày con đập ở hồ Ba Cơi được nhà nước đầu tư nâng cấp để đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thì các hộ dân ở đây lâm vào hoàn cảnh ngập sâu trong nước. Điều lạ là trong quá trình thi công, chủ đầu tư là Sở NN&PTNT Nghệ An cũng như huyện Anh Sơn đã không tiến hành khảo sát để có phương án di dời những hộ dân nằm trong vùng ngập nước.
Và cho đến nay, mặc dù người dân đã nhiều lần kêu cứu và làm đơn kiến nghị nhưng vẫn chưa có một cơ quan, ban ngành có thẩm quyền nào đứng ra tìm hướng xử lý. Ông Phạm Đăng Thế - Bí Thư Đảng uỷ xã Long Sơn cho biết: “Xã cũng đã kiến nghị với huyện, nhưng huyện vẫn chưa có hướng giải quyết…”.
Đem vấn đề này trao đổi với bà Võ Thị Hồng Lam - Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, bà Lam cho rằng: “Huyện chỉ là đơn vị hưởng lợi chứ không tham gia thi công, hơn nữa những hộ dân chịu ảnh hưởng nằm trên địa giới hành chính của huyện, nhưng thực chất họ là công nhân xí nghiệp chè nên Xí nghiệp chè Anh Sơn phải phối hợp với chủ đầu tư là Sở NN&PTNT để tìm hướng xử lý…”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Sáng - Phó Chủ tịch UBND huyện, trưởng ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện Anh Sơn lại cho rằng đây chỉ chuyện “bình thường”, lỗi do chủ dự án là Sở NN&PTNT và huyện cũng đã có công văn yêu cầu chủ dự án khắc phục.
Rõ ràng, đời sống và cả tính mạng của hàng chục người dân đang hàng ngày, hàng giờ bị đe doạ… Thế nhưng, không hiểu vì sao vị Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn Nguyễn Công Sáng lại cho rằng “chỉ là chuyện rất bình thường”. Phải chăng, vì sự “rất bình thường” nên dù người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng huyện Anh Sơn vẫn thờ ơ ngoài cuộc.
Thiết nghĩ, Sở NN&PTNT Nghệ An và huyện Anh Sơn cần sớm có phương án di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi chưa có hậu quả đáng tiếc xẩy ra.
Dưới đây là những hình ảnh về tình cảnh của người dân ven hồ Ba Cơi:
Hồ Ba Cơi nâng cấp không tính toán và di chuyển dân
Nhiều hộ dân bị nước hồ Ba Cơi dâng cao gây ngập lụt, cuộc sống bị đạo lộn
Người dân chỉ còn cách đóng bè chèo con đi học... hoặc đi ra khỏi nhà?
Và hàng chục ha chè bị ngập nước.
Tình cảnh ngập lụt đã diễn ra nhiều tháng qua
Nhiều hộ dân phải bỏ đi nơi khác...
Hữu Đức - Nguyễn Phê